Nhìn kinh tế ASEAN qua lăng kính chuyên gia

0
1204
Hội thảo quốc tế Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, đối với kinh tế ASEAN, cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Đó là nhận định của các chuyên gia ASEAN tại “Hội thảo quốc tế Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm” được tổ chức gần đây tại Hà Nội.

Hội thảo quốc tế Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm.N

Một “ốc đảo” với nhiều thuận lợi

Theo Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, về thách thức, hiện tại nền kinh tế khu vực đang có một số lợi thế rõ ràng. Thứ nhất, trong khi nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng suy giảm thì kinh tế ASEAN lại là một “ốc đảo” tương đối thuận lợi cho ASEAN và từ đó, ASEAN trở thành lực hấp dẫn cho các đối tác bên ngoài. ASEAN và các nước thành viên đang tận dụng được những cơ hội này.

Thứ hai, ông Vũ Khoan cho rằng, khi chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại bị thách thức thì ASEAN lại là nơi mà xu thế tự do hóa thương mại có nền tảng vững chắc với việc ASEAN đã trở thành một cộng đồng kinh tế hội nhập nội bộ sâu, là đối tác trong nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn của thế giới.

Thứ ba, sự phát triển của kinh tế thế giới đang chịu tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều nước ASEAN, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao như Singapore, đã nắm bắt và có những chủ trương, chính sách phù hợp. Chủ đề một ASEAN “tự cường và sáng tạo” của nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 (Singapore) cũng cho thấy ASEAN đã nắm bắt được xu hướng này và tiếp cận được phần nào.

Khi “sóng gió” nhiều, tài nguyên hết, mô hình cũ?

Tuy nhiên, theo chuyên gia ASEAN kỳ cựu này, trước bức tranh nhiều gam màu “sáng” đó, kinh tế ASEAN cũng có nhiều thách thức. Đầu tiên cần phải đề cập đến trình độ phát triển về chất trong ASEAN còn hạn chế so với các nước phát triển, đây là thách thức mang tính lâu dài. Tiếp đó là tính không ổn định của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng trong những năm tới vẫn không thể loại trừ khả năng này. Chúng ta chứng kiến lịch sử cho thấy cứ khoảng 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng, những năm 1970 là cuộc khủng hoảng dầu lửa, năm 1987 lại có cuộc khủng hoảng do thị trường chứng khoán của Mỹ rung lắc, các nước đều phải chịu tác động; năm 1997, bản thân ASEAN có cuộc khủng hoảng khu vực; năm 2008 cũng có cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông Vũ Khoan đặt ra câu hỏi liệu 10 năm tới có khủng hoảng hay không và ASEAN liệu có là “nhân vật” chính trong cuộc khủng hoảng đó. Đây hoàn toàn là vấn đề mà các nước trong Hiệp hội cần phải lưu ý.

Thách thức còn lại chính là chủ nghĩa bảo hộ đang bùng phát và chiến tranh thương mại diễn ra khó lường. Đây đang và sẽ là thách thức rất lớn đòi hỏi có một cách tiếp cận linh hoạt của ASEAN.

Về giải pháp cho những vướng mắc mà kinh tế Hiệp hội đang gặp phải, theo ông Vũ Khoan, hơn bao giờ hết, ASEAN cần dựa vào nội lực của chính mình. Theo ông, khi bên ngoài “sóng gió” như vậy thì nơi “cư trú” của ASEAN chính là bản thân nội khối ASEAN với một cộng đồng 600 triệu dân. Do vậy, ASEAN phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng nội khối, thúc đẩy quá trình tự do hóa nội khối nhanh hơn. Hiện nay, hợp tác nội khối vẫn tương đối hạn chế.

Đặc biệt, với đặc trưng hội nhập sâu rộng, ở mức độ nào đó, ASEAN nên phát huy vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy ngoại giao đa phương nói chung và liên kết kinh tế đa phương nói riêng, ủng hộ cho xu thế này. Song song với đó, ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa mô hình chuyển đổi phát triển, thích ứng với mô hình mới. Bởi lẽ, nếu theo mô hình cũ, lấy tài nguyên, lao rộng rẻ để làm kim chỉ nam phát triển thì thực sự không còn phù hợp nữa. Tài nguyên không còn nhiều, lao động “tuổi vàng” cũng cạn dần, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, vì vậy, phát triển theo mô hình cũ sẽ rất khó khăn.

Mục tiêu lớn cho bước tiến lớn

Trước cơ hội và thách thức tường tận như vậy, việc nhìn nhận ASEAN đang có gì và hướng đến điều gì cũng rất cần thiết. Có thể nói, ASEAN đang đặt ra cho mình những mục tiêu tham vọng, đặc biệt là với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Những gì mà Hiệp hội đạt được trong thời gian qua cũng khiến ASEAN có thể tương đối lạc quan về những mục tiêu của mình.

Chia sẻ tại Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo cho thấy một bức tranh khá toàn diện về thực trạng và tương lai kinh tế ASEAN qua những con số. Theo số liệu thống kê, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước ASEAN vào năm 2017 đã đạt gần 2,8 nghìn tỷ USD, đứng thứ 6 của thế giới và thứ 3 châu Á. Trong các năm từ 2015 – 2018, các nước ASEAN luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình ở mức 4,8 – 5,3%/năm; so với mức trung bình của thế giới trong cùng kỳ là 3,1% thì đây là một con số rất khả quan.

Dự kiến đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Thảo, các số liệu về giáo dục, y tế cũng cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao ở hầu hết các nước ASEAN. Lịch sử hơn 5 thập kỷ hợp tác cùng phát triển, cùng hành động vì lợi ích chung, và triển khai tầm nhìn Cộng đồng tập trung vào kết nối, đặc biệt là kết nối con người, đã giúp tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa các nước thành viên, củng cố “we-feeling” – cảm nhận cộng đồng giữa nhân dân các nước, từ đó hướng tới tạo dựng một bản sắc chung của ASEAN.

Cuối cùng, đối với câu hỏi Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy kinh tế ASEAN hướng về phía trước, đặc biệt khi ASEAN chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Đại sứ Nguyễn Tiến Minh khẳng định, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN (AEC) là ưu tiên số một trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Cuối năm nay, ASEAN và các đối tác có thể sẽ đạt được Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), do vậy, Việt Nam phải đưa sáng kiến này từ một hiệp định trên giấy tờ trở thành thực chất.

Việt Nam đang được nhiều nước thành viên khu vực kỳ vọng khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Với vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) nếu như trung cử, Việt Nam hoàn toàn có thể tham vọng hơn với những mục tiêu trong ASEAN.

Phạm Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here