Không chỉ đạt những kết quả khả quan trên cả 3 mục tiêu hợp tác kinh tế, quốc phòng và đưa nước Pháp đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam, “Chúng tôi còn nhiều tham vọng hơn nữa để đẩy xa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên. Đó là chia sẻ của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary.
Thưa Đại sứ, Ngài đánh giá thế nào về mối quan hệ Đối tác Chiến lược Pháp – Việt?
Năm 2013, Pháp và Việt Nam đã quyết định nâng cấp quan hệ của mình lên thành Đối tác Chiến lược. Mối quan hệ này ngày càng phát triển năng động hơn, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp François Hollande vào tháng 9/2016. Nhiệm vụ của chúng tôi là hợp tác cùng với các cơ quan Việt Nam để phát triển hơn nữa mối quan hệ này.
Có thể nói, nước Pháp xác định thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với các đối tác dựa trên những bình diện mà nước Pháp quan tâm như chiến lược, kinh tế và lịch sử. Đối với quan hệ Pháp – Việt, nhìn nhận từ phía Pháp, chúng tôi quyết định nâng tầm mối quan hệ này dựa trên sự gắn kết trong lịch sử lâu đời và sự chia sẻ chung về tầm nhìn tương lai. Hơn nữa, khu vực Đông Nam Á cũng mang lại nhiều lợi ích cho Pháp về cả chính trị, văn hóa và kinh tế và Việt Nam là đối tác ưu tiên trong khu vực.
Đại sứ có thể cho biết về nỗ lực hiện thực hóa 3 mục tiêu mà Đại sứ đã từng chia sẻ khi bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, bao gồm: hợp tác kinh tế, hợp tác quốc phòng và đưa nước Pháp đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam?
Mục tiêu đầu tiên là trong lĩnh vực kinh tế, cả Tổng thống Pháp François Hollande và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang trong tháng 9 năm ngoái đều thể hiện mong muốn nâng tầm mối quan hệ kinh tế xứng với mức độ hợp tác tin cậy về chính trị. Ngay trong chuyến thăm của Tổng thống François Hollande, hai bên đã đạt được thành công khi có các hợp đồng mua máy bay của các công ty Việt Nam như Vietjet Air, Jestar Pacific, và Việt Nam Airlines. Sau chuyến thăm, hai bên cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hợp tác kinh tế.
Thứ nhất, liên quan tới tàu điện ngầm số 3 của Hà Nội, chúng tôi đã ký cung cấp các toa tàu cho phía Việt Nam do 3 doanh nghiệp của Pháp là Alstom, Thalès và Colas Rail triển khai. Sự hợp tác có lợi cho cả hai phía bởi đây là lĩnh vực Pháp có kinh nghiệm được công nhận trên thế giới và tàu điện ngầm số 3 là dự án giao thông công cộng quan trọng với Việt Nam.
Thứ hai, hiện nay Tập đoàn Aéroport De Paris và Tổng công ty quản lý cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã có những buổi thương thuyết, trao đổi với nhiều kết quả ý nghĩa. Hy vọng, hai bên có thể ký kết một thỏa thuận sớm nhất.
Đó là những thành công mang tính biểu tượng trong hợp tác kinh tế hai nước thời gian qua nhưng bên cạnh đó không thể bỏ qua những tiến bộ đạt được trong trao đổi thương mại do các công ty vừa và nhỏ của hai nước. Ngày càng nhiều người Pháp tới Việt Nam thành lập doanh nghiệp, đặc biệt ở tại TP. Hồ Chí Minh.
Mạng lưới Start-up có nhãn hiệu chính thức cuối năm 2016 và là hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên của Pháp ở Đông Nam Á, cho thấy sự năng động của doanh nhân hai nước trong lĩnh vực này
Chúng ta đã nói đến thành công của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, giao thông song cũng cần đề cập tới nỗ lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm… Gần đây nhất, công ty Bel của Pháp, chuyên sản xuất các loại phomai đã tăng năng suất tại Việt Nam lên gấp 4 lần, cung cấp sản phẩm ra các nước Đông Nam Á.
Mục tiêu tiếp theo trong nhiệm kỳ của tôi là tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Trong tuần tới, đơn vị hải quân lớn thứ 2 của quân đội Pháp sẽ đến thăm Việt Nam trong vòng 6 ngày, tàu Mis Tral sẽ cập cảng ở Vũng tàu và tàu Coutbet sẽ cập cảng ở TP. Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực quốc phòng, một mặt chúng tôi mong muốn làm sâu rộng các lĩnh vực hợp tác, mặt khác muốn cung cấp trang thiết bị quân đội cho Việt Nam. Pháp đã trang bị những trang thiết bị quốc phòng tối tân cho các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Australia. Hy vọng, trong tương lai, Pháp cũng sẽ cung cấp những thiết bị này cho đối tác Việt Nam.
Mục tiêu cuối cùng của tôi là tăng cường mối liên hệ giữa giới trẻ hai nước. Hiện nay, chúng tôi đã tiếp nhận lượng lớn du học sinh Việt Nam và Pháp là điểm đến đầu tiên của sinh viên Việt Nam khi du học châu Âu. Chúng tôi hài lòng về kết quả này nhưng vẫn muốn đạt được những thành công lớn hơn với ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam sang Pháp. Đến Pháp, các bạn có thể học chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.
Như vậy, sự phát triển năng động giữa hai nước có được là do hai bên có mối quan hệ chính trị tốt đẹp, trên mọi lĩnh vực đều đạt được tiến bộ. Chúng tôi còn nhiều tham vọng hơn nữa để đẩy xa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên.
Trong bối cảnh ở nhiều nước xuất hiện chủ nghĩa dân túy và chống lại toàn cầu hóa, thực tế này có tạo ra những thách thức đối với quan hệ song phương cũng như đối với Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU hay không, thưa Đại sứ?
Có thể nói, nước Pháp và đối tác của Pháp tại Liên minh châu Âu (EU) luôn chia sẻ cùng với nhau từ khi EU được thành lập cách đây 60 năm. Chúng tôi đều tin tưởng hòa bình và sự phồn vinh chỉ có thể có được dựa trên sự trao đổi ý tưởng, hàng hóa và tự do đi lại của các cá nhân. Đây là tầm nhìn của chúng tôi trong quan hệ nội khối, và tầm nhìn của chúng tôi giữa EU với phần còn lại của thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách gia tăng trao đổi kinh tế, ý tưởng, tiếp xúc giữa giới trẻ. Chúng tôi nghĩ rằng, tương lai của con cháu chúng tôi phụ thuộc vào khả năng của chúng tôi có thể tiếp tục tăng cường hơn nữa những liên hệ trên, tiếp tục xây dựng các mối liên kết chứ không phải xây dựng các bức tường biên giới.
Theo tinh thần đó, FTA Việt Nam – EU có vị trí quan trọng vì hai bên đều chia sẻ tầm nhìn là khuyến khích những trao đổi, góp phần vào thịnh vượng chung của hai phía và thông qua trao đổi có thể tăng hơn nữa sự gắn kết giữa người dân EU với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng quá trình ký kết và thông qua của Hiệp định có thể theo đúng lộ trình.
Hàng Phạm (thực hiện)