Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với tổng kim ngạch thương mại hơn 1.400 tỷ USD.
Tại Diễn dàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề “25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước” diễn ra ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng được phát triển trong những năm gần đây.
Nhiều vấn đề tiếp cận thị trường đã được giải quyết kịp thời và hiệu quả, nhiều hợp đồng thương mại trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết, hàng hóa do Việt Nam và Hoa Kỳ sản xuất hiện diện ngày càng nhiều trong đời sống thường ngày của người dân hai nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với tổng kim ngạch thương mại hơn 1.400 tỷ USD. Kinh tế số, công nghệ, năng lượng, cơ sở hạ tầng là những ngành hợp tác rất tiềm năng giữa hai quốc gia và hứa hẹn sẽ trở thành những lĩnh vực hợp tác trụ cột trong tương lai.
Về phía Hoa Kỳ, các nhà đầu tư đã đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola và P&G…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng, giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
“Tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế cũng được thể hiện rõ trong việc Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, điện thoại, thiết bị điện tử…
Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, công nghệ nguồn, sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu… để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng rất nhanh của nền kinh tế. Đây cũng là lý do kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã duy trì tăng trưởng ổn định với tốc độ ấn tượng trong suốt 25 năm, đạt kỷ lục 75,7 tỷ USD vào năm 2019”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua đã thúc đẩy các công ty lớn, trong đó có nhiều Tập đoàn của Hoa Kỳ quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Việt Nam để phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới.
Trong đó, có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục. Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
“Hiện tại là thời điểm quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội, tiềm năng. Qua đó, thu hút dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy trao đổi về những vấn đề chiến lược quan trọng trong tương lai”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, bà Marie Damour, Tổng Lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, nhìn lại chặng đường 25 năm quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành công. Việt Nam và Hoa Kỳ cần tận dụng đà tăng trưởng đã đạt được trong thời gian qua để hướng tới một tầm cao mới trong thời gian tới.
Theo bà Marie Damour, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh ở một số lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và sản xuất.
Ở lĩnh vực năng lượng, bà Marie Damour cho rằng, ngành năng lượng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 10%/năm và có nhiều tiềm năng phát triển điện khí, khí hóa lỏng. Về cơ sở hạ tầng, càng cần nhiều dự án tỷ USD khác để đầu tư hạ tầng trong những năm tới và các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ mang thiết bị công nghệ cao đến Việt Nam.
“Ở lĩnh vực kinh tế số, chúng tôi rất quan tâm mục tiêu phát triển công nghệ số, nhất là trong thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh. Về sản xuất, có thể đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro sốc trong tương lai”, bà Marie Damour nói.
Giám đốc điều hành Amcham Vietnam, bà Mary Tarnowka khẳng định, dù Hoa Kỳ chưa phải là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam nhưng nhiều nhà đầu tư lớn như Coca-Cola, Intel đang đầu tư gián tiếp. Nhiều công ty công nghệ lớn của Đài Loan đang có mặt tại Việt Nam lại nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp lớn tại Mỹ.
Theo bà Mary Tarnowka, hoạt động xúc tiến đầu tư giữa hai nước sẽ triển vọng hơn trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực kinh tế số, ứng dụng kinh tế số vào các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.
Gia Thành