Nhiều cơ hội ‘đợi’ các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam

0
14
Khai trương Gian hàng Thụy Điển ở Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/10. (Nguồn: Thanhnien)

Thụy Điển là đối tác tin cậy của Việt Nam, sở hữu các kinh nghiệm thực tiễn và các giải pháp công nghệ tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Hướng dòng vốn vào đổi mới sáng tạo

Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đứng đầu thế giới về Chỉ số sẵn sàng về công nghệ đổi mới sáng tạo; xếp thứ 2 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; đứng thứ 2 về Đổi mới sáng tạo trong bảng xếp hạng châu Âu và ở vị trí thứ 3 về Khả năng cạnh tranh công nghệ…

Trên thực tế, các doanh nghiệp Thuỵ Điển đã phát triển và thích nghi rất nhanh với nhu cầu của xã hội và yêu cầu phát triển bền vững. Họ nhanh chóng thành công chuyển từ nền công nghiệp nặng sang công nghệ cao, tập trung vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là ngôi nhà của những thương hiệu lớn trên toàn cầu, Thuỵ Điển đã chuyển mình để trở thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có giá trị hàng đầu tại châu Âu trong thập kỷ vừa qua. Hiện Thụy Điển cũng là một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng kỳ lân công nghệ của thế giới, liên tục giữ vị trí hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, đô thị thông minh, tái chế rác thải và bảo vệ môi trường, năng lượng sạch…

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những điều kiện địa chính trị không ổn định như hiện nay, Thụy Điển đã sớm định hình chiến lược phát triển đầu tư và thương mại chú ý tập trung vào khu vực châu Á và đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của mình. Trong chiến lược mở rộng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thuỵ Điển không chỉ đưa ra những cam kết về phát triển bền vững, mà còn tập trung vào đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, đi cùng với những trách nhiệm và cam kết về giảm phát thải. Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Tại COP28, Việt Nam đã cùng Nhóm các đối tác quốc tế, trong đó có Thụy Sỹ chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố về JETP, với mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu.

Với Việt Nam, Thụy Điển là đối tác phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ thực hiện công cuộc Đổi mới ngay từ những năm đầu tiên, từ lĩnh vực cải cách kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản lý kinh tế… đến hành chính, luật pháp,… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức quốc tế (IMF, WB…).

Tháng 1/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA). Năm 2020, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. Cũng trong năm này, Quốc hội Thụy Điển phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Đây là những cơ sở quan trọng để doanh nghiệp Thụy Điển ngày càng quan tâm đến Việt Nam, coi đây là điểm đến quan trọng cho kế hoạch mở rộng đầu tư.

Đối tác bình đẳng cùng có lợi

Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (bắt đầu từ 1967), tổng viện trợ trên 3 tỷ USD, tập trung vào đa dạng lĩnh vực, y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng…

Sau 46 năm là đối tác viện trợ, năm 2013, Thụy Điển chấm dứt cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chính thức chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi.

Sau này, Thụy Điển tiếp tục viện trợ thông qua các tổ chức đa phương như LHQ, WB… hỗ trợ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới,… Do đó, cùng các dự án phát triển của Thụy Điển có mặt tại các tỉnh thành Việt Nam, nhiều Tập đoàn “tên tuổi” của nước này cũng sớm “quen mặt”, như ABB, AstraZeneca, Atlas Copco, Electrolux, Ericsson, IKEA, Oriflame, SKF, Volvo, Tetra Pak, H&M…

Đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh, hiện đứng thứ 29 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 743,39 triệu USD, tính đến tháng 6/2024.

Hiện có khoảng hơn 70 doanh nghiệp Thụy Điển hoạt động tại Việt Nam, đầu tư vào 7/21 ngành kinh tế ; tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí máy móc, công nghiệp thực phẩm, đồ nội thất, sản xuất bao bì, thông tin và truyền thông….  Tuy nhiên, những con số này vẫn còn khiêm tốn so với quy mô kinh tế và tiềm lực của Thụy Điển.

Việt Nam hiện là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại khu vực Đông Nam Á, kim ngạch song phương luôn ổn định và tăng trưởng đều qua các năm. Không những vậy, Việt Nam đã có 3 dự án đầu tiên đầu tư sang Thụy Điển với tổng vốn đạt gần 1 triệu USD. Mới đây nhất, Tập đoàn FPT đã chính thức khai trương Văn phòng đại diện tại Thụy Điển, đánh dấu bước tiến mới, tích cực về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.

Theo đánh giá của ông Johan Boden, CEO DenEast Vietnam, Việt Nam có mục tiêu rất rõ ràng khi phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những động lực chính để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này. Trong đó, việc Việt Nam đặt trọng tâm vào phát triển xanh và đổi mới sáng tạo rất phù hợp với chuyên môn của các nhà đầu tư Thụy Điển. Các doanh nghiệp Thụy Điển đều chú trọng đáng kể vào tính bền vững và muốn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Điển đã chuyển sang giai đoạn đối tác bình đẳng, cùng có lợi, phát triển ngày càng tích cực và đi vào chiều sâu. Những điểm tương đồng trong chiến lược phát triển bền vững, chính là nền tảng hợp tác quan trọng, thiết thực để hai bên “đến gần nhau” hơn nữa.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here