Sáng 26/11/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Tham dự Hội nghị còn có Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Ủy viên Thường trực, Tổ Trưởng Tổ Công tác.
BƯỚC KHỞI ĐẦU TÍCH CỰC, ĐẨY NHANH TRIỂN KHAI CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua gần 4 tháng triển khai từ khi Nghị quyết số 98 có hiệu lực, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện của bộ máy các cấp, các ngành của Thành phố, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, việc triển khai Nghị quyết số 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Nghị quyết 98 gồm 44 cơ chế chính sách trên 7 lĩnh vực, trong đó, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội; 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 98 được ban hành với tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản, cho phép Thành phố được áp dụng thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho Thành phố có bước phát triển đột phá, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu, dẫn dắt và đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế của Vùng kinh tế động lực và cả nước.
Qua gần 4 tháng từ khi Nghị quyết số 98 có hiệu lực, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện, tích cực của bộ máy các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, việc triển khai Nghị quyết số 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Các Bộ được giao nhiệm vụ soạn thảo 03 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, các Bộ đã trình ban hành 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn, triển khai Nghị quyết là (1) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành về quy định việc phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và (2) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Nghị quyết.
UBND thành phố Hồ Chí Minh được giao chủ trì 09 nhiệm vụ và tham mưu trình HĐND thành phố Hồ Chí Minh 13 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND. Đến nay, Thành phố đã ban hành 01 Quyết định và tham mưu HĐND ban hành 06 Nghị quyết nhằm triển khai các chính sách được giao.
Cụ thể, về huy động, sử dụng nguồn lực, HĐND Thành phố đã ban hành các Nghị quyết gồm: (1) Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; (2) Nghị quyết về quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa; (3) Nghị quyết ban hành Danh mục dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại Hợp đồng BOT; (4) Nghị quyết quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội;
Đến nay, các bộ đã trình ban hành 2 quyết định của Thủ tướng để hướng dẫn, triển khai Nghị quyết; Thành phố đã hoàn thành 7 nhiệm vụ, cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ, các nhiệm vụ còn lại đang được các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện theo tình hình thực tế… Đây là bước khởi đầu tích cực để đẩy nhanh việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đã được giao, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận những khó khăn, vướng mắc như: các chính sách về huy động, sử dụng nguồn lực đã được ban hành như: Chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); Chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D; sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch; thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Đối với các chính sách về chi thu nhập tăng thêm, tổ chức bộ máy, phân cấp, ủy quyền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tối đa 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Đối với chính sách về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa ban hành mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Riêng các chính sách phân cấp đối với TP. Thủ Đức đã bước đầu được triển khai tích cực, bên cạnh đó còn một số chính sách cần đẩy nhanh nghiên cứu triển khai như thành lập Thanh tra xây dựng và Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND TP. Thủ Đức; hoàn thiện các thủ tục để bầu bổ sung 1 Phó Chủ tịch HĐND và 1 Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.
THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TOD
Về định hướng triển khai Nghị quyết số 98 trong tháng 12/2023 và năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Thành phố phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tập trung triển khai các chính sách có tính đột phá, vượt trội, huy động nguồn lực để tạo đà cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ như sau: Thành phố và các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế cho phép thành phố Hồ Chí Minh vay một khoản đủ lớn (khoảng trên dưới 20 tỷ USD) để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mở rộng không gian Thành phố sang các địa phương lận cận trong vùng nhằm thay đổi một cách cơ bản về hạ tầng của Thành phố, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Thành phố; đồng thời cũng góp phần quan trọng để phát triển các đô thị vệ tinh và tận dụng, phát triển được không gian ngầm.
Đối với chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) các tuyến Metro đã có quy hoạch và khởi công xây dựng một số đoạn tuyến, Vành đai 3 đã khởi công xây dựng. Để áp dụng hiệu quả chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Thành phố khẩn trương rà soát quy hoạch đô thị, rà soát quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận xung quanh nhà ga và tuyến Metro số 1, số 2, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4.
Về chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến cảng Cần Giờ thuộc cảng biển thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch định hướng là khu bến tiềm năng phát triển, chưa có chức năng cảng trung chuyển quốc tế.
Để sớm thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có căn cứ trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, phối hợp với Thành phố thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để có quỹ đất thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Đối với thu hút nhà đầu tư chiến lược khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Thành phố cần tận dụng cơ chế, chính sách đã được giao để thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch…, thu hút thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa, hệ thống đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư chiến lược để tăng tính cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Về đầu tư theo phương thức PPP, thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương lựa chọn, ban hành danh mục các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong các lĩnh vực đã được cho phép, gồm cả lĩnh vực thể thao, văn hóa để huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư các hạ tầng của Thành phố. Về triển khai các chính sách tổ chức bộ máy, phân cấp, ủy quyền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương áp dụng các chính sách về tổ chức bộ máy của Thành phố, TP. Thủ Đức, nghiên cứu áp dụng phân cấp, ủy quyền như chính sách đã đề ra, nhằm tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu về 2 Nghị định, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục, trình Thủ tướng, Chính phủ trong tháng 12/2023. Đồng thời, giao các bộ và UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng và Nghị quyết số 98, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/12/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 98 của thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Nghị quyết 98 cho biết, Trung ương và Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, các tổ công tác. Thành phố cũng có Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết cũng như củng cố nhân sự ở các vị trí để phân công nhiệm vụ triển khai Nghị quyết từ sớm. Hội đồng đã tổ chức 2 phiên họp và đưa ra 20 khuyến nghị, một phần để triển khai các chính sách cụ thể, nhưng phần lớn hơn là từ các cơ chế, chính sách này nghiên cứu để giải quyết các vấn đề lớn của Thành phố, như đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố, khẳng định: “Từ sự tập trung chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự chủ động triển khai từ sớm của Thành phố, chúng ta đã thực hiện được khối lượng công việc rất lớn sau 4 tháng triển khai Nghị quyết. Đây là kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới”.
Đối với nhiệm vụ sắp tới, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ sớm ban hành 2 nghị định trong tháng 12 theo tinh thần Quyết định 896 và một nghị định thay Nghị định 93 về phân cấp việc quản lý nhà nước cho thành phố Hồ Chí Minh ở một số lĩnh vực mà hiện tại mà Bộ Nội vụ đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm trình Bộ Chính trị, Quốc hội về đề án Trung tâm tài chính quốc tế, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cuối năm 2024.
(Minh Hà/vneconomy)