Tháng 1/2017, sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do cựu Tổng thống Barack Obama chủ trì, với sự tham gia của 12 nước và trải qua hơn 5 năm đàm phán xây dựng. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản và 10 nước khác không còn cách nào khác ngoài việc tổ chức đàm phán lại. Sau hơn một năm nỗ lực không mệt mỏi, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và có hiệu lực vào ngày 30/12/2018.
Tuy nhiên, sau hơn một năm có hiệu lực, CPTPP vẫn chưa phát huy được vai trò, điều này khiến cho các nước thành viên cảm thấy không hài lòng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy, muốn phục hồi CPTPP trở lại TPP phiên bản gốc, xây dựng một TPP lấy các nước châu Á làm trung tâm.
Nhật Bản muốn đẩy nhanh xây dựng TPP
Theo thông tin mới nhất của truyền thông Nhật Bản, từ đầu năm đến nay Chính phủ Nhật Bản đã ra sức tích cực thúc đẩy CPTPP. Đặc biệt, vào tháng 4 vừa qua, Thái Lan đã bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia TPP. Nhật Bản hy vọng sẽ tổ chức một cuộc họp của Ủy ban TPP bên lề cuộc họp cấp Bộ trưởng diễn ra ở Mexico vào tháng 8 năm nay, và quyết định bắt đầu đàm phán về vấn đề Thái Lan tham gia TPP. Theo dự kiến của Nhật Bản, nếu các cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi, Thái Lan sẽ trở thành thành viên mới của TPP vào năm 2021. Từ đây về sau, thành viên mới của TPP sẽ tiếp tục gia tăng. Cũng theo truyền thông Nhật Bản, các nước và khu vực như Anh, Indonesia, Philippines và Đài Loan cũng đã nêu lên vấn đề tham gia TPP.
Quan chức phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản cho biết Tokyo đã cử người bàn bạc với Chính phủ Thái Lan và chuẩn bị tốt cho việc đàm phán song phương trong thời gian tới. Dự kiến các cuộc đàm phán chính thức với Thái Lan sẽ được khởi động trong năm 2021, hơn nữa khi đó Nhật Bản sẽ đảm nhận cương vị chủ tịch TPP, điều này càng có lợi cho việc thúc đẩy thuận lợi việc đàm phán với Thái Lan.
Từ tháng 3 đến nay, đại dịch COVID-19 không ngừng lây lan ở khu vực châu Á, không chỉ Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại, mà các nước châu Á như Hàn Quốc cũng bị tác động. Ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Australia cũng có hàng chục nghìn người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, toàn bộ hoạt động kinh tế của khu vực châu Á cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Nhật Bản do mạng lưới sản xuất rộng rãi ở nước ngoài, rủi ro được phân tán, nên ảnh hưởng đối với nền kinh tế tương đối hạn chế. Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, “sau khi Thái Lan tham gia TPP, chuỗi cung ứng sẽ được củng cố và đa dạng hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho ngành công nghiệp Nhật Bản”. Nhiều doanh nghiệp ô tô Nhật Bản đặt cơ sở sản xuất ở Thái Lan, do đó nếu Nhật Bản và Thái Lan có thể ký kết các quy tắc chung về tự do hóa thương mại và đầu tư, thì các ngành sản xuất khác của Nhật Bản cũng có thể chuyển cơ sở sản xuất đến Thái Lan, thắt chặt quan hệ hợp tác song phương.
Ngày 13/12/2019, sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhà kinh tế nổi tiếng của Nhật Bản, giáo sư Watanabe Laichun thuộc Đại học quốc tế Kansai đã có bài viết đăng trên tờ Nihon Keizai Shimbun cho rằng: xét từ lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận trong lần đàm phán này, rất nhiều vấn đề đều giống với tiêu chuẩn và yêu cầu của TPP, bản chất của việc Mỹ nhiều lần đàm phán với Trung Quốc có thể chính là muốn đạt được mức yêu cầu của TPP. Thông qua đàm phán thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế trong nước, điều này có lợi hơn cho việc tham gia TPP của nước này. Do đó, Nhật Bản cũng phải tiến hành đàm phán với Trung Quốc về vấn đề thúc đẩy cải cách thị trường hóa. Trước hết yêu cầu ký thỏa thuận hợp tác kinh tế (EPA) giữa hai nước với Trung Quốc cũng là một trong những lựa chọn chiến lược trong đàm phán. Nhật Bản cần phải tránh vấn đề lựa chọn đứng về bên nào: Việc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều cực kỳ bất lợi đối với Nhật Bản. Vì vậy, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc TPP là khung hợp tác đa phương, điều này sẽ không làm mất lòng cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và cũng nên là sự lựa chọn quan trọng của Nhật Bản, nghĩa là Trung Quốc tham gia hợp tác TPP và Mỹ cũng quay trở lại TPP thì đều vẹn cả đôi đường.
Trong số các quốc gia và khu vực ở châu Á, Indonesia và Philippines đều có ý muốn trở thành thành viên của TPP. Đài Loan cũng rất quan tâm đến vấn đề tham gia TPP, đang quan tâm chặt chẽ đến tiến triển của các cuộc đàm phán của Thái Lan theo quy tắc mới sau khi TPP mới có hiệu lực, sau đó mới quyết định tham gia đàm phán như thế nào.
Ngày 4/11/2019, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được tổ chức ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ra tuyên bố chung nhấn mạnh năm 2020 sẽ ký RCEP, các bên sẽ đẩy nhanh tốc độ đàm phán. Tuy nhiên, Ấn Độ cuối cùng lại tuyên bố không tham gia đàm phán, đồng nghĩa với việc rút khỏi hiệp định này. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản lại cho rằng RCEP không thể thiếu Ấn Độ, Nhật Bản không muốn Ấn Độ rút khỏi RCEP, hơn nữa còn muốn kéo Ấn Độ vào TPP để làm nổi bật mối quan hệ khăng khít giữa hai nước.
Nhật Bản muốn nhanh chóng thực hiện chiến lược “Trung Quốc +1”
Nhiều số liệu cho thấy những năm gần đây mức độ phụ thuộc của chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản vào Trung Quốc tăng lên hàng năm. Đặc biệt là sự phụ thuộc về linh kiện ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng cao, cụ thể: năm 2005, tỷ trọng nhập khẩu linh kiện ô tô từ Trung Quốc của doanh nghiệp Nhật Bản chiếm 18%, và sau 14 năm con số này đã tăng lên mức 37% vào năm 2019, tăng ròng 19 điểm phần trăm. Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản cung cấp, tỷ trọng nguyên vật liệu trung gian mà Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Quốc cũng lên đến 21,1%, đứng đầu trong số các nước chủ chốt. Tỷ lệ của Mỹ, Đức, Anh lần lượt là 16,3%, 7% và 5,9%. Trong số 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7), tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu của Nhật Bản đối với Trung Quốc là cao nhất. Nguyên nhân rất đơn giản, đó chính là do doanh nghiệp Trung Quốc tôn trọng hợp đồng, giữ lời hứa, tố chất người lao động cao, lương công nhân tương đối thấp, năng suất lao động cao…
Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, nhiều nhà máy và doanh nghiệp của Trung Quốc lần lượt ngưng hoạt động, điều này khiến cho việc nhập khẩu linh kiện cần thiết của các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn, và Nhật Bản cũng có một số nhà máy buộc phải ngưng sản xuất. Do đó, giới công nghiệp của Nhật Bản đã đề xuất cần phải tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản với các nước châu Á. Tại hội nghị đầu tư tương lai được tổ chức tại dinh thự làm việc của Thủ tướng Nhật Bản vào thượng tuần tháng 3, Tổng thư ký Hiệp hội kinh tế Nhật Bản Kengo Sakurada cho rằng cần phải mở rộng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản sang các khu vực như Đông Nam Á, chính phủ cần phải thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1” (hợp tác cùng Trung Quốc, đồng thời vẫn cần có một nước có thể thay thế Trung Quốc). Bên cạnh đó, Kengo Sakurada nhấn mạnh “nên nắm bắt cơ hội từ hội nghị này, chính phủ và giới tài chính cần đưa ra chính sách cụ thể và thiết thực hơn trên phương diện thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ và các nước ASEAN”. Nếu TPP mở rộng ra toàn bộ châu Á, thì việc thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1” sẽ là một mắt xích quan trọng trong quá trình đó.
Trong gói chính sách kinh tế khẩn cấp được Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 4 vừa qua có nội dung khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển một số cơ sở sản xuất ở nước ngoài về trong nước, hoặc chuyển đến các nước và khu vực khác ở Đông Nam Á, chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí liên quan. Hiện nay, giới kinh tế cũng đang nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đang phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu linh kiện ô tô từ Trung Quốc mà muốn nhập khẩu linh kiện ô tô từ các nước và khu vực khác, hoặc chuyển cơ sở sản xuất đến các nước, khu vực khác ở Đông Nam Á cũng như quay về Nhật Bản./.
Trần Quyên