Ngày 24/8, Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy lạm phát của nước này vẫn tăng trong tháng Bảy vừa qua do giá năng lượng tăng, nhưng vẫn còn xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra. Cụ thể, không tính giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, chỉ số giá tiêu dùng lõi trên cả nước tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái (với chỉ số giá là 100,9 điểm so với mốc cơ sở 100 điểm năm 2015), ghi dấu tháng 19 liên tiếp chỉ số này đi lên.
Sự gia tăng trong giá các mặt hàng thiết yếu như điện và khí đốt cũng như xăng và dầu hỏa tiếp tục là yếu tố thúc đẩy giá tiêu dùng. Trong khi đó, giá các thiết bị gia dụng lâu bền như máy hút bụi lại giảm xuống. Nếu tính cả giá thực phẩm tương sống, thì giá hải sản và rau tăng mạnh đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,9%, cao hơn mức 0,7% hồi tháng Sáu. Loại trừ cả giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, giá tiêu dùng của Nhật Bản tháng Bảy tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức 0,2% ghi nhận tháng trước đó.
Một quan chức của Bộ trên cho biết giá tiêu dùng tiếu tục đà tăng vừa phải, không có dấu hiệu bị ảnh hưởng đáng kể từ tình trạng lũ lụt và sạt lở đất do mưa lớn ở phía tây Nhật Bản hồi tháng trước.
Đà tăng ”ì ạch” của giá tiêu dùng lâu nay vẫn là vấn đều đau đầu đối với BoJ. Ngân hàng này hồi tháng trước đã điều chỉnh nhẹ chính sách tiền tệ dựa trên dự đoán rằng Nhật Bản sẽ còn mất nhiều năm nữa mới có thể đưa lạm phát nhích lên 2%, mức được xem là phù hợp cho một nền kinh tế khỏe mạnh. Theo những thay đổi chính sách, BoJ sẽ cho phép lãi suất dài hạn tăng nhẹ so với mức tiêu chuẩn 0% và dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục ở dưới mức mục tiêu ít nhất là đến hết tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021.
Ông Kazuma Maeda, Chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty Barclays Securities Japan Ltd nhận định rằng giá dầu tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy chỉ số giá tiêu dùng đến cuối năm 2018, nhưng tác động này có thể sẽ giảm dần trong năm 2019./.
Nguồn: TTXVN.