Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng

0
50
Ảnh minh họa. (Nguồn: Nikkei Asiaa Review)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Nikkei Asiaa Review)

Ngày 19/9, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ siêu lỏng hiện nay, giữ nguyên lãi suất ở mức thấp ít nhất đến tháng 1/2020. BoJ cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy giảm ngay cả khi châu Âu và Mỹ nới lỏng kiểm soát tín dụng. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu.

Nhật Bản đang đặt nhiệm vụ tạo ra động lực và nới lỏng chính sách tiền tệ – tín dụng để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên, nỗ lực chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, BoJ giải thích chính tâm lý “giảm phát” đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế.

Ông Tomoyuki Shimoda, Giáo sư kinh tế tại Đại học Hitotsubashi đồng thời là cựu quan chức BoJ, nhận định với lòng tin trên thị trường đang cải thiện, không có quá nhiều lý do để BoJ hành động. Ông cho rằng BoJ sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa nếu các điều kiện thị trường xấu đi và gia tăng những kêu gọi về các biện pháp kích thích tăng trưởng.

Các quan chức BoJ cho rằng nhu cầu trong nước mạnh đã bù đắp phần nào cho sự suy yếu của hoạt động xuất khẩu, giúp kinh tế Nhật Bản duy trì được đà tăng trưởng khiêm tốn. Xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm tháng thứ chín liên tiếp trong tháng 8/2019, trong khi lòng tin kinh doanh thấp nhất trong sáu năm rưỡi qua. Sức ép giảm phát cũng tăng trở lại với các khảo sát cho thấy các công ty đã giảm giá bán tháng thứ ba liên tiếp nhằm thu hút đơn hàng.

Trước đó, rạng sáng 19/9 (giờ Việt Nam), Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản giữa lúc gia tăng rủi ro và bất ổn do căng thẳng thương mại và kinh tế toàn cầu giảm tốc. Đây là lần cắt giảm thứ hai kể từ tháng 7 và cũng là lần thứ hai kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Quyết định trên của FED được cho là nhằm hỗ trợ và bảo vệ nền kinh tế Mỹ khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc cản trở hoạt động sản xuất và đầu tư, làm gia tăng bất ổn và khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc./.

Nguồn: TTXVN.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here