Nhận diện và cải thiện trở ngại, tận dụng tối đa EVFTA, “hái trái ngọt”

0
260
EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Ký kết vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tư do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế – xã hội của Việt Nam.

EVFTA giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại. (Nguồn: Bộ Công Thương)

EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và cũng tạo thêm các tiêu chuẩn đủ cao để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế kinh tế trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, mua sắm công…

Song song với đó, EVFTA không chỉ là FTA đầu tiên của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), mà còn là một FTA thế hệ mới. Theo đó, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam hoàn thiện năng lực thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới.

Điểm sáng xuất khẩu

Trong 3 năm thực thi, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong hai năm đầu.

Trưởng ban Kinh tế tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU giai đoạn 2012-2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu là 10,5%/ năm; nhập khẩu là 6,4%/năm.

Trong đó, giai đoạn 2020-2022, khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã phục hồi tăng trưởng, từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên mức tăng 14,2% năm 2021 và 16,8% vào năm 2022.

Bên cạnh đó, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.

EU chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau như máy móc, ô tô, dược phẩm, hóa chất và hàng tiêu dùng. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông sản, thủy sản cũng tăng trưởng ấn tượng tại thị trường khối 27 thành viên.

Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam. Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, nhưng đầu tư từ EU vào Việt Nam ít nhiều đã tăng sau đại dịch. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.

Vẫn còn trở ngại

Mặc dù EVFTA tạo ra những triển vọng đầy hứa hẹn nhưng một số chuyên gia nhận thấy, tác động đối với xuất khẩu vào EU trong năm thứ 3 có phần kém tích cực hơn, có thể là do kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng gặp những khó khăn do nhiều yếu tố như xung đột địa chính trị; xung đột Nga-Ukraine; tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và áp lực lạm phát; lãi suất điều hành và các quy định đối với nhập khẩu có xu hướng gia tăng ở thị trường EU.

Về thu hút đầu tư, dù đã có sự cải thiện, nhưng đầu tư của các quốc gia châu Âu vào Việt Nam vẫn được đánh giá khiêm tốn.

Nguyễn Thái Chuyên, Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT cũng nhận thấy, sau 3 năm thực thi EVFTA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa và quy tắc nguồn gốc. Đối với các ngành hàng nông nghiệp, lâm sản, các nhà khai thác và thương nhân phải chứng minh rằng sản phẩm hợp pháp và không vi phạm quy định về phá rừng.

Việt Nam chưa có hệ thống xuất xứ từ nông hộ và từng khu vực trồng trọt để có thể chứng minh với thị trường EU. Hơn nữa, gần 6 năm nay, thủy sản Việt Nam bị EC áp thẻ vàng IUU vì các hành vi khai thác bất hợp pháp làm cho xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn. Thủy sản là ngành được ưu đãi nhất về thuế, nhưng cơ hội này sẽ không được tận dụng triệt để nếu không gỡ được thẻ vàng IUU.

“Ngoài ra, EU là một thị trường khắt khe có tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, yêu cầu an toàn cho hàng hóa công nghiệp, và các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch cho các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu và thực phẩm từ nước ngoài. Điều này cũng là một trở ngại khác đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì phần lớn nguyên liệu sản xuất hàng hóa được nhập từ Trung Quốc và các nước trong ASEAN, khó kiểm soát về các tiêu chuẩn chất lượng”, TS. Nguyễn Thái Chuyên nhìn nhận.

Mặt khác, Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT cho rằng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực và trên toàn cầu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU không có thương hiệu riêng hoặc được phân phối thông qua nhãn hiệu nước ngoài. Điều này gây hạn chế trong việc tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cao trong hoạt động vận chuyển sản phẩm.

Về phía doanh nghiệp châu Âu, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức, cản trở việc khai thác hết tiềm năng của hiệp định.

Thứ nhất, Việt Nam đã nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng doanh nghiệp EU vẫn còn gặp khó khăn. Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong các quy trình này là rất quan trọng để đẩy nhanh quá trình tạo thuận lợi cho thương mại.

Thứ hai, một số doanh nghiệp châu Âu chưa hiểu đầy đủ hiệp định. Lỗ hổng kiến thức này khiến doanh nghiệp bỏ lỡ những triển vọng hợp tác có giá trị. Việc hiểu rõ hiệp định cho phép các nhà đầu tư châu Âu khai thác tối ưu tiềm năng to lớn của FTA này.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp là một rào cản khác, ví dụ như tình trạng thiếu điện vào tháng 6/2023 tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Việc mở rộng công suất, đặc biệt là năng lượng tái tạo, là yếu tố rất quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra, nâng cấp đường bộ, đường sắt, cảng và sân bay cũng là chìa khóa để các hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ.

Xây dựng sự hiểu biết và tin tưởng

Để cải thiện khó khăn, tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA và “hái trái ngọt”, theo ông Gabor Fluit, đối với doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên hàng đầu là tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của hiệp định và các thủ tục xuất khẩu thông qua hướng dẫn của chính phủ. Đồng thời, nâng cao hiểu biết về các cam kết của EVFTA.

Việc nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và dịch vụ cũng là yếu tố rất cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu cao của thị trường EU về chất lượng, an toàn và bền vững. Để duy trì tính cạnh tranh, các doanh nghiệp phải bắt kịp với các sở thích và ưu tiên của người tiêu dùng châu Âu.

Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương được xuất khẩu sang châu Âu. (Nguồn: VTC)

Đối với các doanh nghiệp châu Âu, việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ Việt Nam và các đối tác trong ngành rất quan trọng. Phía châu Âu cần đưa ra phản hồi về các vấn đề cần triển khai và cùng nhau tìm ra các giải pháp nuôi dưỡng một môi trường giao dịch thuận lợi, hiệu quả và minh bạch hơn.

“Các nhà đầu tư châu Âu nên ưu tiên quan hệ đối tác, liên doanh và mối quan hệ với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này giúp tích hợp kiến thức về các địa phương mà doanh nghiệp châu Âu muốn đến tìm hiểu, đầu tư. Ngoài ra, việc xây dựng sự hiểu biết và tin tưởng giữa các nhà đầu tư EU và doanh nghiệp Việt Nam tạo điều kiện cho sự hợp tác lâu dài”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, các chuyên gia của CIEM nhận định, Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết, trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương; Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, đất nước hình chữ S cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Ngoài ra, cần rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác và cđộng nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA.

Mai Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here