Ông Arif Husain, một nhà quản lý quỹ có tiếng ở Phố Wall, nói rằng ông đã sớm cảnh báo về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất trong năm nay – động thái mà ông cho là sai lầm.
Trong một báo cáo được hãng tin Bloomberg trích dẫn, ông Husain – trưởng bộ phận trái phiếu tại công ty quản lý quỹ T. Rowe Price – đưa ra cảnh báo mới rằng nhà đầu tư “đã chứng kiến đợt đầu của sai lầm đó, và sẽ có đợt tiếp theo nữa”.
Lời cảnh báo này có nghĩa rằng thị trường tài chính sẽ còn biến động trong thời gian tới – một hệ quả của việc BOJ tăng lãi suất vào tháng 7, bước đi khiến giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên Nhật đảo ngược mạnh mẽ.
Đến hiện tại, xu hướng tăng của đồng yên vẫn duy trì. Phiên ngày 3/9/2024, tỷ giá đồng yên so với đồng USD tăng hơn 1%, đạt khoảng 145,3 yên đổi 1 USD, so với mức thấp nhất 38 năm là gần 162 yên đổi 1 USD ghi nhận hồi tháng 7. Sáng 4/9/2024, đồng yên tiếp tục đi lên, có thời điểm tăng 0,4% so với USD, đạt 144,89 yên đổi 1 USD.
Vào ngày 5/8/2024, lập trường cứng rắn của BOJ và mối lo về sự giảm tốc của kinh tế Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng yên tăng mạnh. Tuy nhiên, báo cáo của ông Husain cho rằng nhà đầu tư có thể đã bỏ qua một nguyên nhân sâu xa hơn khiến các thị trường từ chứng khoán, tiền tệ tới trái phiếu cùng chao đảo. Đó là việc một lượng tiền khổng lồ ở nước ngoài của nhà đầu tư Nhật Bản có thể rút về nước nhằm hưởng mức lãi suất cao hơn tại nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
“Việc chú ý quá mức tới giao dịch carry-trade đã khiến sự chú ý đi trệch khỏi sự khởi đầu của một xu hướng lớn hơn và sâu sắc hơn”, nhà quản lý quỹ của công ty đang quản lý 1,57 nghìn tỷ USD tài sản nhấn mạnh. “BOJ thắt chặt chính sách tiền tệ và tác động của việc này đối với dòng vốn toàn cầu là không hề đơn giản một chút nào. Ảnh hưởng trong vài năm tới đây sẽ là lớn”.
Sau đợt biến động dữ dội vào đầu tháng 8, thị trường tài chính toàn cầu đã ổn định trở lại và tỷ giá đồng yên cũng bình ổn ở vùng giữa của khoảng 140-150 yên đổi 1 USD. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới giảm lãi suất vào ngày 18/9/2024 và khả năng BOJ còn tiếp tục tăng lãi suất sớm muộn gì cũng sẽ dẫn tới những sóng gió mới trên thị trường.
Ngày 3/9/2024, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda tái khẳng định quan điểm rằng BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến phù hợp với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Ông Husain – một người có kinh nghiệm đầu tư gần 3 thập kỷ – ủng hộ việc tăng tỷ trọng phân bổ vốn vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản, trên cơ sở cho rằng dòng vốn sẽ chảy về Nhật Bản khi lợi suất trái phiếu ở nước này tăng lên. Ông cũng khuyến nghị giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ – loại tài sản mà ông cho là sẽ đương đầu với áp lực giảm giá khi các định chế tài chính Nhật rút vốn khỏi Mỹ để chuyển về nước.
Nhà đã quản lý quỹ này cảnh báo về ảnh hưởng của lãi suất tăng lên ở Nhật Bản ngay từ tháng 6/2023, thời điểm mà đồng yên còn giao dịch ở mức khoảng 140 yên đổi 1 USD.
“Đến một thời điểm nào đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng lên có thể thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản như các công ty bảo hiểm nhân thọ và quỹ lương hưu khổng lồ của nước này quay trở lại mua trái phiếu chính phủ Nhật, rút vốn khỏi các loại trái phiếu chính phủ chất lượng cao khác. Việc này sẽ dẫn tới sắp đặt lại nhu cầu trên thị trường toàn cầu”, ông Husain viết trong báo cáo.
(Bình Minh/vneconomy)