Nhà đầu tư Nhật Bản – TP Đà Nẵng: Cung cầu gặp nhau

0
134
Tọa đàm với doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo tại Đà Nẵng.

“Đà Nẵng luôn xem  Nhật Bản là nhà đầu tư tiềm năng, chính quyền thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố, trong đó có lĩnh vực cơ khí chế tạo”, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì buổi Tọa đàm với doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo mới đây. Tham gia tọa đàm, có đại diện các sở, ban ngành và một số doanh nghiệp cơ khí của Đà Nẵng.

Đà Nẵng luôn xem Nhật Bản là nhà đầu tư tiềm năng

Với vị trí địa lý chiến lược là điểm đầu phía đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, Đà Nẵng có thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp như: Công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại, lắp đặt máy móc và thiết bị… phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong những năm qua, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo Đà Nẵng liên tục đạt mức tăng trưởng khá, với giá trị sản xuất hơn 2,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 12/2016, lĩnh vực cơ khí chế tạo dẫn đầu về số lượng dự án FDI tại Đà Nẵng với 125 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 11 tỷ USD.

Nhằm thu hút các DN cơ khí chế tạo công nghệ cao, Thành phố đã đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Ngoài ra, để đẩy mạnh khả năng sản xuất công nghiệp, Đà Nẵng cũng đã ban hành quyết định về các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Sự đổi mới không ngừng của Đà Nẵng những năm gần đây đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và công nghệ cao, thu hút nhiều lao động và gia tăng năng lực cạnh tranh của Thành phố trong chuỗi phân công lao động toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Đà Nẵng

Nhật Bản hiện nay là nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu về số dự án FDI của Đà Nẵng với 115 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt 397 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Tại buổi Tọa đàm, Tổ chức doanh nghiệp Nhật Bản RING 21 cho biết, RING 21 là Tổ chức gồm 25 công ty lớn, chuyên về sản xuất về cơ khí. Lần này, đoàn các doanh nghiệp rất mong muốn được đầu tư vào Đà Nẵng thông qua nhiều phương thức; Cụ thể như: hợp tác với doanh nghiệp Đà Nẵng hoặc xuất khẩu sản phẩm từ Nhật sang Việt Nam hoặc chuyển giao kỹ thuật sản xuất tại Đà Nẵng sau đó nhập khẩu trở lại Nhật Bản.

Tại buổi buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu nhanh về lĩnh vực hoạt động, sản phẩm và nhu cầu hợp tác đầu tư của từng doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

Trao đổi với các nhà đầu tư Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cam kết, Thành phố sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo. Với việc quy hoạch khu công nghệ cao, một trong ba khu công nghệ cao quốc gia của cả nước, Đà Nẵng thực hiện các chính sách với mức ưu đãi cao nhất của Chính phủ cho nhà đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách hỗ trợ đầu tư như cung ứng dịch vụ công một cửa và hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao.

Đề cập đến vấn đề mà các nhà đầu tư Nhật Bản khá quan tâm, đó là nguồn nhân lực, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện nay Đà Nẵng có khoảng 20 trường đại học, cao đẳng và các trường này đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao rất tốt, đáp ứng nhu cầu tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã có một số chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ. Cụ thể, Thành phố sẽ hỗ trợ trong việc đào tạo các kỹ sư, lao động đáp ứng có các chứng chỉ quốc tế và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ tiếng Nhật, Anh.

Tại buổi Tọa đàm, lãnh đạo Đà Nẵng cũng kỳ vọng các nhà đầu tư Nhật Bản sau khi khảo sát, nghiên cứu thị trường Thành phố sẽ nhanh chóng đầu tư, thành lập công ty, tạo ra những doanh nghiệp vệ tinh ở trong nước, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất ngày càng nhiều các sản phẩm chất lượng cao tiêu chuẩn Nhật Bản và tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm cho người lao động khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here