Nhà đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội từ tiến trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam

0
102

Tiến trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam với các ưu tiên về phát triển cơ sở hạ tầng và đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam” tổ chức tại Seoul ngày 15/12. Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc chủ trì với sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc và một số đối tác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Phạm Hữu Chí cho biết với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 6% trong giai đoạn 2011-2015 và dự kiến đạt 6,3% năm 2016 cũng như sự tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, Việt Nam đang là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 310 tỷ USD đến nay. Đại sứ khẳng định con số này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn và đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các DNNN.

Trong khuôn khổ Hội thảo, hơn 150 đại diện các công ty, tập đoàn và quỹ đầu tư của Hàn Quốc, bao gồm các tên tuổi như Huyndai Asset Management, Hanwha Investment and Securities, KB Asset Management,  Shinhan BNP Paribas Asset Management Co… đã bày tỏ đánh giá cao môi trường và các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông Han Chang Soo, Phó Chủ tịch KOFIA nhận định các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy thị trường tài chính trong nước đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ông Han Chang Soo cho biết đã có hơn 30 tổ chức tài chính Hàn Quốc hiện diện tại Việt Nam và tin tưởng chính sách mở rộng tài sản tài chính hộ gia đình, cùng với sự ra đời của quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài không chịu thuế đang được Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến, sẽ tạo động lực để các nhà đầu tư Hàn Quốc đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tại Việt Nam.

Chia sẻ với các nhà đầu tư tại Hội thảo, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng – Trưởng Ban quản lý các dự án PPP Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy các dự án đối tác công tư (PPP) trong 4 lĩnh vực hạ tầng giao thông là đường bộ, đường không, hàng hải và đường sắt, trong đó vốn huy động của khu vực tư nhân sẽ chiếm hơn 50%. Nhiều dự án quy mô lớn sẽ được triển khai, tiêu biểu như dự án Sân bay Long Thành với tổng vốn đầu tư hơn 2,6 tỷ USD trong giai đoạn 1, dự án đường sắt khổ 1.435 mm Hà Nội-Vinh với tổng vốn đầu tư 9,470 tỷ USD, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam… Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các dự án PPP, bao gồm nghị định 15/2015/NĐ-CP với một số ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu và thuế nhà thầu trong nước cùng với các ưu đãi về tiền thuê đất, quyền thế chấp tài sản. Đây là những thông tin được các nhà đầu tư Hàn Quốc tham dự Hội thảo rất quan tâm, một số nhà đầu tư bày tỏ mong muốn sẽ có cơ hội trực tiếp gặp gỡ các đối tác tại Việt Nam để tìm hiểu cụ thể về các dự án.

Tiến trình cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc tại Hội thảo trong bối cảnh nhiều DNNN quy mô lớn sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn này nhiều tổng công ty và tập đoàn sẽ triển khai cổ phần hóa như MobiFone, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Cao su Việt Nam… tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp cổ phần hóa và tăng cường các hoạt động M&A tại Việt Nam. Nhiều câu hỏi đã được các nhà đầu tư Hàn Quốc nêu ra liên quan đến khả năng tham gia tiến trình cổ phần hóa trong các lĩnh vực như hàng không, tài chính, xây dựng…

Hàn Quốc hiện là nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 5.600 dự án có tổng số vốn đăng ký hơn 51 tỷ USD. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2015, hợp tác kinh tế giữa hai nước đang đứng trước triển vọng sáng sủa trong những năm tới. Như khẳng định của Đại sứ Phạm Hữu Chí tại Hội thảo, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục tìm thấy những cơ hội và gặt hái thành công khi tham gia vào thị trường Việt Nam.

Một số ý kiến về tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam tại Hội thảo

– Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, thế giới và trở thành địa bàn đầu tư đầy tiềm năng. Hạ tầng giao thông là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ cổ phần hóa phần lớn các doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy đây là cơ hội lý tưởng để các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt nam

Phó Chủ tịch KOFIA Han Chang Soo

– Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của thế giới do tiềm năng tăng trưởng và các chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm thấy nhiều cơ hội tại Việt Nam

Giám đốc công ty đầu tư WISSEfn Lee Chol Soon

______________________________________________________________

KOFIA, tiền thân là Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán (Korea Securities Dealers Association), thành lập năm 1953, là một trong những hiệp hội doanh nghiệp thành lâp sớm nhất tại Hàn Quốc. Đến nay, KOFIA đã có trên 300 hội viên là các công ty đầu tư và quản lý tài sản của hầu hết các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, Deawoo, Shinhan, KB, SK,  Hanwha… và chi nhánh tại Hàn Quốc của các công ty tài chính quốc tế hàng đầu như Nomura Securities, Deutsche Securities, Merrill Lynch International, Morgan Stanley, JP Morgan, Standard Chartered.

(Nguồn: ĐSQ VN tại Hàn Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here