Nguy cơ Brexit không thỏa thuận chỉ được trì hoãn, chứ chưa mất đi

0
75
Nếu ông Johnson không giành được đa số, thỏa thuận Brexit của ông sẽ sụp đổ. (Nguồn: Vox)

Nguy cơ nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, không thỏa thuận mới chỉ được trì hoãn chứ chưa hoàn toàn mất đi, một thời hạn mới đang đến gần đó là tháng 7/2020.

Nếu ông Johnson không giành được đa số, thỏa thuận Brexit của ông sẽ sụp đổ. (Nguồn: Vox)

Mặc dù Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông “thà chết trong một mương nước” còn hơn là gia hạn Brexit tới sau ngày 31/10, nhưng trong tuần qua ông đã đồng ý với quyết định của EU về việc gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020. Việc phải tổ chức bầu cử vào ngày 12/12 có thể giúp che lấp đi sự xuống thang đáng xấu hổ này, nhưng chắc chắn là các đối thủ sẽ xoáy vào điểm này trong chiến dịch vận động tranh cử.

Ông Johnson đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi đạt được một thỏa thuận mới vào ngày 17/10. Tuy nhiên, cơ hội để thỏa thuận Brexit mới được phê chuẩn kịp cho Brexit diễn ra trật tự vào cuối tháng 10 luôn là rất nhỏ. Thật vậy, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã từ chối ủng hộ bầu cử sớm vì lo ngại xảy ra Brexit không thỏa thuận nếu thời hạn không được kéo dài. Chỉ khi nào Brexit không thỏa thuận bị loại bỏ, ông mới có thể chấp nhận một cuộc bầu cử.

Quyết định của EU được đưa ra một phần là do khả năng có một cuộc bầu cử. Tuy nhiên, thời hạn mới đang rất cận kề. Mặc dù thỏa thuận này đã giành được sự ủng hộ của quốc hội trong lần đọc thứ hai vào ngày 22/10, nhưng ông Johnson đã chọn tạm hoãn việc thông qua thỏa thuận này để thúc đẩy bầu cử sớm. Tuy nhiên, khi quốc hội mới họp vào trước Giáng sinh, sẽ chỉ còn 20 ngày làm việc để thông qua thỏa thuận này trước khi thời hạn 31/01.

Tạp chí The Economist số ra mới đây bình luận, điều gì xảy ra sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử. Nếu ông Johnson giành được đa số, ông sẽ thúc đẩy việc thông qua thỏa thuận Brexit một cách nhanh chóng. Nhưng nếu thế đa số của ông Johnson nhỏ, ông sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là với những đề xuất sửa đổi lớn. Đáng lưu ý là tháng 10/1971, các nghị sĩ đã bỏ phiếu tán thành nguyên tắc gia nhập tổ chức mà sau này thành EU với đa số 112, nhưng chưa đầy 4 tháng sau, khi bỏ phiếu thông qua Luật Cộng đồng châu Âu, số phiếu ủng hộ chỉ nhiều hơn có 8 phiếu.

Nếu ông Johnson không giành được đa số, thỏa thuận Brexit của ông sẽ sụp đổ. Công đảng muốn đàm phán lại thỏa thuận của ông và đưa thỏa thuận này cho người dân xem xét trong một cuộc trưng cầu dân ý mới với “Ở lại” là một lựa chọn. Đề nghị đơn giản của đảng Dân chủ Tự do là hủy bỏ yêu cầu Brexit theo Điều 50, nhưng đảng này có thể sẽ ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý nếu không đạt được yêu cầu trên. Hầu hết các đảng nhỏ khác cũng vậy.

Tuy nhiên, mặc dù một cuộc bầu cử mà đảng Bảo thủ không giành đa số là con đường rõ ràng nhất dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, nhưng đó là điều những người chủ chốt trong phe ủng hộ “Ở lại” dường như không mong muốn nhất. Kỳ vọng của họ là ông Johnson không thể đạt được một thỏa thuận Brexit mới đã bị phá sản. Vì vậy, họ hy vọng có được một “Cuộc bỏ phiếu của nhân dân” trước khi tiến hành bầu cử.

Điểm đáng chú ý hơn về Brexit là, trái với tuyên bố của ông Corbyn, khả năng không thỏa thuận chưa mất đi. Không chỉ là thời hạn 31/01/2020, thời hạn EU có thể sẽ lại miễn cưỡng gia hạn thêm, đã gần kề, mà ngay cả khi thỏa thuận ra đi được thông qua thành luật, một thời hạn mới sẽ xuất hiện. Các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai với EU sẽ không thể thực sự bắt đầu cho đến tận tháng Ba. Một cuộc đàm phán thương mại phức tạp như vậy thường mất nhiều năm. Và vì thỏa thuận thương mại này không được tiến hành theo Điều 50, mà là Điều 218, nên nó phải được sự phê chuẩn của quốc hội tất cả các quốc gia và khu vực thành viên của EU, bao gồm cả quốc hội Wallonia.

Rất phi thực tế khi hy vọng tiến trình này sẽ được hoàn tất khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào tháng 12/2020. Thời hạn này có thể được kéo dài đến tháng 12/2022, nhưng phải có yêu cầu xin gia hạn trước ngày 01/7/2020. Vì vậy, trong vòng vài tháng, Thủ tướng Anh sẽ lại phải đối mặt với một lựa chọn đau đớn, quen thuộc: xin gia hạn hoặc để nước Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào vào cuối năm 2020.

Ông Johnson hứa “Brexit sẽ được thực hiện” sau khi tiến hành bầu cử. Tuy nhiên, Brexit sẽ vẫn đứng đầu chương trình nghị sự trong phần lớn năm 2020 bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đình Thư

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here