Ngoại giao phục vụ phát triển bền vững tại Đà Nẵng và một số đề xuất với ngành Ngoại giao

0
408

Nền ngoại giao của bất cứ quốc gia nào cũng phục vụ những mục tiêu cơ bản là góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia,tranh thủ và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước và nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Trong điều kiện đất nước ta hiện nay và xét phạm vi hoạt động tại địa phương, đóng góp cho phát triển bền vững trở thành mục tiêu cốt lõi và có ý nghĩa quan trọng hơn tất cả đối với ngành ngoại giao. Bài viết này xem xét vai trò của ngoại giao trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng, đánh giá hiệu quả hoạt động hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và từ đó đề xuất một số vấn đề đối với ngành ngoại giao trong công tác hỗ trợ địa phương.

Vai trò của ngoại giao trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI đã xác định nhiệm vụ tổng quát của thành phố trong giai đoạn 2015-2020 là “xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế – văn hoá – xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên”. Cùng với mục tiêu này, thành phố cũng xác định ba khâu đột phá, đó là: (i) Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, (ii) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; và (iii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bám sát chủ trương, đường lối, định hướng phát triển nêu trong Nghị quyết Đại hội, công tác đối ngoại Thành phố Đà Nẵng đã hướng trọng tâm hoạt động vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển, coi đó cũng là mục tiêu và nhiệm vụ trọng điểm của ngành. Thông qua hai cách tiếp cận, vừa phát huy vai trò “đầu mối” vừa hướng vào các nội dung “cụ thể”, ngành ngoại vụ của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ đó.

Thứ nhất, với vai trò là cơ quan đầu mối về hoạt động đối ngoại tại địa phương, Sở Ngoại vụ thành phố đã phát huy ưu thế của ngành ngoại giao để chuyển tải thông tin về đường lối, chủ trương và nhu cầu phát triển chung của thành phố đến các đối tác quốc tế, giúp họ hiểu rõ và đúng về quan điểm và tiềm năng của thành phố, từ đó tạo tiền đề và cơ sở cho hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua hoạt động đối ngoại, có thể nói, lãnh đạo thành phố đã tranh thủ mọi diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước, các đoàn khách quốc tế thăm và làm việc tại thành phố để giới thiệu, quảng bá thành phố. Hàng năm, việc tổ chức tiếp và làm việc với hơn 500 đoàn khách quốc tế đồng nghĩa với việc hơn 500 mối quan hệ được gây dựng, mở ra cơ hội trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, làm cơ sở cho việc kết nối đối tác và xúc tiến những dự án hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, nghiên cứu mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương nước ngoài, phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế và thường xuyên duy trì kênh thông tin với các Cơ quan đại diện các nước tại Việt Nam cũng góp phần đưa hình ảnh Đà Nẵng đến gần hơn với các đối tác, tăng cường khả năng hợp tác, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương. Vai trò đầu mối của Sở Ngoại vụ còn được thể hiện ở việc nắm bắt các cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài và kết nối với các ngành của địa phương, đầu mối trong việc triển khai các kế hoạch, đề án của thành phố về hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế.

Thứ hai, hoạt động đối ngoại của thành phố cũng không ngừng đổi mới phương thức để có thể tham gia vận động, xúc tiến nguồn lực cho những lĩnh vực đột phá cụ thể mà thành phố đã xác định.

Chẳng hạn, với chủ trương tạo đột phá về thu hút đầu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, các cơ quan đối ngoại, kinh tế đối ngoại của thành phố đã phát huy thế mạnh của ngành, chủ động tích cực vận động, xúc tiến đầu tư thông qua quan hệ với mạng lưới các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Nhiều hoạt động thu hút đầu tư được tổ chức như Hội thảo kết nối cơ hội kinh tế và xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia… Đóng góp đáng kể của ngoại giao trong lĩnh vực này phải kể đến là mô hình hoạt động hiệu quả của Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Tokyo, Nhật Bản. Văn phòng đã xúc tiến hai doanh nghiệp Nhật Bản sđầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 61 triệu USD.

Đối với lĩnh vực đột phá về phát triển hạ tầng đồng bộ và giải quyết các vấn đề đô thị bền vững, công tác ngoại giao địa phương cũng đã tích cực, chủ động để xúc tiến viện trợ phát triển từ các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế, điển hình là những dự án “Lò giết mổ gia súc, gia cầm” dự án “Tái chế chất thải từ khu giết mổ Đà Sơn làm phân bón lỏng phục vụ nông nghiệp sạch ở thành phố Đà Nẵng” và dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý vệ sinh và chất lượng thuỷ sản tại Việt Nam” vận động từ nguồn ODA của Nhật Bản. Đóng góp nổi bật cho mục tiêu này phải kể đến viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Xác định rõ và đúng nhu cầu của thành phố, với cách làm linh hoạt và đặc biệt xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết giữa thành phố với các tổ chức PCPNN, Sở Ngoại vụ cùng với các sở, ban, ngành của thành phố đã vận động thành công hàng trăm dự án viện trợ với giá trị trung bình hằng năm khoảng 150 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng nông thôn, an sinh – xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.

Một lĩnh vực khác mà hoạt động đối ngoại Thành phố Đà Nẵng đã chứng minh vai trò cầu nối và đóng góp thiết thực là phát triển khởi nghiệp. Là một lĩnh vực mới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, xác định sự cần thiết của việc tranh thủ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt của các quốc gia phát triển và có kinh nghiệm về khởi nghiệp để mở đường cho những cơ hội hợp tác, công tác đối ngoại đã dành những ưu tiên nhất định để kết nối với đối tác chủ yếu như Hoa Kỳ, Israel, Phần Lan,… nhằm học tập kinh nghiệm và vận động nguồn lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thành phố. Kết quả là, đến nay, thành phố đã có thể tham gia nhiều dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp, một số khóa học về khởi nghiệp do chuyên gia nước ngoài giảng dạy lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng và một số cán bộ thành phố có điều kiện tham gia học tập kinh nghiệm mô hình quản lý khởi nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới.

Những ví dụ trên đây chưa kể đến sự tham gia của công tác đối ngoại trong những lĩnh vực khác như xúc tiến du lịch thông qua năng lực vận động và tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại ngày càng được tăng cường, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức của thành phố thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế,… Như vậy, có thể nói hoạt động ngoại giao phục vụ mục tiêu phát triển tại Thành phố Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau, xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành phố.

Bên cạnh tính chủ động từ cơ quan đối ngoại của thành phố, sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Ngoại giao là nhân tố đóng góp không nhỏ vào thành công của ngoại giao phục vụ phát triển tại Đà Nẵng.

Với sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực hỗ trợ thành phố trong công tác ngoại giao kinh tế, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kết nối thành phố Đà Nẵng với các đối tác ở nước sở tại. Quan hệ giữa thành phố với các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán ta tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore, Nga, Ấn Độ, Anh, UAE, Bulgary, Mexico, Na Uy, Đan Mạch… được duy trì thường xuyên. Trong đó, một số Cơ quan đại diện đã hỗ trợ đáng kể vào việc kết nối đối tác, nhà đầu tư nước sở tại, hỗ trợ tổ chức thành công hội thảo xúc tiến đầu tư, du lịch, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước sở tại.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Vụ khu vực, Vụ chuyên môn kịp thời cung cấp và phổ biến tình hình đàm phán, ký kết và triển khai các cam kết quốc tế đa phương và song phương của Việt Nam thông qua các Hội thảo, hội nghị tổ chức với sự phối hợp của thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, sáng kiến của Vụ Tổng hợp Kinh tế thành lập Trang mạng Ngoại giao kinh tế, Diễn đàn ngoại giao kinh tế trực tuyến và Bản tin Kinh tế trở thành kênh thông tin rất hữu ích và được khai thác thường xuyên tại địa phương.

Bộ cũng đã tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện để cán bộ thành phố tham gia các khoá đào tạo, trang bị kiến thức trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng hội nhập quốc tế, nghiệp vụ thông tin đối ngoại, kỹ năng tổ chức sự kiện quốc tế… do Bộ tổ chức.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ địa phương thể hiện qua việc tổ chức các đoàn khảo sát thực tế như Đoàn Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao, Đoàn Trưởng các Cơ quan đại diện thăm địa phương trước khi nhận nhiệm vụ,… nhằm nắm bắt tình hình và tìm hiểu nhu cầu từ địa phương.

Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao đối với địa phương còn dừng ở mức độ trao đổi và nắm bắt thông tin, tình hình, một số đề nghị cụ thể của thành phố chưa được Bộ Ngoại giao tập trung nguồn lực để giải quyết. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được nếu xét số lượng, nhu cầu của các địa phương rất nhiều trong khi nguồn lực nói chung của Bộ không thể đáp ứng.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hỗ trợ của Bộ Ngoại giao cho công tác tại địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng nói riêng và các địa phương khác nói chung, dưới đây là một số đề xuất:

Thứ nhất, Bộ Ngoại giao cần xây dựng một hồ sơ địa phương trong đó chọn lọc những nhu cầu, dự án thực sự ưu tiên đối với địa phương và thực sự khả thi trong khả năng nguồn lực của Bộ để triển khai hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ cần cử cán bộ đầu mối hỗ trợ địa phương và xây dựng kế hoạch, phương thức triển khai phù hợp cũng như đặt ra thời hạn để Bộ Ngoại giao và địa phương có thể đánh giá kết quả hợp tác trong từng giai đoạn.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ về mặt thông tinnâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác đối ngoại tại địa phương. Việc tiếp tục mở rộng và phát triển các hình thức chia sẻ thông tin về thị trường các nước, các nhu cầu hợp tác, kết nối doanh nghiệp ở các quốc gia ngày càng hữu ích đối với địa phương. Công tác đào tạo nâng cao năng lực cần tập trung vào các chủ đề mới, chú trọng đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ ngoại giao kinh tế, xúc tiến dự án để đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương có thể tạo ra chuyển biến trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển.

Thứ ba, Thành phố Đà Nẵng đề xuất một số Cơ quan đại diện ở một số thị trường tiếp nhận đặt hàng của thành phố để hỗ trợ xúc tiến một số dự án trọng điểm với các đối tác tiềm năng. Để thực hiện được vấn đề này, thành phố Đà Nẵng và các Cơ quan đại diện cần xây dựng quy chế trao đổi thông tin thường xuyên, đồng thời nghiên cứu để xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể để việc triển khai đạt hiệu quả.

Với ưu thế nhất định của ngành, ngoại giao đang ngày càng chứng tỏ hiệu quả trong việc phục vụ phát triển bền vững tại địa phương. Vai trò hỗ trợ của Bộ Ngoại giao cùng với sự chủ động của cơ quan đối ngoại địa phương có thể xem là sự kết hợp hiệu quả để đóng góp vào kết quả hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển. Vì thế, mối quan hệ giữa Bộ Ngoại giao và Cơ quan đối ngoại địa phương cần được củng cố, tăng cường và có đánh giá thường xuyên để Bộ đáp ứng được ngày càng nhiều những yêu cầu về phát triển của địa phương, từ đó đem lại những kết quả thiết thực cho mục tiêu phát triển bền vững.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2015-2020 như đã nêu, thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Ngoại giao nghiên cứu hỗ trợ trên một số lĩnh vực cụ thể.

a) Về đầu tư.

– Giới thiệu và kết nối Đà Nẵng trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức kinh tế lớn từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Hoa Kỳ…

– Giúp vận động và giới thiệu một đến hai tập đoàn lớn, thực sự quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng – là dự án trọng điểm của thành phố.

b) Về thương mại.

– Hỗ trợ quảng bá để phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, có sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu Đà Nẵng ra nước ngoài.

– Hỗ trợ quảng bá Hội chợ quốc tế Thương mại, Đầu tư và Du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây được tổ chức thường xuyên tại Đà Nẵng. Đề nghị giúp kêu gọi các Cơ quan đại diện các nước, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài tham gia Hội chợ.

c) Về du lịch.

– Giới thiệu để Đà Nẵng tham gia các sự kiện đối ngoại ở các nước sở tại để quảng bá du lịch Đà Nẵng.

– Giới thiệu các sự kiện văn hoá đối ngoại quốc tế uy tín để Đà Nẵng đăng cai tổ chức như Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới hay Đại hội Thể thao các bãi biển châu Á lần thứ năm (ABG).

d) Về vấn động nguồn vốn ODA, NGO.

– Giúp vận động một số dự án ưu tiên theo hình thức ODA hoặc PPP: Dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu, Dự án xây dựng hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, các dự án về môi trường, Dự án xây dựng bệnh viện và trường đại học quốc tế tại Đà Nẵng.

– Giới thiệu các tổ chức phi chính phủ quốc tế đến Đà Nẵng trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, an sinh xã hội…

e) Về phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác.

– Hỗ trợ kết nối Đà Nẵng với các địa phương nước ngoài: thành phố San Jose, Houston, Boston (Hoa Kỳ), Bangalore (Ấn Độ), Haifa (Israel), Seoul (Hàn Quốc)…

– Kết nối Đà Nẵng với các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong một số lĩnh vực ưu tiên hiện nay của thành phố: quy hoạch hạ tầng, quản lý đô thị bền vững, phát triển khởi nghiệp, xây dựng và vận hành vườn ươm doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

UBND TP. Đà Nẵng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here