Ngoại giao kinh tế tại Pháp: Thiên thời, địa lợi, những ‘chiến binh’ sẵn sàng

0
299
Đại sứ Đinh Toàn Thắng. (Ảnh: QT)

Coi công tác ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm và cần được triển khai tổng thể, toàn diện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và các cán bộ sứ quán luôn nỗ lực phấn đấu hết mình để không “đánh rơi” bất kỳ một cơ hội nào tại địa bàn – một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại EU.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng. (Ảnh: QT)

Thưa Đại sứ, ngày 10/8/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Thời gian qua, Đại sứ quán ta tại Pháp đã đưa tinh thần của Chỉ thị vào thực tiễn triển khai như thế nào tại địa bàn là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu?

Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra ngày 10/8/2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được ban hành trong bối cảnh đất nước đang chuyển trọng tâm sang thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 với thách thức và cơ hội đan xen, tiếp tục vươn tới những mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 đề ra, tạo định hướng cho công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng tại địa bàn.

Trên tinh thần của Chỉ thị 15, Đại sứ quán ta tại Pháp đã tiếp tục xác định rõ ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, quán triệt việc lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm và tiến hành công tác ngoại giao kinh tế trên một quan điểm tổng thể, toàn diện, huy động toàn bộ lực lượng để có thể đóng góp nhiều nhất cho việc huy động nguồn lực từ địa bàn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Từ đó, công tác ngoại giao kinh tế đã được Đại sứ quán triển khai hết sức khẩn trương và nhuần nhuyền, với nhiều hình thức và trên nhiều kênh, với sự gắn kết chặt chẽ giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa cũng như công tác đối với người Việt Nam, phát huy địa bàn tại Pháp cũng như các địa bàn kiêm nhiệm, tận dụng tối đa các quan hệ đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế. Công tác tham mưu, đề xuất cho Chính phủ cũng như hỗ trợ kết nối cho các bộ, ngành, địa phương trong nước với các đối tác ở sở tại được tăng cường.

Tiếp nối chương trình xúc tiến kinh tế thương mại đầu tư với các trung tâm kinh tế, các tập đoàn lớn cũng như các đối tác tiềm năng, nhiều diễn đàn kinh doanh, hội thảo, tọa đàm được tổ chức, như tại Paris, Marseille, Lyon và nhiều thành phố, tỉnh, vùng khác nhau của Pháp cũng như vươn sang cả địa bàn Bồ Đào Nha, Monaco, Andorra, với tổng cộng đã có hơn 10 diễn đàn, hội thảo, trong đó có hội thảo chuyên ngành về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đồng thời gặp gỡ được gần 200 doanh nghiệp, đối tác tính từ cuối năm 2021 đến nay.

Tranh thủ điều kiện giao thương thuận lợi hơn, Đại sứ quán đã hỗ trợ xây dựng, triển khai chương trình quảng bá, kết nối làm việc, ký kết thỏa thuận hợp tác cho nhiều đoàn bộ, ngành, doanh nghiệp, nhất là trên các lĩnh vực thương mại quảng bá thương hiệu, xúc tiến đầu tư, kết nối hợp tác công nghệ cao, nông nghiệp, năng lượng, hợp tác khoa học chuyên ngành.

Nhiều hoạt động nổi bật như xúc tiến quảng bá hàng dệt may tại Hội chợ hàng may mặc Première Vision, xúc tiến quảng bá hồ tiêu tại Hội chợ nông nghiệp và thực phẩm Sial, Khai trương và đưa gạo Việt Nam của Tập đoàn Lộc Trời lần đầu tiên bán tại các siêu thị lớn của Pháp, hỗ trợ Vinfast tham dự Triễn làm ô tô Paris, hỗ trợ FPT mở rộng kết nối với các đối tác ở các vùng miền của Pháp.

Đại sứ quán cũng đã hỗ trợ cho 8 đoàn địa phương trên tổng số gần 40 đoàn công tác từ Việt Nam sang làm việc với các địa phương, đối tác Pháp, Bồ Đào Nha, đồng thời đang tích cực phối hợp với Hà Nội chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội vào tháng 4/2023.

Chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho nhiều hội đoàn người Việt và người Pháp tại địa bàn triển khai các hoạt động hợp tác ở quy mô địa phương, thể hiện rõ qua các trao đổi tại Ngày hội đoàn hữu nghị và hợp tác với Việt Nam lần thứ ba tổ chức tại Pháp vừa qua.

Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại giao kinh tế đa phương cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ, như trong khuôn khổ hợp tác OECD và Pháp ngữ, với việc Việt Nam đảm đương vị trí đồng chủ trì Chương trình Đông Nam Á của OECD, đã đăng cai Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy chuỗi cung ứng tự cường tại Đông Nam Á tổ chức ở Hà Nội và đón đoàn Xúc tiến kinh tế thương mại Pháp đầu tiên vào Việt Nam đồng thời tham gia các hoạt động kết nối tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 tại Tunisia, góp phần nâng cao vị thế của đất nước và hợp tác cùng có lợi giữa ta với các đối tác.

Tại địa bàn Pháp, theo Đại sứ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển?

Pháp luôn là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và EU, với quan hệ hợp tác kinh tế đa dạng và lâu dài. Pháp có rất nhiều thế mạnh về các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics… Đây là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế nước ngoài của Việt Nam.

Quan hệ thương mại  – đầu tư của Việt Nam với khu vực cũng như với Pháp có nhiều thuận lợi mới sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, trong đó Pháp là một trong những nước ủng hộ mạnh. Điều này tạo thuận lợi cho công tác thúc đẩy xúc tiến kinh tế, thương mại cũng như thu hút đầu tư giữa hai nước.

Bên cạnh đó, quan hệ chính trị và hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước phát triển mạnh và đi vào chiều sâu, là cơ sở để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Vừa qua, ngày 28/11, trong điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne để trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, hai Thủ tướng đã khẳng định hợp tác kinh tế đóng vai trò trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp. Nội dung trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tạo định hướng rõ cũng như động lực quan trọng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước, là đòn đẩy cho các hoạt động của cơ quan đại diện tại địa bàn.

Giữa hai nước có nhiều cơ chế chỉ đạo hợp tác đã định hình với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan hai bên, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… Mạng lưới đối tác giữa hai nước cũng phong phú, không chỉ có doanh nghiệp với số lượng hơn 300 công ty, tập đoàn đang có mặt tại Việt Nam, mà còn còn có các đơn vị kinh tế của các chính quyền vùng miền ở Pháp, các hội đoàn và trí thức, doanh nhân người Việt ở địa bàn đang nỗ lực tăng cường kết nối hợp tác giữa hai bên. Quan hệ kinh tế cũng đang lan tỏa sang những địa bàn kiêm nhiệm như Bồ Đào Nha, Monaco, Andorra.

Ngoài ra, với đặc thù địa bàn Pháp là nơi đặt trụ sở của tổ chức OIF (Tổ chức Pháp ngữ quốc tế) và OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), Đại sứ quán với trách nhiệm của mình, có điều kiện kết hợp các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương để thúc đẩy trao đổi, tư vấn chính sách, kết nối thương mại vươn rộng ra trong các khuôn khổ đa dạng với các đối tác châu Á, châu Âu, châu Phi.

Tuy nhiên, thuận lợi lớn nhất phải nói đó là chính là vị thế kinh tế của Việt Nam đang được nâng cao. Với chính sách hội nhập chủ động, tích cực và với các thành tựu phát triển, tiềm năng tăng trưởng, vị trí địa kinh tế rất hấp dẫn, nước ta đang là điểm sáng, tạo điều kiện để thu hút các đối tác sở tại. Con số tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt gần 8% trong năm nay là con số ấn tượng, không cần lời nào để nói thêm.

Bên cạnh những thuận lợi đó, công tác ngoại giao kinh tế tại địa bàn cũng đứng trước không ít thách thức. Phải nói là những năm dịch bệnh rồi sau đó là các biến động địa chính trị và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khu vực hiện nay đang tác động không nhỏ đến nguồn lực và chính sách của đối tác.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ và các vấn đề đặt ra cho chuỗi cung ứng cũng đang đòi hỏi các doanh nghiệp, đối tác tại địa bàn phải thi hành các chiến lược thích ứng khác nhau. Thị trường Pháp cũng như EU đã và đang được mở ra với EVFTA nhưng là một thị trường có các tiêu chuẩn và yêu cầu cao, trong đó các tiêu chí phát triển bền vững, xanh, sạch, an toàn ngày càng được chú trọng hơn, từ các cơ quan quản lý đến người tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp và các mặt hàng của Việt Nam phải có những chiến lược kinh doanh bài bản và hoàn thiện.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng khai mạc sự kiện đưa gạo Việt vào hệ thống siêu thị tại Pháp tháng 9/2022. (Ảnh: CT)

Đại sứ có thể chia sẻ những tiềm năng mới để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới?

Dù có những thách thức đặt ra, nhưng phải nói tiềm năm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ta và Pháp cũng như với các đối tác đa phương, các nước kiêm nhiệm của địa bàn chưa được khai thác hết.

Năm 2023, Việt Nam và Pháp sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp và 10 năm Đối tác chiến lược với nhiều hoạt động quảng bá, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư của hai nước. Các kỳ hội nghị, các chuyến thăm sẽ là những cơ hội tốt để các đối tác hai bên tranh thủ, tăng cường kết nối, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đa dạng và đi vào chiều sâu.

Trong điện đàm với Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là năng lượng tái tạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản theo mùa của Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp. Có thể thấy đây là những lĩnh vực rất tiềm năng mà các bộ, ngành, doanh nghiệp và đối tác hai bên có thể trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Có thể nói các doanh nghiệp Pháp và các đối tác đa phương, đối tác tại các địa bàn Đại sứ quán phụ trách đều đánh giá cao tiềm năng và thuận lợi của thị trường Việt Nam. Dù có khó khăn nhưng các đối tác vẫn cố gắng bám trụ và tìm cách củng cố, gia tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó coi Việt Nam là một thị trường hứa hẹn với các khả năng kết nối tốt ra toàn khu vực nhờ hệ thống các FTA song phương và đa phương cũng như nhờ các chính sách tích cực của Chính phủ và sức mua của thị trường Việt Nam đang tăng mạnh.

Điều Đại sứ trăn trở nhiều nhất để đưa ngày càng nhiều hơn nữa những “bánh xe thị trường” giữa hai nước là gì?

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian qua đã tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, hệ thống đối tác và lĩnh vực hợp tác giữ hai nước phong phú và đa dạng, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp là một trong những cộng đồng lớn tại châu Âu, các tiềm năng hợp tác là rất lớn và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước ta hiện nay.

Làm thế nào để tận dụng, phát huy được các lợi thế trong quan hệ, làm thế nào để biến các tiềm năng thành các cơ hội thực sự, tạo dựng được những kết nối hiệu quả, bền chặt, để cho các quan hệ kinh tế, thương mai, đầu tư giữa hai nước cũng như giữa Việt Nam với mọi đối tác mà Đại sứ quán phụ trách phát triển thật mạnh mẽ là điều mà tôi và các cán bộ của Đại sứ quán cũng như của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy và phấn đấu.

Hà Phương (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here