Tạp chí Du lịch ngày 06/3 đưa tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, với nhiều nội dung quan trọng liên quan tới bảo đảm an toàn cho khách du lịch, điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành…
Nghị định 168/2017/NĐ-CP gồm 7 chương, 33 điều; quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch của cơ sở lưu trí du lịch và nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đối tượng áp dụng gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan khác, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch.
Một nội dung quan trọng của Nghị định lần này là quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Điều 30 của Nghị định nêu rõ, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được hình thành từ các loại nguồn: vốn điều lệ của Quỹ do ngân sách nhà nước cấp trong 03 năm đầu; hằng năm ngân sách nhà nước bổ sung kinh phí bằng 10% tổng số thu ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và 5% tổng thu ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyên, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; tiền lãi từ tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Số dư kinh phí của năm trước của Quỹ được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
Một số nội dung đáng chú ý khác bao gồm điều kiện công nhận điểm du lịch là phải có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; điện, nước sạch; biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; có dịch vụ ăn uống, mua sắm; có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày; công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch. Điểm du lịch phải có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm…
Để được công nhận khu du lịch quốc gia, Nghị định nêu rõ phải có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch. Đặc biệt phải có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hàng từ bốn sao trở lên…
Nghị định cũng nêu rõ mức ký quỹ cho kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng. Đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế chia ra: Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải ký quỹ 250 triệu đồng. Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài mức ký quỹ là 500 triệu đồng. Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài mức kí quỹ là 500 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Toàn văn Nghị định có thể tham khảo tại đây Nghi dinh 168-2017