Ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia về cung cấp lúa gạo

0
48
Các đại biểu tham dự Hội thảo thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Sáng 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, được tổ chức từ ngày 11 đến 15/12 tại TP Vị Thanh.

Tại Hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 – 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

“Các bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân”, Thứ trưởng nói thêm.

Qua các chuyến công tác nước ngoài, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trăn trở vấn đề là thương hiệu Việt Nam nói chung chưa được biết nhiều trên thị trường quốc tế. Do đó, bên cạnh việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là khối doanh nghiệp, phải xác định và có chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam coi các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng giá trị lúa gạo, đồng thời phổ biến kiến thức cho bà con nông dân sản xuất trực tiếp. “Khuyến nông, hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cùng chung tay xây dựng ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trường cho biết thêm, sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để hình thành cơ chế, tạo điều kiện cho liên kết chuỗi giá trị không chỉ trong nước mà còn xây dựng chuỗi cung ứng ngành hàng lúa gạo trong khu vực và thế giới.

Tại Hội thảo, ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu, vị thế, vai trò quan trọng của ngành hàng lúa gạo đối với nông dân và an ninh lương thực. Những năm qua, tỉnh đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa chất lượng thấp sang giống chất lượng cao phù hợp nhu cầu thị trường nội địa, xuất khẩu; xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tỉnh đăng ký tham gia đến năm 2030 là 46.000 ha. Đây là một trong những hành động thiết thực cho thấy Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, ông Trần Văn Huyến nhấn mạnh.

Còn ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu lúa gạo Việt Nam có điều kiện thuận lợi là Chính phủ quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu gạo; nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế; thị trường truyền thống duy trì tốt, thị trường mới nhiều tiềm năng, lợi thế.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, vẫn có một số khó khăn như nguồn cung không ổn định trong năm do cơ cấu mùa vụ; sản xuất gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, liên kết tiêu thụ hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến; cạnh tranh lớn, gia tăng bảo hộ, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại; kinh tế thế giới bất định, lạm phát cao đến thương mại và gây khó khăn về đầu ra cho thị trường; giá cả biến động.

Về giải pháp cho xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới, ông Hòa đề xuất, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.

Mai Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here