Ngành ngân hàng, bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng so với năm 2021

0
40
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc họp báo .

Trong năm 2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 16,2% so với năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc họp báo.

Sáng ngày 29/12, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022. Tại sự kiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý IV và năm 2022. Trong đó có hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%); tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2022 ước tính tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,6%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16,4%. Tính chung năm 2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 16,2% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,8%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 17,3%.

Lũy kế từ đầu năm đến tháng 12/2022, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 20.410 tỷ đồng/phiên, giảm 23,3% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 7.737 tỷ đồng/phiên, giảm 32,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.484 hợp đồng/phiên, tăng 43%.

Năm 2022 là năm ngành ngân hàng, bảo hiểm và tài chính tiếp tục phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vừa bắt đầu phục hồi sau đại dịch lịch sử Covid-19, lại xuất hiện nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro bất định và khó lường, xuất phát từ xung đột vũ trang Nga- Ukraine và lạm phát, suy giảm kinh tế tại một số quốc gia và khu vực, nhiều đồng tiền mạnh mất giá so với đồng đôla Mỹ, lãi suất các nước tăng cao…

Tất cả các yếu tố đó có tác động ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế đất nước, đến thị trường tiền tệ, ngoại hối bảo hiểm và hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, những vấn đề nội tại của thị trường tài chính phát sinh… hội tụ tác động đến tâm lý người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ…

D. Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here