Báo cáo do Hãng Nghiên cứu BloombergNEF (BNEF) của Anh vừa công bố cho rằng, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời, được xem là giải pháp rẻ nhất giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày càng lớn.
Năng lượng tái tạo có thể đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của Việt Nam mà không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và khả năng chi trả.
Mục tiêu dài hạn của Việt Nam là loại bỏ dần điện than vào những năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này vấp phải nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và nhu cầu điện ngày càng lớn. Trong 4 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong quá trình chuyển đổi carbon thấp và hiện đang ở thời điểm then chốt. Tuy nhiên, Việt Nam phải tăng tốc phát triển lĩnh vực điện, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng chi trả.
Theo báo cáo của BNEF, điện từ dự án năng lượng Mặt Trời quy mô tiện ích đã rẻ hơn so với việc xây mới các nhà máy điện than và điện khí ở Việt Nam. Chi phí điện quy dẫn (LCOE) cho một dự án năng lượng Mặt Trời quy mô tiện ích mới ở Việt Nam hiện nay dao động từ 53-105 USD/MWh, so với mức 84-104 USD/MWh cho tua bin khí chu trình hỗn hợp và 75-94 USD/MWh cho nhà máy điện than.
Đến năm 2030, năng lượng Mặt Trời kết hợp với pin lưu trữ sẽ có chi phí quy dẫn thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện mới, trong khi điện từ gió trên bờ kết hợp với pin lưu trữ cũng sẽ rẻ hơn vào nửa đầu những năm 2030. Tuy các loại hình nhà máy điện lai này không thể tùy ý điều chỉnh như điện than hoặc điện khí nên không thể phát hoặc ngừng phát điện khi cần, nhưng vẫn có độ tùy chỉnh lớn hơn so với năng lượng tái tạo đơn thuần và do đó có thể giúp Việt Nam tăng tỷ trọng năng lượng sạch.
Bà Caroline Chua, đồng tác giả báo cáo, cho rằng: “Năng lượng tái tạo hiện nay là lựa chọn vừa kinh tế vừa bền vững cho Việt Nam. Năng lượng tái tạo có thể cải thiện an ninh năng lượng của Việt Nam bằng cách giảm phụ thuộc vào khí hóa lỏng (LNG) và than nhập khẩu, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm mới. Ngay cả khi giá nhiên liệu hóa thạch giảm, năng lượng tái tạo vẫn sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với các nhà máy nhiệt điện”.
Dù năng lượng tái tạo có khả năng cạnh tranh về chi phí nhưng Việt Nam vẫn đang xem xét xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than và điện khí trong thập kỷ này với giả định rằng các nhà máy điện này có thể chạy bằng nhiên liệu sạch hơn như hydro hoặc amoniac bắt đầu từ giữa những năm 2030.
Tuy nhiên, phân tích của BNEF cho thấy, việc xây mới các nhà máy nhiệt điện để sử dụng loại nhiên liệu trên sẽ không tiết kiệm bằng việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Bản thân một nhà máy điện Mặt Trời mới, nổi hoặc trên mặt đất có quy mô tiện ích đã rẻ hơn chi phí vận hành các nhà máy nhiệt điện hiện nay. Điện gió trên bờ cũng tương tự như vậy vào đầu những năm 2030.
Để chấm dứt hoàn toàn phát thải khí CO2, các nhà máy nhiệt điện chỉ được đốt khí hydro xanh hoặc amoniac. Tuy nhiên, phân tích của BNEF đã chỉ ra rằng, giải pháp này vẫn đắt đỏ hơn nhiều.
Ông Isshu Kikuma, đồng tác giả của báo cáo, cho hay: “Nếu xây mới thêm nhiều nhà máy nhiệt điện với giả định rằng các nhà máy này có thể chạy bằng hydro hoặc amoniac sạch thì việc này sẽ khiến Việt Nam gặp rủi ro lớn về tài chính.
Cách tiếp cận như vậy có nghĩa là Việt Nam phải dựa vào các công nghệ phức tạp, mới mẻ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Việt Nam tốt hơn nên ưu tiên sử dụng khí hydro sạch trong nước để khử carbon trong các lĩnh vực khó giảm thiểu như sản xuất thép”.
Thu Hằng