Ngành công nghiệp bán dẫn: Khai thách cơ hội “nghìn năm có một” để Việt Nam tiến lên

0
20
. Nhân sự người Việt làm việc trong nhà máy Intel Products. (Ảnh: IPV)

Với sự hội tụ của ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ngành bán dẫn tại Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để phát triển và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới, theo ông Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia vi mạch bán dẫn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP. Hồ Chí Minh.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, đã dần trở thành ngành công nghiệp then chốt, định hình tương lai của Việt Nam và thế giới. Cụ thể, ngày 21/9/2024, Chính phủ chính thức ban hành “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” và phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với mục tiêu đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu.

Bán dẫn đang là một trong những ngành công nghiệp phát triển rất “nóng” trên thế giới? Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu này?

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn đang phát triển nhanh chóng nhờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ và đầu tư nước ngoài. Dự kiến, thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ đạt hơn 8-10 tỷ USD trong vài năm tới, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình là khoảng 6.8% từ năm 2023 đến 2030. Tỷ lệ này tương đương với mức tăng trưởng trung bình của ngành bán dẫn toàn cầu trong 5 năm tới, khoảng 7.1%.

Việt Nam cũng đang hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn tự chủ và bền vững, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu hàng đầu trong khu vực.

Nhìn từ khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore và Malaysia đã có những chiến lược tập trung và đột phá để phát triển ngành này. Tuy nhiên, thay vì chú trọng vấn đề cạnh tranh, theo cá nhân tôi, các nước Đông Nam Á nên đặt trọng tâm vào việc hợp tác cùng phát triển.

Chúng ta cần tập trung vào một số chiến lược chính như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia và doanh nghiệp quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến và thị trường toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới.

Thứ ba, đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển một lực lượng lao động có trình độ cao thông qua các chương trình đào tạo và hợp tác với các đối tác công tư.

Thứ tư, khuyến khích và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, đặc biệt có đột khá trong việc tổ chức công nhận tài sản số, bản quyền số. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp đưa các nghiên cứu từ trường đại học ra ứng dụng.

Thứ năm, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. Điều này bao gồm việc tiêu chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, điện, nước, phòng sạch, vận chuyển và bảo quản hóa chất đặc biệt dùng trong sản xuất bán dẫn, cuối cùng là công nghệ khai thác và tinh chế đất hiếm.

Với cương vị là chuyên gia vi mạch bán dẫn, ông nhận định thế nào về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam? Đất nước có những lợi thế gì?

Tôi tin rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn và giờ là cơ hội “nghìn năm có một” để Việt Nam tiến lên. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy cơ hội này.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19 và sự cạnh tranh công nghệ bán dẫn giữa Trung Quốc và Mỹ đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của một chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn ổn định và phát triển. Sự bùng nổ về các ứng dụng và các sản phầm AI và nhu cầu ngày càng tăng các sản phẩm phục vụ số hóa, tự động hóa đã tạo nên một thời cơ tốt cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, là cầu nối giữa các thị trường lớn trong khu vực. Đặc biệt, đất nước hiện đang có 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu với chi phí tối ưu cho chuỗi cung ứng bán dẫn trong khu vực.

Song song với đó, thị trường nội địa tiềm năng, với dân số hơn 100 triệu người – đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu về các sản phẩm công nghệ cao – cũng là một điểm cộng của Việt Nam.

Về nguồn lao động, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ và năng động, sáng tạo được đào tạo bài bản trong nước cùng với rất nhiều tri thức Việt Kiều thành danh và thành công trong ngành vi mạch quốc tế. Lực lượng này là nguồn lực quý báu cho ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn.

So với các quốc gia phát triển trong khu vực, chi phí lao động tại Việt Nam hiện khá cạnh tranh với hiệu suất đầu tư tốt, điều kiện an ninh và kinh tế hiện rất thuận lợi để nâng dần phần giá trị gia tăng của lao động tại Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và nhân tài công nghệ.

Tóm lại, tiềm năng của Việt Nam vô cùng lớn. Với những định hướng và chính sách đúng đắn như Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 mới được Chính phủ ban hành, tôi tin chắc rằng, đất nước sẽ sớm trở thành một trong những mắc xích quan trọng trong chuổi cung ứng công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh những cơ hội, đâu là những thách thức mà Việt nam cần phải vượt qua để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn, thưa ông?

Không thể phủ nhận, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cần vượt qua để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn. Cụ thể như:

Cả nước ước tính hiện có khoảng 10.000 nhân lực đang làm việc tại các doanh nghiệp thiết kế, đóng gói và kiểm thử bán dẫn vi mạch. Vấn đề của Việt Nam là đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong ngành bán dẫn. Các chương trình đào tạo tại các trường Đại học và hệ thống các phòng thực hành, phòng lab (phòng phục vụ nghiên cứu) chưa được đầu tư đúng mức.

Ngoài ra, các nhân lực chưa có nhiều cơ hội cọ xát với thiết kế thực trong công nghiệp và các cơ chế ưu đãi để thu hút và bồi dưỡng giảng viên cũng chưa được thực hiện liên tục, chưa đủ sức cạnh tranh.

Không chỉ thế, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi các thiết bị và công nghệ tiên tiến, hệ thống phòng sạch và về hóa chất cũng có những tiêu chuẩn mức rất cao. Nhưng hiện tại, phần lớn các thiết bị, hóa chất và công nghệ này phải nhập khẩu với chi phí cao. Chúng ta cũng chưa thiết lập các mối quan hệ tốt với các đối tác để có thể nhập khẩu các thành phần này.

Cần làm gì để vượt qua những thách thức nói trên và tiến thẳng vào đường đua bán dẫn toàn cầu, thưa ông?

Để vượt qua những thách thức đã nêu và tiến vào đường đua bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần thực hiện một chiến lược toàn diện, bao gồm các bước cụ thể sau:

Một là, cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo và tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp để thiết kế và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật điện tử, vi điện tử và công nghệ bán dẫn. Chính phủ cũng nên khuyến khích các chương trình học bổng, trao đổi sinh viên và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo.

Hai là, đầu tư có trọng điểm vào các khu công nghệ cao hiện có, xây dựng các nhà máy sản xuất hiện đại và các phòng thí nghiệm dùng chung tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế và hỗ trợ khởi nghiệp.

Ba là, Chính phủ hiện ban hành các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và giảm thiểu thủ tục hành chính để thu hút đầu tư công nghệ cao

Bốn là, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu, khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm và phát triển sản phẩm mới với mức độ rủi ro cao hơn khi sử dụng ngân sách.

Theo quan sát của cá nhân, có quá nhiều mục tiêu trong chiến lược quốc gia và các mục tiêu này khá thử thách. Nên chăng, cần tập trung nhóm các sản phẩm và công đoạn theo từng thời kì để phát triển các đề xuất hỗ trợ thích hợp. Đặc biệt hạn chế dùng các khẩu hiệu “đi tắt đón đầu” khi xây dựng đề án phát triển công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Linh Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here