Kết thúc niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao). Kim ngạch thu về tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay.
Ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh Văn phòng Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết như vậy tại tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2022 – 2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023 – 2024.
Điểm đáng chú ý trong niên vụ này là giá cà phê đạt mức cao nhất trong gần 30 năm qua.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex nhận thấy, thời gian qua, dù giá cao lịch sử ở mức 70.000 đồng/kg nhưng nông dân đã bán hết ở mức 60.000 đồng/kg.
Theo VICOFA, kể từ tháng 8/2023 đến nay, số lượng cà phê xuất khẩu giảm nhiều. Tháng 10/2023, lượng xuất khẩu chỉ đạt 43.725 tấn, tương đương 54% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến niên vụ cà phê 2023-2024 sản lượng giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Với dự báo này, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là nhu cầu từ thị trường Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó, tại Trung Quốc, giới trẻ cũng ngày càng ưa thích cà phê hơn trà.
Trong cơ cấu cà phê xuất khẩu của niên vụ này, cà phê Robusta chiếm tỉ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD, cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD.
Đáng chú ý, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022- 2023).
Thời gian tới, hoạt động chế biến được kỳ vọng sẽ mang lại động lực mới cho ngành cà phê, giúp nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê.
“Indonesia luôn bán cà phê nguyên liệu với giá cao nhất thế giới bởi họ có trụ đỡ là ngành chế biến cà phê chiếm đến 50% sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, để đầu tư vào chế biến đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, công nghệ…
Tín hiệu tích cực là từ khi có Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), không chỉ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cũng đầu tư vào chế biến cà phê rất nhiều và đang nâng dần tỷ lệ cà phê chế biến xuất khẩu”, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh hoạt động chế biến, ngành cà phê cũng kỳ vọng sẽ biến thách thức thành cơ hội bằng việc đáp ứng các quy định mới của thị trường EU như quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR); luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) và chứng chỉ các bon…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần tổ chức hội nghị để triển khai về EUDR, cũng như đã làm việc trực tiếp với Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường Liên minh châu Âu về việc Việt Nam cam kết luôn có trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường qua việc thực hiện khẩn trương EUDR và CBAM theo quy định của Liên minh châu Âu.
Ông Đỗ Hà Nam tin tưởng: “Khi Việt Nam đáp ứng được các quy định của EU, giá cà phê chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn”.
Mai Hương