Ngăn chặn sự lây lan tài chính và dịch bệnh cần sự phối hợp trong ứng phó của các nước

0
66
(Shutterstock)
(Shutterstock)

Ngày 17/3/2020, South China Morning Post đã đăng bài viết của ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Ô-x-tơ-rây-li-a về việc ngăn chặn sự lây lan tài chính và dịch bệnh cần sự phối hợp trong ứng phó của các nước. Sau đây là một số nội dung chính trong bài viết:

Sự sụt giảm của thị trường tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy khủng hoảng y tế toàn cầu sẽ nhanh chóng dẫn đến khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Với tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện ở Trung Quốc, mức độ trầm trọng của suy giảm kinh tế và thời gian phục hồi phụ thuộc vào hai nhân tố quan trọng: (1) Bản chất của sự ứng phó kinh tế của Trung Quốc; (2) Sự phối hợp trong ứng phó toàn cầu.

Thiệt hại trước mắt đối với kinh tế Trung Quốc là không nhỏ. Tăng trưởng GDP quý 1/2020 có thể âm, có thể có phục hồi nhất định trong quý 2 nhưng không đủ để thoát hiểm. Nửa sau của năm không đủ để bù đắp cho những mất mát trong nửa đầu năm nhất là khi Trung Quốc chịu tác động kép của sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu và các nước đối tác đi vào suy thoái do tác dộng của dịch.

Các doanh nghiệp của hầu hết các nước đều gặp vấn đề về dòng tiền mặt khi đối mặt với sự gián đoạn, đứt gãy về chuỗi cung và cầu giảm. Giải pháp kích thích theo trường phái Keynes cũng không dễ phát huy tác dụng khi bản chất của khủng hoảng hiện nay nằm ở khủng hoảng y tế vốn chỉ có thể thuyên giảm khi các biện pháp ứng phó về y tế có kết quả lạc quan trong ngăn chặn lây lan và giảm số ca nhiễm mới. Do đó, về mặt lô-gic, nhiệm vụ trung tâm hiện nay là phải bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân đang gặp vấn đề về dòng tiền mặt vì các doanh nghiệp này là nguồn tạo việc làm chính. Và do gánh nặng trong xử lý vấn đề trả nợ nằm trên vai các ngân hàng, nên các chính phủ cần phải khẩn trương quyết định sẽ phải hỗ trợ các ngân hàng như thế nào.

Tình hình còn bị làm phức tạp hơn do dịch xảy ra khi thế giới phải đối mặt với hai thách thức chính sách liên quan qua lại với nhau. Một là, kinh tế toàn cầu phải chật vật lèo lái trước sóng gió của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Hai là, đà cải cách kinh tế ở Trung Quốc gần đây bị chậm lại. Sự ổn định ngắn của kinh tế toàn cầu có được sau việc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 đã bị chấm dứt do sự bùng phát của dịch bệnh. Trong khi, thỏa thuận này nhiều khả năng khó được bảo đảm thực hiện, thì thỏa thuận giai đoạn hai với nhiều vấn đề gai góc giữa Trung Quốc và Mỹ cũng bị khủng hoảng hiện nay làm trì hoãn, tiếp tục làm kinh tế thế giới bất định. Mặt khác, theo các báo cáo của Viện chính sách Asia Society và Rhodium Group đánh giá tình hình thực hiện cải cách của Trung Quốc từ năm 2017 dựa trên cơ sở phân tích 10 lĩnh vực chính sách, kết quả cải cách là không mấy khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức to lớn, dịch bệnh cũng đem lại cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách giúp Trung Quốc tăng trưởng bền vững, lành mạnh giai đoạn hậu dịch bao gồm dỡ bỏ rào cản thương mại và đầu tư, chấm dứt sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, lành mạnh hóa ngân sách chính quyền địa phương, nâng cao hiệu quả và giảm rủi ro hệ thống tài chính, nâng cao phúc lợi và tính linh hoạt của lực lượng lao động, đẩy mạnh thực hiện các dự án năng lượng tái tạo vừa để kích cầu vừa đạt mục tiêu cắt giảm ô nhiễm. Rủi ro ở chỗ lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ lấn cấn với các mục tiêu chính trị và áp dụng tư duy kinh tế có tính áp đặt trong bối cảnh đẩy mạnh quyết tâm đạt được mục tiêu tăng gấp đôi GDP vào năm 2020. Thay vì tập trung vào mục tiêu khó khả thi này, Trung Quốc sẽ có lợi khi ưu tiên đẩy mạnh các cam kết đổi mới bảo đảm tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Việc Trung Quốc ứng phó như thế nào về mặt kinh tế trước các thách thức này sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, nhưng đồng thời cộng đồng quốc tế trong đó có Trung Quốc cũng cần phải thống nhất phối hợp hành động trong ứng phó tài chính và y tế công để kiểm soát dịch bệnh và làm yên lòng thị trường. Đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nước G20 đã thống nhất gói kích thích tài chính, tiền tệ, thực hiện các các cải cách thể chế chính sách cần thiết và ngăn chặn sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ. Sự lây lan kép về tài chính và dịch bệnh hiện nay cần một sự phối hợp ứng phó tương tự như vậy khi mà thị trường thế giới cần biết chắc chắn các chính phủ sẽ cùng nhau đối phó với khủng hoảng trong sự đoàn kết. Tổng thống đảng Cộng hòa của Mỹ khi đó đóng vai trò chủ chốt trong việc tập hợp các lãnh đạo của G20 ngay khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát. Hiện nay, Tổng thống Trump cũng sẽ được lợi nếu có thể đưa lãnh đạo Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác cùng ngồi vào bàn trao đổi thống nhất các biện pháp ứng phó chung.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here