Nga: Từ bỏ mục tiêu chiến lược APEC là sự không khôn ngoan

0
87
Thủ tướng Nga Medvedev phát biểu tại APEC Papua New Guinea 2018. (Nguồn: Sputnik)
Thủ tướng Nga Medvedev phát biểu tại APEC Papua New Guinea 2018. (Nguồn: Sputnik)

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Port Moresby (Papua New Guinea) ngày 17-18/11 vừa qua được coi là bất thường không chỉ do địa điểm tổ chức, mà còn vì trên thực tế không có tuyên bố chung nào được thông qua.

“Đây quả là sự phiền toái, nhưng không có nghĩa là APEC đã trở nên lỗi thời. Nga cần tiếp tục hợp tác trong định dạng này”. Đó là tuyên bố của Đại sứ đặc mệnh ủy nhiệm của Bộ Ngoại giao Nga, quan chức cấp cao của Nga tại APEC Valery Sorokin phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức tại trung tâm báo chí Sputnik.

Theo Sputnik, ông Valery Sorokin cho biết, nhiều chuyên gia đã vội vã gọi Hội nghị APEC vừa qua là một thất bại. Đúng là đã không có tài liệu nào được thông qua tại Port Moresby, song bất chấp những rắc rối phiền toái, APEC vẫn là một diễn đàn mang tính khả thi, một nền tảng thuận lợi để thảo luận các vấn đề phát triển kinh tế và hội nhập của các quốc gia nằm ở cả hai phía Thái Bình Dương.

Ông Valery Sorokin nhấn mạnh: “Diễn biến của Hội nghị thượng đỉnh APEC kỳ này thực sự khá lạ. Papua New Guinea lần đầu tiên chủ trì APEC. Tất cả các sự kiện trước hội nghị thượng đỉnh cũng như cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo quốc gia tham dự được tổ chức ở một mức độ cao. Về phần nội dung, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, có một sự khác biệt quan điểm về các tài liệu cuối cùng: Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thương mại và một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo. Không thể đạt được sự đồng thuận về nội dung của cả hai tài liệu. Điều này gây phiền nhiễu và xúc phạm.

Việc phối hợp thỏa thuận các văn bản tài liệu diễn ra trong 9 ngày, các chuyên gia bao gồm cả những cán bộ Nga từ Bộ Phát triển Kinh tế và Trung tâm Nghiên cứu APEC đã thực hiện một khối lượng công việc to lớn. Các điều khoản của tài liệu cuối cùng đã được thỏa thuận ở mức 90%. Không thể đồng thuận trên các đoạn liên quan đến WTO và hỗ trợ nhà nước cho doanh nghiệp.

Theo ông Valery Sorokin, không có thảm kịch khủng khiếp nào xảy ra ở đây. APEC hoạt động trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tự nguyện và Đồng thuận trong việc ra các quyết định và cách thức thực hiện. Và tất cả các quyết định trong khuôn khổ APEC hoàn toàn chỉ mang tính chất đề xuất, khuyến cáo.

Những “kẻ gây rối” chính tại Hội nghị thượng đỉnh là Mỹ và Trung Quốc, quan điểm của họ trong một số vấn đề đã bị phản đối. Theo Valery Sorokin, ấn tượng là cả hai nước – hai nền kinh tế hàng đầu thế giới – đang chơi “trò chơi của họ”, kiếm thêm điểm trước G20 tại Buenos Aires và trước cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước. Điều này có nghĩa là có sự chia rẽ trong APEC?

Ông Valery Sorokin đã trả lời như sau: “Quan điểm của Trung Quốc, mặc dù phản ánh tâm trạng của đa số người tham gia, là đòi hỏi tối đa. Các đồng nghiệp Trung Quốc cố ý bảo vệ điều đó, dù biết rằng sẽ không cho phép tất cả đạt được sự đồng thuận. Nhưng trong khuôn khổ APEC, không ai hoan nghênh sự ngoan cố, sự không sẵn sàng thỏa hiệp. Kết quả là các đồng nghiệp Trung Quốc, thật không may, nằm trong nhóm thiểu số. Nga, Thái Lan và Philippines bày tỏ sự sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc, trong khi 17 đoàn còn lại đã nghiêng về lựa chọn do nước chủ nhà Papua New Guinea đề xuất, có sự thỏa hiệp tính đến quan điểm của đối tác Mỹ”.

Đó không phải là một sự chia rẽ, nhưng những mâu thuẫn trong APEC là điều hiển nhiên. Và làm thế nào có thể nhìn vào triển vọng hội nhập kinh tế trong khu vực trong những điều kiện này? Và nói chung có thích hợp để nói về điều đó trong hoàn cảnh hiện tại hay không?

Theo quan chức chính của Liên bang Nga tại APEC, từ bỏ mục tiêu chiến lược này là sự không khôn ngoan. Ông Valery Sorokin nói: “Chủ đề chính vẫn là phát triển khái niệm khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một mục tiêu dài hạn và APEC ở đây đóng vai trò như một ‘vườn ươm’ những ý tưởng có tính đến ý kiến của tất cả các nền kinh tế trong khu vực rộng lớn này của thế giới. Tất nhiên, tương tác trong khuôn khổ các cấu trúc tích hợp hiện tại, nhưng phạm vi hẹp hơn cũng đang được xem xét đến. Đó là TPP được sửa đổi, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương. Nga đang thúc đẩy hướng này sau kinh nghiệm hợp tác trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Triển vọng thâm nhập khu thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn. Có một số khó khăn trên đường đi. Vì vậy, các đối tác Mỹ hiện đang tập trung vào các cơ chế song phương. Nhưng họ vẫn không từ chối thảo luận về vấn đề khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương. Và chúng tôi chắc chắn sẽ làm việc với mục tiêu tầm xa này”.

Theo ông Valery Sorokin, đối với tất cả những người tham gia APEC, kinh nghiệm chưa nhiều của FTA EAEU–Việt Nam, các cuộc đàm phán đang diễn ra về FTA EAEU-Singapore và câu hỏi về FTA EAEU-ASEAN có thể được các nước quan tâm đến.

Kết luận lại, Đại sứ của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Valery Sorokin lưu ý, APEC không đánh mất giá trị của mình như một nền tảng đối thoại duy nhất về các vấn đề quan hệ kinh tế song phương và đa phương. Nga dự định tiếp tục tích cực tham gia vào các hoạt động APEC, không chỉ thúc đẩy đưa ra các đề xuất mà còn học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác.

Hồng Vân (theo Sputnik)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here