Nga-Nhật thành lập nhóm kinh doanh chung trên các đảo tranh chấp

0
135
Một trong bốn hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril do Nga kiểm soát và được gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản, tháng 1/2013. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngày 31/10, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này và Nga đã nhất trí thành lập một nhóm đặc biệt cùng kinh doanh trong 5 lĩnh vực trên quần đảo tranh chấp do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng Lãnh thổ phương Bắc.

Phát biểu với báo giới tại cảng Nemuro​ của Hokkaido​ sau khi trở về từ chuyến thị sát các đảo, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Eiichi Hasegawa cho biết đã có cái nhìn toàn cảnh về địa điểm xúc tiến các dự án này.

Ông Hasegawa đã dẫn đầu phái đoàn gồm các chuyên gia khu vực công-tư tới thị sát 57 điểm trên đảo Kunashiri, Etorofu và Shikotan.

Theo kế hoạch, cuộc họp đầu tiên của nhóm sẽ diễn ra vào năm tới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh chung trên 5 lĩnh vực gồm du lịch, nuôi hải sản, trồng cây trong nhà kính, phong điện và xử lý rác thải. Ngoài ra, hai bên sẽ thảo luận về phát triển nhân lực trong 5 lĩnh vực này.

Động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin​ hồi tháng 9 vừa qua đạt được thỏa thuận tiến hành các hoạt động kinh tế chung trong 5 lĩnh vực trên các đảo tranh chấp.

Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á​-Thái Bình Dương (APEC) 2017, diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới nhằm thúc đẩy tiến trình này.

Nhật Bản tin tưởng các hoạt động chung trên sẽ mở đường cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài và ký kết một hiệp ước hòa bình hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong khi đó, phía Nga hy vọng sẽ thu hút nguồn đầu tư Nhật Bản tại những vùng lãnh thổ kém phát triển.

Nga và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền tại quần đảo tranh chấp hiện do Nga kiểm soát này. Khu vực tranh chấp gồm 4 hòn đảo mà phía Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai​ và Shikotan, còn Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan.

Việc tranh chấp chủ quyền tại đây đã cản trở hai nước ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, gần đây hai bên đều thể hiện thiện chí giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này.

Mới đây nhất, 2 nước đã cùng tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng kinh tế tại khu vực đảo tranh chấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here