Tổng kết tình hình kinh tế Nga, Tổng thống Putin cho biết nước này đã huy động và chuẩn bị tốt hơn cho cú sốc kinh tế COVID-19 so với nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Đó là khẳng định về tình hình kinh tế Liên bang Nga trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo lớn thường niên lần thứ 18, vào chiều 23/12, tại trung tâm triển lãm Manezh ở thủ đô Moscow.
Mức sụt giảm kinh tế của Nga do COVID-19 là 3% song Nga đã phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nước khác. Tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2021 là 4,6%. Sản xuất công nghiệp tăng 5%. Sản lượng ngũ cốc thấp hơn năm 2020 chút ít do thời tiết, nhưng vẫn đạt kết quả rất tích cực. Nga có thể tự cung tự cấp và vẫn duy trì tiềm năng xuất khẩu. Ông Putin cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, LB Nga xây dựng được 90 triệu m2 nhà trong năm 2021.
Ông Putin cũng cho biết dự kiến lạm phát trong năm 2021 của LB Nga là 8%, cao hơn dự báo, tuy nhiên các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng thu nhập thực tế vẫn ở mức 3,5%. Tỷ lệ thất nghiệp đã thấp hơn, trong thời kỳ đại dịch là 4,6-4,7%, trong cả năm 2021 là 4,3%. Tổng thống Putin cho biết năm 2020, bất chấp những khó khăn, Nga vẫn xuất khẩu được lượng hàng hóa trị giá 94 tỷ ruble, và năm 2021 con số này tăng gấp đôi.
Tổng thống Putin, điểm đáng lo lắng là vấn đề nhân khẩu học, tuổi thọ trung bình đã giảm chút ít do hệ lụy của đại dịch COVID-19 và điều này có thể ảnh hưởng đến lực lượng lao động.
Tổng thống Nga cũng cho biết hiện Nga đã đạt mức miễn dịch cộng đồng ngừa COVID-19 là 59,4%, tính cả những người đã tiêm và người khỏi bệnh. Trong khi đó mức miễn dịch cộng đồng cần thiết là 80%. Ông bày tỏ hy vọng trong năm 2022 Nga sẽ đạt được kết quả này. Ông Putin cũng cho biết hiện một nhóm các nhà khoa học Nga đã tới Nam Phi để nghiên cứu biến thể Omicron.
Tuy nhiên, mới đây, Nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Nga, ông David Knight ngày 20/12 đã nêu 4 rủi ro chính đối với nền kinh tế “xứ sở Bạch dương”.
Theo ông Knight, 4 rủi ro đó là đại dịch, lạm phát, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, và quá trình chuyển đổi năng lượng. Ông Knight nói: “Theo tôi không nên tập trung vào lý thuyết mà tập trung vào những rủi ro thực sự đối với nền kinh tế Nga. Có bốn trong số đó – đại dịch, lạm phát, địa chính trị và quá trình chuyển đổi xanh”.
Theo nhà kinh tế trưởng của WB tại Nga, đại dịch gây áp lực lên nền kinh tế Nga nhiều hơn so với một số quốc gia khác, chủ yếu là do tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp. Còn về vấn đề lạm phát, ông Knight đánh giá “khá khó” để duy trì kiểm soát tăng giá, mặc dù Ngân hàng Trung ương Nga đang thực hiện “những nỗ lực nhìn chung là kịp thời”.
Ông Knight cho biết: “Chúng tôi cho rằng nguy cơ lạm phát tăng đột biến trong năm tới là đủ lớn”. Còn rủi ro thứ ba, theo chuyên gia Knight, Nga có thể tiếp tục hứng chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế. Theo ông Knight, điều này sẽ “tác động tiêu cực”, mặc dù WB hiện chưa đưa ra đánh giá về tác động của các hạn chế mới hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt hiện có.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng, chuyển đổi năng lượng “gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế Nga” trong dài hạn. Các chuyên gia của WB và Trường Kinh tế Cao cấp đã đánh giá tác động của quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu đối với nền kinh tế Nga hồi đầu tháng 12. Quy định về carbon xuyên biên giới của EU có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Nga sang EU giảm từ 3-7% trong giai đoạn 2030–2035.
Duy Trinh