Nauy – Việt Nam: Phối hợp vì kinh tế đại dương xanh

0
82

Trong 2 ngày 9 và 10/10/2019, tại Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (NN & PTNT) đã phối hợp với Đại Sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Kinh tế đại dương xanh, với mục tiêu hướng đến công nghệ phát triển bền vững ngành công nghiệp nuôi biển và chế biến thủy sản.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ lãnh sự quán Na Uy, chuyên gia, doanh nghiệp của Na Uy; lãnh đạo Bộ NN & PTNT Việt Nam và đại diện lãnh đạo các tỉnh ven biển của Việt Nam.

nauy viet nam su phoi hop vi kinh te dai duong xanh
Đại sứ Na Uy – Grete Lochen chủ trì phiên thảo luận

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Na Uy – bà Grete Lochen cho biết: “Trong Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại New York hai tuần trước, Ủy ban Cấp cao về Kinh tế Đại dương Bền vững do Thủ tướng Na Uy Erna Solberg làm Chủ tịch, đã ra lời kêu gọi Hành động vì Đại dương và Môi trường, nêu rõ 5 lĩnh vực hành động có thể góp phần bảo vệ đại dương và giảm thiểu các rủi ro biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển bền vững ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Na Uy đã đúc kết được những bài học thực tế trong câu chuyện phát triển bền vững ngành công nghiệp cá hồi và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.”

Ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN & PTNT khẳng định: “Việt Nam và Na Uy đã có hơn 30 năm hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Hội nghị này là một cơ hội tốt để Việt Nam và Na Uy chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển ngành nuôi trồng công nghiệp bền vững. Việt Nam coi Na Uy là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực này”. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận để tìm ra các vấn đề cốt yếu liên quan đến: định hướng đối tượng, công nghệ, vùng nuôi phù hợp với từng đối tượng; xác định giải pháp đầu tư, nguồn vốn, đối tượng chế biến, thị trường tiêu thụ; cơ chế, chính sách như thế nào để phù hợp với chiến lược phát triển nuôi biển tại Việt Nam…

Theo ông Tiến, chủ trương phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam là chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại phiên thảo luận, các tổ chức, doanh nghiệp đến từ Na Uy và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã chia sẻ nhiều nội dung giá trị và thiết thực như: Kinh nghiệm của Na Uy và các yếu tố quyết định thành công việc quy hoạch và phát triển ngành công nghiệp cá hồi; Mở rộng lựa chọn thực phẩm bền vững cho tương lai, hợp tác như thế nào để chúng ta có thể tiến thêm một bước gần hơn để đạt được mục tiêu mong đợi; Chương trình tín dụng xuất khẩu Na Uy tài trợ cho các dự án chế biến và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam; Xây dựng thương hiệu thủy sản chất lượng cao trên thị trường quốc tế – Kinh nghiệm của Hội đồng thủy sản na Uy; Tầm quan trọng của việc quản lý sức khỏe thủy sản nuôi trong nền kinh tế Đại dương xanh; Nuôi biển nhiệt đới bền vững: Tổng quan kinh nghiệm của Công ty Australia ở Việt Nam.

nauy viet nam su phoi hop vi kinh te dai duong xanh
Thảo luận bên lề hội nghị

Ban tổ chức mong muốn qua Hội nghị này, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp có dịp gặp gỡ, chia sẻ về hoạt động quản lý, quy hoạch nhà nước đối với ngành nuôi biển công nghiệp, nhu cầu sử dụng công nghệ xanh và các giải pháp thông minh để phát triển hiệu quả, bền vững ngành này. Cũng như các thách thức đặt ra, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ và cơ hội hợp tác giữa hai bên.

Ngày 10/10, các doanh nghiệp Na Uy và Việt Nam đã cùng tham gia khảo sát thực địa, tới thăm cơ sở ươm giống cá chẽm, nuôi cá chim vây vàng, cá chẽm trong lồng quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa./.

(congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here