Đối với Việt Nam, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để bắt nhịp với xu hướng của kinh tế thế giới và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị cần nhận thức rõ tầm quan trọng của năng suất lao động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động.
Thực trạng năng suất lao động của Việt Nam
Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn vừa qua của kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 4,53%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.
Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,6% so với năm 2020 (nếu tính cả lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì chỉ tăng 2,9%) do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 làm cho tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,56% trong khi lao động dần quay trở lại làm việc sau giãn cách xã hội.
Mặc dù năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao 8,02% nhưng năng suất lao động của nền kinh tế cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước. Bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%. Nghĩa là để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm năng suất lao động cần phải tăng khoảng 7,8%.
Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng. Đây là thách thức lớn vì thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
So với các nền kinh tế phát triển có qui mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. Điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.
Năng suất lao động của nước ta vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam thời gian qua mặc dù diễn ra khá nhanh nhưng đến nay lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn. Đến năm 2022, nước ta có trên 13,9 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số lao động toàn nền kinh tế (nếu tính cả số lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì có trên 18 triệu lao động), trong khi năng suất lao động của khu vực này chỉ bằng 43,1% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế bởi vì đa số lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định, tạo ra giá trị gia tăng thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp. Đồng thời, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu, lao động ra khỏi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chủ yếu chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp, hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ có thu nhập thấp nên tác động không đáng kể tới việc thúc đẩy tăng năng suất lao động chung của nền kinh tế.
Thực tế hiện nay, kinh tế nước ta chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của từng ngành; tăng trưởng của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào việc mở rộng qui mô của các ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, vì vậy mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực phát triển, đồng thời dẫn dắt tăng năng suất lao động của nền kinh tế nhưng tập trung cao ở những ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp và trung bình. Trong khi đó, các ngành sản xuất có công nghệ cao tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại hoạt động theo phương thức nhập khẩu linh kiện, tận dụng lao động giá rẻ, tiến hành gia công lắp ráp, tác động lan tỏa đối với khu vực sản xuất trong nước chưa nhiều nên giá trị tăng thêm tạo ra ở trong nước tương đối thấp, chưa tạo đột phá về tăng năng suất lao động.
Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp: Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng, tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế, là chủ thể thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt, quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước. Tuy vậy, khu vực doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự là nhân tố và động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng suất lao động?
Trong 5 năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến cố, với 4 đặc trưng: biến động khó lường; không chắc chắn; phức tạp và mơ hồ. Các biến cố gần đây đưa đến những thay đổi mạnh mẽ về hoạt động kinh tế thế giới, trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo; các giá trị của chủ nghĩa tự do kinh tế bị thách thức nghiêm trọng; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo hướng linh hoạt, dễ thích nghi hơn; mạng lưới sản xuất toàn cầu vẫn quyết định tương lai của chuỗi cung ứng nhưng sẽ phát triển mạnh hơn mạng lưới sản xuất khu vực. Đặc biệt, xu hướng toàn cầu hoá dịch vụ phát triển mạnh mẽ; ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Trong các thập kỷ trước, mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu đã rất thành công đối với Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Á. Tuy vậy, do thiếu cạnh tranh trong các thị trường khác một phần vì thể chế thiếu đồng bộ, không phù hợp đã hạn chế hiệu quả nâng cao năng suất lao động thu được từ các hoạt động thương mại quốc tế. Đây là bài học quan trọng, đắt giá rút ra từ sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản, từ khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc và các nền kinh tế Đông Á mới nổi. Thiết nghĩ, Việt Nam nên tránh vết xe đổ này của các quốc gia trong khu vực đã phạm phải.
Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Paul R. Krugman – Nhà kinh tế học người Mỹ, đạt giải Nobel kinh tế đánh giá: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là tất cả!”.
Trước thực trạng năng suất lao động nước ta còn thấp, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới. Chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta.
Hai là, cạnh tranh lành mạnh trên tất cả các thị trường là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Chính phủ cần hoàn thiện đồng bộ môi trường pháp lý để tất cả các loại thị trường đều phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới xây dựng và hoàn thiện thể chế thị trường hàng hoá; thị trường nhân tố và thể chế quản trị doanh nghiệp. Xoá bỏ mọi độc quyền dưới bất kỳ hình thức nào diễn ra trên thị trường hàng hoá và thị trường nhân tố.
Ba là, thương mại quốc tế là động lực thúc đẩy các nền kinh tế đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh và mở rộng thị phần thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định FTA, phù hợp với xu hướng thay đổi của toàn cầu hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu đặt trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính, phát triển một hành tinh xanh.
Bốn là, xây dựng môi trường thuận lợi cùng với các chính sách ưu đãi, đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, như giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp có hoạt động R&D, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ.
Năm là, tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng.
Sáu là, xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao, thiết kế, sáng tạo; Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động quốc gia; chiến lược khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, bảo đảm khả năng cung ứng lao động cho chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Xây dựng và thực thi chính sách thị trường lao động tích cực, chủ động thực hiện phương châm đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc. Đồng thời thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động đáp ứng đòi hỏi về nâng cao và bồi đắp kỹ năng lao động.■
Đến năm 2022, nước ta có trên 13,9 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số lao động toàn nền kinh tế (nếu tính cả số lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì có trên 18 triệu lao động), trong khi năng suất lao động của khu vực này chỉ bằng 43,1% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế bởi vì đa số lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định, tạo ra giá trị gia tăng thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Năng suất lao động và giải pháp chủ yếu nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, Tổng cục Thống kê, 2019.
- Nghị quyết số: 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
- Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-thoi-bung-khat-vong-viet-nam-hung-cuong-phon-vinh-hanh phuc-119230302164025544.htm
- Tăng năng suất: Chính sách tốt thực hiện chậm vẫn chỉ là chính sách. https://www.vietnamplus.vn/tang-nang-suat-chinh-sach-tot-thuc-hien-cham-van-chi-la-chinh-sach/849069.amp