Nâng cao kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam-Hoa Kỳ

0
25
Việt Nam-Hoa Kỳ thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam. (Nguồn: Thanh Niên)

6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam-Hoa Kỳ thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam. (Nguồn: Thanh Niên)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa thông tin về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung.

Theo đó, Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 27/8, Thứ trưởng Hoàng Trung và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Hafemeister và đại diện các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Chuyến thăm của Thứ trưởng Hoàng Trung nhằm đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu; tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và đầu tư trong sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải.

Tại buổi làm việc, hai Thứ trưởng cùng bày tỏ sự vui mừng khi quả đào/xuân đào của Hoa Kỳ được phép xuất khẩu sang thị trường Việt Nam; đồng thời hai bên đã đạt được những bước tiến quan trọng trong tiếp cận thị trường đối với một số loại trái cây khác của hai nước.

Cụ thể, hai bên đã thống nhất về yêu cầu kỹ thuật đối với chanh leo của Việt Nam và tiến thêm một bước trong quy trình xem xét đối với quả quýt của Hoa Kỳ.

Trước đó, tại buổi làm việc với Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Hoa Kỳ, Thứ trưởng Hoàng Trung đã nghe Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Hoa Kỳ và Cục Bảo vệ thực vật báo cáo kết quả phiên họp kỹ thuật năm 2024 giữa hai bên. Thứ trưởng Hoàng Trung ghi nhận nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà hai Bên đạt được trong việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường sản phẩm thực vật hai nước bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa biện pháp xử lý bổ sung trong quản lý sâu hại của hai nước.

Về tiếp cận thị trường, hai nước thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam; Khởi động quy trình xem xét đối với sản phẩm mới của Việt Nam, gồm chanh không hạt, ổi, mít; Thống nhất danh sách dịch hại và các bước tiếp theo trong quy trình xem xét đối với quả quýt, mận, chanh vàng, lựu và một số sản phẩm khác để làm giống cây trồng của phía Hoa Kỳ.

Về biện pháp xử lý bổ sung và cải tiến quy trình kiểm dịch thực vật, phía Hoa Kỳ ghi nhận các đề xuất của Việt Nam về đa dạng hóa các biện pháp kiểm dịch thực vật như xử lý hơi nước nóng, xử lý Methyl Bromide và xử lý lạnh nhằm giảm chi phí tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hai nước và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hoạt động khảo nghiệm cần thiết để đưa ra ý kiến cuối cùng;

Hai bên cũng đã nhất trí triển khai biện pháp phun khử trùng hàng khô trong container tại cảng nhập khẩu. Phía Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam để chuyển đổi sang sử dụng chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử (ePhyto).

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, những kết quả này sẽ giúp củng cố và nâng cao kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước trong thời gian tới. Cơ quan chức năng hai nước đã đạt được thỏa thuận Khung hợp tác trong thời gian tới, đặt trọng tâm vào tăng cường năng lực trong phân tích nguy cơ và giảm định dịch hại, chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu trong quản lý dịch hại đối với thực vật cũng như ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý kiểm dịch.

Hiện nay, Việt Nam đang có 8 loại trái cây tươi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản rất quan trọng của Việt Nam. Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2023 đạt 10,96 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới.

6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là thị trường còn nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam những tháng cuối năm.

Mặc dù hầu hết các ngành hàng nông, thủy sản Việt Nam đều có sự tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, tuy nhiên cũng còn một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ để gia tăng hơn nữa kim ngạch trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, như với mặt hàng trái cây, ông Trần Minh Thắng – Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ thông tin: Hiện các mặt hàng trái cây từ Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đều phải tiến hành xử lý chiếu xạ. Tuy nhiên, Việt Nam có 2 trung tâm chiếu xạ thì đều nằm ở khu vực miền Nam cho nên trái cây miền Bắc phải mất thời gian vận chuyển để thực hiện chiếu xạ rồi mới xuất sang Hoa Kỳ, trong đó có trái vải rất được ưa chuộng. Điều này một mặt làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; mặt khác còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi chậm đến tay khách hàng.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay còn phải đối mặt với thực trạng cước vận tải không ngừng tăng cao. Nguồn tin từ VASEP cho biết, tính chung tại khu vực châu Á, giá cước một container đông lạnh 40 feet (dài 12m, rộng 2,4m) vận chuyển thủy sản tới Bắc Hoa Kỳ đang tăng gấp đôi, gấp ba kể từ đầu năm, lên khoảng 9.000-10.000 USD. Do người tiêu dùng có thể sẽ phải “cõng” số tiền vận chuyển tăng cao này cho nên nhu cầu tiêu dùng sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here