Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm OCOP

0
85
Sản phẩm OCOP Thái Nguyên được giới thiệu, bày bán tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. (Nguồn: VnEconomy)

Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức một gian hàng OCOP tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan và tại Milan- lần đầu tiên Việt Nam có một không gian sản phẩm OCOP tại thị trường châu Âu.

Sản phẩm OCOP Thái Nguyên được giới thiệu, bày bán tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. (Nguồn: VnEconomy)

Theo thông tin tại Tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP” ngày 26/12, tính đến giữa tháng 12/2023 cả nước có 11.054 sản phẩm OCOP. Trong số đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao và đặc biệt là có 42 sản phẩm được chính thức Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và còn lại là các sản phẩm có tiềm năng 5 sao.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, số lượng sản phẩm OCOP phát triển rất nhanh, chất lượng được nâng cao và cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm OCOP đều đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam như ISO, HACCP, GAP và một số sản phẩm OCOP 5 sao cũng đạt được những tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Các điểm bán sản phẩm OCOP cũng đã được phát triển rất mạnh, không chỉ thuần túy qua kênh truyền thống mà còn qua hệ thống phân phối hiện đại như Saigon Co.op, Central Retail, các chuỗi bán hàng tiện lợi, các chuỗi bán sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ…

Theo ông Tiến, một điểm nhấn trong thời gian vừa qua là rất nhiều điểm bán hàng sản phẩm OCOP được đặt tại các điểm dừng chân và những điểm này đã thực sự mang đến sự trải nghiệm cho du khách, không chỉ thuần túy mua sản phẩm OCOP làm quà tặng mà còn thưởng thức việc trình diễn của các nghệ nhân.

Bên cạnh những điểm phân phối truyền thống, việc xúc tiến ở trên hệ thống các kênh thương mại điện tử cũng đã được triển khai ngay từ sớm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các hệ thống thương mại điện tử như Voso, Posmart, Lazada, Shopee để xúc tiến các sản phẩm OCOP trên nền tảng online.

Đáng lưu ý, trong năm 2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai hơn 800 phiên chợ livestream trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam, doanh thu lên tới 100 tỉ. “Con số này vẫn còn tương đối nhỏ nhưng nó đã tạo ra được sự tiếp cận đến hơn 300 triệu lượt người xem”, ông Tiến nhấn mạnh.

Không chỉ dừng ở việc xúc tiến thương mại trong nước, trong năm 2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tổ chức một gian hàng OCOP tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan và tại Milan- lần đầu tiên Việt Nam có một không gian sản phẩm OCOP tại thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost- đơn vị sáng lập sàn Postmart) cho rằng lợi thế của các sản phẩm OCOP khi lên sàn là kiểm soát chất lượng, không chỉ theo tiêu chí của sàn mà còn phải đáp ứng được tiêu chuẩn của các Bộ, ban, ngành và đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng là đúng giá trị.

Nhưng trở ngại không chỉ với Postmart mà còn với các sàn thương mại điện tử khác, đó là vận chuyển các sản phẩm OCOP tươi, sống phải đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng là rất khó khăn.

Hơn nữa sản phẩm OCOP do tập quán, quy mô sản xuất vẫn còn hạn chế nên rất nhiều sản phẩm khi sàn chạy chương trình bán rất tốt nhưng lại không đủ sản phẩm để bán.

Điểm yếu nữa của các sản phẩm OCOP đó là khâu đóng gói, khâu nhận diện thương hiệu. Bởi phần lớn các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP là xuất phát từ khu vực nông thôn, người nông dân hạn chế về kỹ năng thiết kế sản phẩm cũng như kể một câu chuyện về sản phẩm.

Do đó, ông Nguyễn Thế Anh đề nghị thời gian tới, các sản phẩm OCOP cần tiếp tục có sự đồng hành của các Bộ, ngành trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các hộ sản xuất chứng thực sản phẩm chất lượng, giúp họ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tránh bị hàng giả, hàng nhái.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, các chủ thể cần nâng cao chất lượng, căn cứ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ; cải thiện mẫu mã và bao bì, phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tập trung vào xây dựng được thương hiệu, đăng ký bảo hộ và triển khai các chương trình về thương hiệu.

Còn với các cơ quan nhà nước, cần đẩy sản phẩm OCOP lên một tầm mới với tâm thế cao hơn, theo định hướng của nhu cầu tiêu dùng hiện đại, chúng ta phải xúc tiến thương mại trên cơ sở là đa kênh chứ không chỉ tập trung vào một kênh cụ thể.

Tăng nhận diện sản phẩm OCOP bằng những kênh riêng thông qua các nền tảng mạng xã hội để livestream kể những câu chuyện, toàn bộ nguồn gốc sản phẩm.. tạo ra giá trị sản phẩm thông qua kết nối về mặt cảm xúc giữa người tiêu dùng và các chủ thể cũng như người bán hàng, tạo ra được điểm chạm và cảm xúc cho người tiêu dùng…

Vũ Khuê

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here