Năm 2023 là một năm thắng lợi kép với ngành sản xuất lúa gạo khi được mùa, được giá. Lợi nhuận người trồng lúa cao hơn so với các năm và các thành tố trong chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn bởi chuỗi giá trị ngành lúa gạo còn lỏng lẻo, phân phối lợi nhuận giữa các thành tố trong chuỗi giá trị chưa đảm bảo công bằng.
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi TrẻOnline xoay quanh câu chuyện giá lúa gạo tăng, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài.
* Ông có quan điểm như thế nào khi có ý kiến cho rằng thắng lợi của ngành lúa gạo năm nay một phần nhờ vào việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo?
– Khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng trừ basmati (nước chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu thế giới) là thời cơ, cơ hội cho tất cả các nước xuất khẩu gạo. Việc biến thời cơ, cơ hội thành kết quả là đem lại giá trị và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa và Việt Nam là nước đã tận dụng tốt thời cơ, cơ hội đó.
Tôi muốn nhấn mạnh kết quả đạt được của ngành lúa gạo năm nay là do chúng ta tranh thủ được thời cơ, chủ động các giải pháp về mặt thời vụ, kỹ thuật, chỉ đạo điều hành và cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời về nhu cầu nhập khẩu, nguồn cung.
Nhưng nếu như xét tổng thể về dài hạn quá khứ, hiện tại và tương lai thì sản xuất lúa gạo chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là chuỗi giá trị lúa gạo phát triển còn thiếu bền vững, các thành tố trong chuỗi giá trị, thì chuỗi liên kết giá trị còn quá dài, khá lỏng lẻo, lợi nhuận giữa các thành tố trong chuỗi giá trị chưa đảm bảo công bằng, tổ chức sản xuất còn hạn chế.
Chính vì vậy, thắng lợi về sản xuất lúa gạo năm nay cần ghi nhận nhưng cũng cần phải có những giải pháp chủ động hơn, có những cơ chế, chính sách tốt hơn để ngành lúa gạo phát triển bền vững, minh bạch và trách nhiệm để tạo ra một thắng lợi kép không phải ở năm nay, không phải khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo mà là thường xuyên, liên tục và bền vững qua các năm.
* Năm 2023, khi giá lúa gạo tăng cao trong thời gian ngắn đã tạo ra sự bất cập như hiện tượng tranh mua, tranh bán hoặc một số doanh nghiệp đã ký các hợp đồng khi giá gạo còn thấp, đến khi trả hàng thì giá lúa gạo tăng rất cao nên gặp khó khăn. Làm thế nào để giải quyết các bất cập này?
– Để khắc phục, phải liên kết những người nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa với doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, làm sao đảm bảo được mối liên kết này một cách minh bạch, chặt chẽ, tin tưởng và tuân theo pháp luật.
Để khi có hiện tượng giá lúa gạo nhảy múa như vừa qua thì các bên sẽ có những trao đổi, thỏa thuận phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên mà vẫn đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Song song đó, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ những quy định của Nhà nước trong việc dự trữ lượng gạo xuất khẩu, cập nhật dự báo tốt thị trường nhập khẩu, nguồn cung trong nước. Nếu làm được, chúng ta sẽ hạn chế được thấp nhất những phát sinh, bất cập trong thời gian vừa qua.
* Năm nay người dân được hưởng lợi từ giá lúa gạo tăng, liệu nông dân có hưởng niềm vui ấy lâu dài?
– Có thể khẳng định lợi nhuận của người trồng lúa năm nay cao hơn so với các năm và có lẽ cao hơn so với các thành tố trong chuỗi giá trị, người nông dân có vẻ chủ động về giá bán sản phẩm của mình hơn.
Để duy trì lợi nhuận cao ấy thì chuỗi giá trị lúa gạo phải nâng cao lên, khi đó lợi nhuận của nông dân cũng được nâng cao, đảm bảo sự minh bạch, sự tuân thủ pháp luật giữa các bên và đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa các thành tố trong chuỗi giá trị lúa gạo thì mới phát triển bền vững, “niềm vui các thành tố trong chuỗi giá trị lúa gạo mới được duy trì và kéo dài”.
* Người dân trồng lúa nếu còn duy trì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì khó có thể giàu từ trồng lúa. Liên kết để tạo ra sản xuất quy mô lớn sẽ giúp nông dân có thu nhập cao hơn?
– Lợi nhuận sản xuất lúa của chúng ta không thấp nhưng thu nhập của người nông dân trồng lúa thấp so với các ngành sản xuất khác như cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc thủy sản. Nguyên nhân do quy mô sản xuất lúa của mỗi hộ gia đình quá nhỏ nên nguồn tiền thu được của người trồng lúa cũng không nhiều. Điều này cũng hạn chế việc nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, cơ giới hóa để giảm chi phí đầu vào…
Như vậy, chúng ta phải có những giải pháp trước mắt, lâu dài cũng như cơ chế chính sách, giải pháp. Ví dụ như chúng ta đang sửa Luật Đất đai với mong muốn tích tụ ruộng đất để tạo ra những cánh đồng sản xuất lúa nói riêng với quy mô lớn. Nhưng tôi nghĩ rằng quá trình này cần phải có một thời gian nhất định để chúng ta có những dịch chuyển.
Do đó, chúng ta thực hiện giải pháp về tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất lúa thông qua việc phát triển hợp tác xã, các tổ hợp tác hoặc hội quán để tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng, ổn định về số lượng, ổn định về chi phí sản xuất.
Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, doanh nghiệp sẽ là động lực, trung tâm thúc đẩy phát triển hợp tác xã, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa… thì sẽ có một ngành sản xuất lúa tốt hơn.