Theo báo cáo của nhà kinh tế Ấn Độ Tanvee Gupta Jain, những cải cách quan trọng đang diễn ra tại Ấn Độ như cải cách chế tạo, luật lao động, thu hút FDI và tư nhân hóa đang giúp cải thiện năng suất và hỗ trợ Ấn Độ tăng trưởng dài hạn ở mức 7,5% – 8% và nếu thuận lợi, Ấn Độ sẽ đóng góp 15% vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2026. Cũng theo báo cáo này, Ấn Độ là quốc gia có chi phí sản xuất thấp nhất trong số những nước cùng sản xuất mặc dù Trung Quốc vẫn giữ được những lợi thế đáng kể về hệ sinh thái sản xuất. Ấn Độ và Việt Nam sẽ là hai quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng chuyển dịch và đầu tư ra khỏi Trung Quốc.
Báo cáo kỳ vọng với tiềm năng thị trường nội địa lớn, chi phí lao động thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và việc tăng cường động lực cải cách đang diễn ra sẽ giúp Ấn Độ đạt được các mục tiêu. Về kế hoạch khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) của Ấn Độ, nhà kinh tế học Gupta Jain mô tả như một “cơ hội vàng cho sản xuất” và cho rằng kế hoạch 5 năm là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách sản xuất vì nó khuyến khích các công ty lựa chọn mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy giá trị gia tăng trong nước. Gupta Jain cũng chỉ ra kế hoạch tăng quy mô sản xuất tại Ấn Độ của Apple và Telsa sẽ đưa công suất của Ấn Độ trên tổng chuỗi cung ứng toàn cầu đạt từ con số 0 lên đến 20% – 30%.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự tăng trưởng của Ấn Độ là dòng vốn FDI đang gia tăng và đạt mức 56 tỷ USD trong năm tài chính 2020, mức cao nhất từ trước đến nay. Báo cáo dự kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ vượt qua mốc 100 tỷ USD vào ăm 2026. Mặc dù vậy, dòng vốn FDI được ước tính sẽ giảm xuống còn 40 – 45 tỷ USD trong năm tài chính 2021 do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ quay trở lại mức bình thường từ tài khóa tiếp theo.
(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai)