Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vifoca), những ngày đầu tháng 12/024, giá cà phê tăng trên 2 sàn giao dịch của thế giới.
Cũng theo Vifoca, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia; trong đó có 10 thị trường đạt kim ngạch hơn 100 triệu USD. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024, với trị giá 2 tỷ USD, tăng 41% so với niên vụ trước, chiếm 38% về lượng và 37% về kim ngạch trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Về phân khúc thị trường cà phê thế giới, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu, sau Brazil và ngày càng được thế giới biết đến, công nhận.
Năm 2024, ngành hàng cà phê kỳ vọng đạt mốc giá trị xuất khẩu hơn 5,5 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho rằng, để ngành hàng cà phê phát triển bền vững, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương trồng cà phê trọng điểm rà soát các vùng trồng, tập trung cải tạo và quy hoạch vùng trồng ổn định. Nhân rộng các giống cà phê mới, năng suất, chất lượng cao.
“Quan điểm là ổn định diện tích trồng cà phê hiện có, rà soát lại diện tích không phù hợp để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn; không chạy theo số lượng, mà quan tâm đến chất lượng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành, Vifoca quản lý tốt ngành hàng cà phê, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cà phê tại các tỉnh với những thương hiệu riêng; kiến nghị Nhà nước có những chính sách phù hợp để hỗ trợ thích đáng cho chuỗi ngành hàng cà phê từ sản xuất, chế biến đến thương mại bền vững.
Liên quan đến giá cà phê, theo Vifoca, những ngày đầu tháng 12/024, giá cà phê tăng trên 2 sàn giao dịch của thế giới.
Một số chuyên gia thị trường nhận định, sở dĩ giá cà phê tăng mạnh giữa mùa thu hoạch do 3 yếu tố chính: lo ngại về những bất lợi vụ mùa cà phê tại Brazil và Việt Nam, chi phí đầu vào tăng và giá cước vận tải cao trong mùa cuối năm.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị toàn cầu khiến đầu cơ đổ vào các sàn hàng hóa, làm giá cà phê càng “leo thang”. Hiện tại, giá cà phê cao khiến nhiều giao dịch bị chững lại.
Người mua chờ giá giảm, còn người bán đợi giá tăng, dẫn đến nhiều giao dịch bị trì hoãn. Thương lái “ém hàng,” trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài vẫn giữ hàng dự trữ, khiến thị trường khó có sự thay đổi đột biến.
Vân Chi