Năm 2024: Dự toán chi ngân sách nhà nước khoảng 2,1 triệu tỷ đồng đối với 9 lĩnh vực

0
52
(minh họa)
(minh họa)
Thông tin tại chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chiều ngày 23/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 15,3% GDP.
Dự toán năm 2024 được xây dựng đã dự tính tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn và những khoản hụt thu do tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024.
DỰ TOÁN THU TÍCH CỰC TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.444,4 nghìn tỷ đồng, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2023, chiếm 84,9% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Trong đó, thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.085,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2023.
Thu dầu thô là 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8,3 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 70 USD/thùng.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 204 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Trong đó, dự toán thu 375 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so ước thực hiện năm 2023; chi hoàn thuế VAT 171 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, so với ước thực hiện năm 2023, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 được giao cao hơn 9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 5%; còn so với dự toán năm ngoái thì thấp hơn đáng kể, giảm hơn 35 nghìn tỷ đồng (-15%); thu viện trợ khoảng 6,5 nghìn tỷ đồng.
“Mức dự toán nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức”, lãnh đạo Bộ Tài chính nhìn nhận.
Đánh giá về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng phương án dự toán thu tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6% – 6,5%, lạm phát khoảng 4% – 4,5%.
Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước vẫn chứa yếu tố rủi ro, thiếu bền vững khi thu từ đất có mức tăng lớn.
CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CAO HƠN 100.000 TỶ ĐỒNG, LƯU Ý NGUỒN ĐỂ CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG
Năm 2024, bội chi ngân sách nhà nước bám sát mục tiêu kế hoạch 5 năm theo nghị quyết của Quốc hội, ở mức 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Nếu tính cả số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán chi năm 2024 của một số địa phương (khoảng 19 nghìn tỷ đồng) thì tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 2.119,4 nghìn tỷ đồng.
Dự toán chi ngân sách nhà nước xây dựng chặt chẽ, theo quy định của pháp luật, ưu tiên bố trí chi đầu tư, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo nghĩa vụ chi trả nợ lãi, viện trợ, dự phòng, dự trữ quốc gia.
Theo đó, chi ngân sách nhà nước dự kiến bố trí các lĩnh vực như sau.
Một, dự toán chi đầu tư phát triển là 677,3 nghìn tỷ đồng, tăng 108 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023 (không kể phần kinh phí bố trí cho chương trình phục hồi năm 2023); chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách nhà nước, đây là mức cao so với một số năm qua.
Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, cụ thể đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo Luật Ngân sách nhà nước.
Hai, dự toán chi trả lãi là 111,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023, đảm bảo chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn.
Ba, dự toán chi viện trợ là 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với dự toán năm 2023.
Bốn, dự toán chi dự trữ quốc gia là 1,16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 05 năm 2021-2025.
Năm, bố trí dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, với dự kiến thu chi ngân sách nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.
Như vậy, dự toán chi cho cải cách tiền lương năm 2024 là 55.400 tỷ đồng, trong đó 48.000 – 49.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, còn lại là địa phương.
Sáu, về việc xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024, có một số địa phương có dự toán thu ngân sách địa phương năm 2024 giảm so với dự toán năm 2023, khiến mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương giảm so với năm 2023, không đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách, chế độ và nhiệm vụ chính trị quan trọng theo phân cấp.
Vì vậy, đối với các địa phương này, kiến nghị bố trí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023, tổng thể khoảng 19,2 nghìn tỷ đồng.
Bảy, dự toán chi thường xuyên (chưa gồm kinh phí tăng thêm đề đảm bảo đủ thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ đầu năm) là 1.175,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2023.
Tám, bố sung quỹ dự trữ tài chính là 100 tỷ đồng, bằng dự toán 2023.
Chín, dự phòng ngân sách nhà nước là 57,8 nghìn tỷ đồng, tương đương dự toán năm 2023, đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (từ 2 – 4% tổng chi ngân sách nhà nước).
Đánh giá về dự toán chi, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý về tổng thể thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực 2024-2026, dự báo đến 2030 để bảo đảm tính khả thi, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW; cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động trong bố trí nguồn lực.
Đồng thời, đề nghị cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo.
Về bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng để bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, đề nghị trên cơ sở tổng mức chi được Quốc hội quyết định, giao Chính phủ rà soát, phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ chi cụ thể cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, sự cần thiết, tính đầy đủ, hợp lệ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung, giao dự toán và giải ngân theo quy định.
(Ánh Tuyết/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here