Năm 2023: Đồng bằng sông Cửu Long thu hút khoảng 100 nghìn tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp

0
270
Hội nghị tổ chức tại Cần Thơ, ngày 30/10/2023.
Hội nghị tổ chức tại Cần Thơ, ngày 30/10/2023.
Ngày 30/10/2023, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
ĐỨNG ĐẦU VỀ LÚA GẠO, THỦY SẢN, TRÁI CÂY
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những năm qua, vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc. Trình độ sản xuất của nông dân còn thấp, năng suất lao động thấp. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long, như cho thuê đất với thời hạn dài, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất; Nhà nước hỗ trợ lãi suất, phí, lệ phí cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp; Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp….
Triển khai chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo số liêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Một số dự án đầu tư lớn trong năm 2023 có thể kể đến: Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại Long An, có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thực phẩm Đồng An; Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Phong; Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau…
Các dự án đầu tư này đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
GỢI MỞ NHIỀU LĨNH VỰC MỚI CẦN THU HÚT ĐẦU TƯ
Tại hội nghị đại diện các nhà đầu tư, ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, cho biết Chính phủ Australia khuyến khích chúng tôi đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ông David John Whitehead cho rằng để các nhà đầu tư Australia đầu tư, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chú trọng hỗ trợ 5 vấn đề.
Thứ nhất: Các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng để tối ưu hóa vấn đề hậu cần và vận chuyển các nguồn nguyên vật liệu của các nhà đầu tư.
Thứ hai: Cần có hướng dẫn rõ ràng về quy trình, thủ tục xin giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác.
Thứ ba: Cần chi tiết thời gian để thực hiện các bước của quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai đầu tư.
Thứ tư: Nhà đầu tư cần duy nhất một đầu mối liên hệ để giải quyết các vấn đề đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ năm: Nhà đầu tư cần được giảm tối thiểu sự chậm trễ trong việc giải quyết công việc và chấm dứt tình trạng “quan liêu”, làm sao cho dễ dàng trong việc kinh doanh của nhà đầu tư.
“Chúng tôi cần chính quyền các tỉnh tìm hiểu rõ nhu cầu và tôn trọng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, làm những gì thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”, ông David John Whitehead nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group, cho rằng nông nghiệp đang chịu những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; đồng thời là ngành nghề dễ bị tác động bởi thị trường. Vì vậy, cần có chính sách bình ổn giá đối với vật tư đầu vào, chính sách hỗ trợ các sản phẩm đầu ra, hỗ trợ công nghệ bảo quản và chế biến nông sản nhằm đa dạng thị trường…
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết hiện tại, Bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long” và sẽ có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đề án này. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ cho nông sản, phát triển về logictis…
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các nhóm lĩnh vực về công nghệ sinh học; lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, dược liệu, tinh chế muối; sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Nam đề nghị.
Theo Thứ trưởng Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp đã quan tâm vào các sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Tuy nhiên, những lĩnh vực này đều đã có nhà đầu tư trên địa bàn. Vì vậy, ngoài quan tâm vào thế mạnh trên, những lĩnh vực mới, cần ưu tiên, đề nghị các địa phương và doanh nghiệp quan tâm.
Thứ trưởng Nam gợi mở nhiều lĩnh vực mới cần thu hút đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trước hết là đầu tư vào khai thác nuôi biển và dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp. Cụ thể, có hai lĩnh vực cần ưu tiên là: khai thác nuôi biển theo dọc bờ biển của Đồng bằng sông Cửu Long vì dư địa còn lớn, hoặc tại những dòng sông lớn, đầu tư nuôi thế nào để đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó, là đầu tư vào dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp, kể cả thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi – những lĩnh vực rất cần để đảm bảo vật tư cho sản xuất nông nghiệp, giúp giảm giá thành trong chuỗi sản xuất.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nam cũng khẳng định quan điểm của Bộ là đẩy mạnh đầu tư vào logistics lĩnh vực nông sản. Theo Thứ trưởng, hiện dịch vụ của ngành nông nghiệp tập trung vào đối tượng nuôi, còn quy trình, dịch vụ cung cấp thì đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhưng đầu tư một cách căn bản “thì còn nhiều vấn đề”.
Thứ trưởng Nam cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án về logistics nông sản, trong đó tập trung vào việc đầu tư xây dựng ở các vùng nguyên liệu ở các vùng miền để đảm bảo kho chứa nguyên liệu, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, giúp cho người nông dân. Tại đây sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã làm trung tâm dịch vụ, có kho chứa, có sân phơi, có nơi tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất.
(Chương Phượng/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here