Năm 2022, 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam

0
80
Năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. (Nguồn: VTV)

Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 534 triệu USD.

Năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. (Nguồn: VTV)

Trong đó bao gồm 426,6 triệu USD vốn đăng ký đầu tư mới cho 109 dự án, tăng 4,3% về số vốn và tăng 78,7% về dự án so với năm 2021. Ngoài ra, có 107,4 triệu USD vốn đầu tư tăng thêm cho 26 lượt dự án điều chỉnh vốn, tăng 18,2% về số dự án so với năm 2021.

Về lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về giá trị đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 251,9 triệu USD, (chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài) cho 15 dự án đầu tư mới và 4 lượt điều chỉnh vốn.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 2 dự án mới và 3 lượt điều chỉnh vốn; giá trị đầu tư hơn 76,8 triệu USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng,…

Về lãnh thổ đầu tư, trong năm 2022, có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Singapore với 21 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn; giá trị đầu tư đăng ký đạt gần 79,5 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Lào với tổng vốn đầu tư hơn 70,5 triệu USD, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư, sau đó lần lượt là Australia, Mỹ, Đức,…

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/12/2022, Việt Nam hiện có 1.611 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,75 tỷ USD. Trong đó có 139 dự án đầu tư của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,6 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,8%). Các quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,6%); Campuchia (13,5%); Venezuela (8,4%).

Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đang chuyển biến tích cực với nhiều dự án lớn. Trong tương lai, giá trị đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt có thể vượt 1 tỷ USD/năm từ mức khoảng 700 triệu USD/năm như hiện nay.

Nhiều dự án về công nghệ, cao su, cà phê, đã thành công, chuyển lợi nhuận về nước, góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang thâu tóm các doanh nghiệp Việt thì việc các doanh nghiệp thuần Việt đang có động thái mua doanh nghiệp nước ngoài để làm lớn mạnh thương hiệu Việt, giữ được thương hiệu và vươn ra quốc tế chứ không chỉ loanh quanh trong nước.

TS. Trần Du Lịch bày tỏ: “Hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ có những thương hiệu mang tầm quốc tế và khu vực. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã và đang khẳng định được dấu ấn trên thị trường thế giới khi ngược dòng vươn ra đầu tư ở thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Australia, Trung Quốc…”.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội thúc đẩy quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (như tại Lào, Campuchia, Myanmar) để kiến nghị nước sở tại có chính sách ưu đãi, đầu tư nhất quán, minh bạch. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư ổn định, an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here