Một số nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế thế giới. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa thật sự chắc chắn xảy ra.
Trong năm 2019 và 2020, kinh tế thế giới có thể bị đe dọa bởi những rủi ro như kinh tế Trung Quốc giảm tốc, lãi suất tăng cao và trào lưu dân túy gia tăng.
Đã có dấu hiệu rõ rệt về sự chững lại của kinh tế Trung Quốc. Thực vậy, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tác động đáng kể tới nền kinh tế Trung Quốc khi nước này đang cố gắng chuyển từ tăng trưởng nhờ xuất khẩu và đầu tư sang tiêu dùng trong nước. Câu hỏi đặt ra là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ đến mức độ nào. Nếu xem xét sự mâu thuẫn giữa hệ thống chính trị tập trung dưới sự lãnh đạo của Đảng và tính cần thiết của hệ thống kinh tế phân cấp hơn phát triển dựa trên tiêu dùng, thì sẽ thấy rằng về dài hạn, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại sẽ tác động đáng kể không chỉ đối với các nền kinh tế tại châu Á mà cả các nền kinh tế xuất khẩu nguyên nhiên liệu. Châu Âu, đặc biệt là Đức, Châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ, cũng sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề. Cú “sốc” đối với thị trường tài chính và xuất khẩu vốn rất nhạy cảm về mặt chính trị của Trung Quốc sẽ khiến sự chững lại của nền kinh tế nước này nặng nề hơn nhiều so với kịch bản mà nhà lãnh đạo Mỹ nghĩ đến.
Một nguy cơ khác đến từ bên ngoài, tuy ít có khả năng xảy ra hơn nhưng lại đáng ngại hơn, đó là lãi suất trên thế giới về dài hạn có thể tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhưng nguyên nhân sâu xa có thể do sự bùng nổ của chủ nghĩa dân túy ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Những người theo chủ nghĩa dân túy có thể khiến những chính sách khuyến khích thị trường được triển khai từ nhiều năm nay gặp nhiều khó khăn, đồng thời gieo rắc mối hoài nghi về độ an toàn thực sự đối với mức nợ công của những nước phát triển hiện nay.
Phần lớn các nhà phân tích đều nhận định rằng tỷ lệ lãi suất thấp như hiện nay cho phép các nền kinh tế phát triển đủ sức kháng chịu khoản nợ lớn hơn. Nhưng sẽ là không bình thường nếu nghĩ rằng nước nào cũng có thể chịu được tỷ lệ nợ tăng cao, bởi vì, tỷ lệ nợ càng cao thì các nước càng ít có khả năng đáp trả một các tích cực đối với các cú “sốc”.
Trong dài hạn, khả năng sản xuất tăng cao không phải là điều không thể. Một trong những động lực chính là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu giúp tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Đây tất nhiên là tin tốt lành cho toàn bộ kinh tế thế giới, nhưng kiểu tăng tốc này có thể khiến một số vùng hoặc nhóm nước rơi vào nguy cơ tụt hậu càng xa.
Tất nhiên, nhiều rủi ro khác cũng đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó phải kể đến sự hỗn loạn chính trị ngày một sâu sắc tại Mỹ, kịch bản Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), sự suy yếu của các ngân hàng Italia hay sự bùng nổ của các căng thẳng địa-chính trị. Tuy nhiên, tất cả những rủi ro này không nhất thiết vẽ ra những viễn cảnh u ám đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Điều tồi tệ nhất vẫn chưa chắc chắn xảy ra. Kịch bản đối với Mỹ vẫn là tăng trưởng mạnh. Đà phục hồi chậm ở Châu Âu vẫn tiếp tục kể từ cuộc khủng hoảng nợ đầu thế kỷ, tuy nhiên, tăng trưởng cũng có thể cao hơn dự kiến. Kịch bản kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” vẫn chưa xảy ra.
Như vậy, có thể năm 2019 là một năm nữa kinh tế thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tin từ Đại sứ quan Việt Nam tại Pháp (theo Les Echos, ngày 24/01/2018).