Chuỗi cung ứng đang dịch chuyển ra bên ngoài Trung Quốc đại lục khi nhiều đối tác nhập khẩu hàng hóa của Đài Loan có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đại lục, bao gồm cả những nhà nhập khẩu lắp ráp linh kiện cho điện thoại và PC để tái xuất khẩu, đã chuyển hoạt động sang Đông Nam Á hoặc xa hơn. Trong đó, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc đại lục để trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Đài Loan trong năm 2024, một dấu hiệu cho thấy việc phân tách chuỗi cung ứng đã tạo ra sự chuyển dịch rõ ràng sang các thị trường đồng minh phương Tây.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ trong quý I/2024 đạt 26,625 tỷ USD, vượt qua con số 22,407 tỷ USD được xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục.
Chuyên gia cho biết xuất khẩu hàng hóa cao kỷ lục của Đài Loan sang Mỹ trong quý I/2024 đến từ sự gia tăng các lô hàng sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông được sản xuất và lắp ráp trên đảo. Điều này xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng của các công ty công nghệ lớn của Mỹ đối với các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như máy chủ hiệu suất cao và thiết bị điện toán đám mây.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Đài Loan sang ASEAN đạt 22,281 tỷ USD trong quý I/2024, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, theo Bộ Kinh tế Đài Loan, đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục đã chạm mức thấp nhất trong 22 năm, chỉ đạt hơn 3 tỷ USD vào năm 2023.
Nhà phân tích cho biết xu hướng này là hiển nhiên và rõ ràng. Chuỗi cung ứng đã chuyển sang Việt Nam và Indonesia và hiện đang xem xét Ấn Độ.
Những nguyên nhân cho xu hướng này bao gồm: (i) căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, (ii) các ưu đãi của chính phủ Mỹ cho các nhà sản xuất chip Đài Loan để thành lập nhà máy ở Mỹ và (iii) sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát virus Corona đến cuối năm 2022.
Các chuyên gia đã đưa ra một số nguyên nhân khác cho xu hướng này:
(i) Trung Quốc đại lục đang phát triển ngành công nghiệp nội địa của riêng mình. Sản lượng chip của Trung Quốc đại lục đã tăng 40% trong quý I/2024 để đáp ứng nhu cầu về xe điện.
(ii) Tiêu dùng của Trung Quốc đại lục yếu kém, thất nghiệp, giá nhà giảm và dư thừa công suất trong một số lĩnh vực công nghiệp.
(iii) Tình trạng dư thừa công suất trong một số ngành công nghiệp công nghệ thấp ở Trung Quốc đại lục đã làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư Đài Loan đối với hàng nhập khẩu từ Đài Loan.
(iv) Kế hoạch chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thế giới và trật tự thị trường do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đang cố gắng hình thành một chuỗi cung ứng toàn cầu không bị sự can thiệp của Mỹ ảnh hưởng.
Về triển vọng của xu hướng này, một số chuyên gia cho biết nhu cầu của Mỹ đối với chip Đài Loan sẽ vẫn mạnh mẽ cho đến khi nỗ lực đưa chất bán dẫn về Mỹ hoàn thành; nhu cầu về phần cứng công nghệ cao khác cũng đang tăng cao. Mặt khác, sự quan tâm của Trung Quốc đại lục đối với hàng nhập khẩu từ Đài Loan cuối cùng sẽ phục hồi nhưng phải đến ít nhất là năm 2025 vì tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thị trường bất động sản vẫn suy thoái.