Thay vì theo đuổi các chính sách bảo hộ, Mỹ nên tập trung vào việc giảm rào cản và tăng cường quan hệ kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn, Mỹ nên ưu tiên tìm cách đảm bảo rằng tất cả người dân Mỹ đều có thể hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Làm vậy là cách tốt nhất để giúp đỡ người lao động tại Mỹ và trên toàn thế giới.
Tờ Foreign Affairs bình luận, hai ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ năm nay Kamala Harris và Donald Trump có tầm nhìn rất khác nhau về tương lai của Mỹ. Họ có quan điểm đối lập trong các vấn đề xã hội như phá thai. Họ không thống nhất về việc nên tăng hay giảm thuế, và có thể thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ theo 2 hướng trái ngược nhau, đặc biệt là khi nói về quan hệ liên minh với châu Âu.
Tuy nhiên, có 1 vấn đề mà cả 2 ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa đều đồng tình: chủ nghĩa bảo hộ. Trump đề xuất thuế quan trên diện rộng từ 10-20% đối với phần lớn các loại hàng hóa. Harris có phần chỉ trích thuế quan trên diện rộng, nhưng theo người phát ngôn của chiến dịch, bà sẽ vẫn “áp dụng thuế có mục tiêu và thuế chiến lược nhằm hỗ trợ người lao động Mỹ, củng cố nền kinh tế và buộc các đối thủ của chúng ta phải chịu trách nhiệm”.
Sự đồng thuận này không có gì đáng ngạc nhiên. Trong suốt thập kỷ qua, chủ nghĩa bảo hộ được lưỡng đảng ủng hộ. Trong 4 năm tại nhiệm, Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ cả đồng minh lẫn đối thủ. Tổng thống Joe Biden hứa mở ra một kỷ nguyên thương mại khác, cam kết quay lại chủ nghĩa đa phương. Song, Chính quyền Biden vẫn duy trì hầu hết các thuế quan của Trump, bổ sung thêm thuế mới và mở rộng điều khoản “mua hàng Mỹ” – yêu cầu các cơ quan liên bang phải mua các sản phẩm nội địa.
Theo Biden, Harris và Trump, những hạn chế này giúp bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ trước sự cạnh tranh từ nước ngoài. Họ lập luận rằng thuế quan có thể thúc đẩy an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục việc làm chân tay mà họ cho là đã biến mất do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump nói: “Tôi sẽ đàm phán lại các thỏa thuận thương mại thảm họa của chúng ta.
Chúng tôi sẽ chỉ tạo ra các thỏa thuận thương mại tuyệt vời đặt người lao động Mỹ lên hàng đầu. Và chúng ta sẽ đưa những người thợ mỏ và công nhân thép của chúng ta trở lại làm việc”.
Quả thực cạnh tranh từ nhập khẩu, cụ thể là từ Trung Quốc, khiến Mỹ mất việc làm trong ngành sản xuất. Nhưng các chính trị gia sai khi cho rằng chủ nghĩa bảo hộ giúp tạo ra việc làm. Một nghiên cứu được tiến hành trên cơ sở sử dụng dữ liệu thương mại và việc làm gần đây cho thấy cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không còn là yếu tố tác động đến việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ nữa. Mỹ đã ngừng cắt giảm việc làm trong ngành sản xuất từ sau thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 – rất lâu trước khi Washington bắt đầu áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Tỷ lệ việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ vẫn ổn định ngay cả khi lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2011-2018. Tỷ lệ này không đổi kể từ đó, ngay cả khi Trump áp thuế và lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm.
Nói cách khác, Mỹ đang chiến đấu trong một cuộc chiến thương mại đã qua. Các chính sách hiện tại của nước này được thiết kế cho một giai đoạn đã qua từ lâu và không giúp mở rộng thị trường lao động. Trên thực tế, những chính sách đó có thể đang kìm hãm việc làm. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả bài viết, hoạt động thương mại với các nền kinh tế đang phát triển giúp các nhà sản xuất của Mỹ tuyển dụng thêm lao động, chủ yếu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty này nhập khẩu linh kiện.
Do đó, Washington nên áp dụng một chiến lược khác. Thay vì theo đuổi các chính sách bảo hộ, họ nên tập trung vào việc giảm rào cản và tăng cường quan hệ kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn, Mỹ nên ưu tiên tìm cách đảm bảo rằng tất cả người dân Mỹ đều có thể hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Làm vậy là cách tốt nhất để giúp đỡ người lao động tại Mỹ và trên toàn thế giới.
Bỏ lỡ cơ hội
Bắt đầu từ những năm 1990, ngành sản xuất của Mỹ phải chịu sự cạnh tranh đáng kể từ Trung Quốc. Khoản đầu tư ngoạn mục của Bắc Kinh vào tăng trưởng kinh tế do xuất khẩu dẫn dắt và mức lương tương đối thấp khiến các ngành sản xuất kỹ năng thấp của Mỹ khó cạnh tranh hơn nhiều trên thị trường toàn cầu và trong nước. Kết quả là nhiều công ty Mỹ phải đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân.
Số lượng việc làm bị mất là đáng kể. Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế Robert Feenstra, Hong Ma và Yuan Xu, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh đã dẫn đến mất khoảng 1,5 triệu việc làm ở Mỹ trong giai đoạn 1991-2011. Tại những khu vực có nhiều công nhân bị ảnh hưởng, mức độ nghèo đói cũng như tỷ lệ nghiện ngập tăng vọt. Tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ giảm. Nhiều công nhân và người thân của họ chuyển sang ủng hộ Trump, người hứa hạn chế thương mại với các quốc gia khác và khôi phục việc làm. Sự ủng hộ của họ giúp Trump giành chiến thắng tại các tiểu bang truyền thống của đảng Dân chủ là Michigan, Pennsylvania và Wisconsin – và cuối cùng là Nhà Trắng.
Với tư cách là tổng thống, Trump cố gắng thực hiện lời hứa của mình. Ông áp thuế đối với Trung Quốc và Mexico. Ông bắt đầu đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Liên minh châu Âu (EU). Thuế quan làm giảm nhập khẩu, nhưng xuất khẩu của Mỹ cũng giảm. Quan trọng hơn, với tư cách là chương trình nghị sự tạo việc làm, thuế quan của Trump thất bại. Hóa ra, “cú sốc Trung Quốc” đã kết thúc từ trước khi Trump nhậm chức. Kể từ đó, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không có tác động đáng kể nào tới việc làm ở Mỹ. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả bài viết, thương mại với các quốc gia khác cũng không bao giờ gây tổn hại đến thị trường việc làm của Mỹ. Tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ không tăng dưới thời Trump, và cũng không tăng dưới thời người kế nhiệm.
Phản tác dụng
Thuế quan không hồi sinh, nhưng có thể kìm hãm ngành sản xuất của Mỹ. Trung Quốc chỉ đóng góp 16,5% tổng nhập khẩu của Mỹ. Phần còn lại đến từ các quốc gia khác, bao gồm một số nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Mexico, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Khi nhóm tác giả nghiên cứu thương mại của Mỹ với các thị trường mới nổi này, họ thấy rằng hàng nhập khẩu đóng góp tích cực cho việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ.
Từ năm 2011-2019, hàng nhập khẩu từ các nền kinh tế này tạo ra gần 500.000 việc làm cho người Mỹ, tập trung ở nhiều khu vực vốn mất việc làm vào tay Trung Quốc một thập kỷ trước. Lý do cho sự tăng trưởng này rất đơn giản: các nhà sản xuất lớn nhất và năng suất nhất của Mỹ có xu hướng sản xuất các mặt hàng phức tạp có đầu vào từ các nơi khác nhau trên thế giới. Do đó, họ có khoảng thời gian dễ chịu để phát triển và tuyển dụng khi hàng nhập khẩu có giá cả phải chăng.
Ngoài việc tạo ra nguy cơ các nhà xuất khẩu Mỹ có thể phải đối mặt với biện pháp thuế trả đũa, việc Washington ám ảnh với thuế quan làm chệch hướng sự chú ý khỏi thế mạnh của đất nước trong lĩnh vực dịch vụ. Ngành dịch vụ cho doanh nghiệp – như phần mềm, kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển (R&D), và dịch vụ tài chính – sử dụng lao động nhiều hơn gấp đôi so với ngành sản xuất và với mức lương trung bình cao hơn. Các ngành này cung cấp hàng triệu việc làm cho những lao động không có bằng đại học. Nhiều ngành trong số này cũng xuất khẩu, và nhiều doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực này là những công ty dẫn đầu toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đặt ra rào cản cao đối với thương mại dịch vụ, hạn chế cơ hội của người Mỹ. Thay vì tăng thuế quan lên hàng hóa, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tập trung vào việc giảm các trở ngại đối với thương mại dịch vụ – điều này có thể giúp tạo ra nhiều việc làm hơn trong ngành dịch vụ cho doanh nghiệp.
Thương mại dịch vụ giúp tạo ra việc làm cho người Mỹ là tin tốt cho cả lao động Mỹ lẫn lao động nước ngoài vốn sản xuất hàng hóa để xuất khẩu vào Mỹ. Điều đó có nghĩa là mọi người đều hưởng lợi khi Mỹ tham gia thương mại toàn cầu. Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng các đề xuất áp thuế, đặc biệt là thuế trên diện rộng như Trump tuyên bố, đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ có thể dễ dàng gây tổn hại cho cả lao động Mỹ và lao động nước ngoài.
Một số học giả và quan chức, những người chấp nhận rằng thuế quan có những hạn chế về kinh tế, nhưng vẫn tin rằng thuế quan cần thiết cho an ninh quốc gia.
Họ lập luận rằng Washington phải cắt giảm thương mại với Trung Quốc để tránh việc tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh, và để đảm bảo các ngành công nghiệp của Mỹ không bao giờ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng thuế quan, giống như bất kỳ biện pháp bảo hộ nào khác, là công cụ kém hiệu quả trong giải quyết các quan ngại về an ninh quốc gia. Để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng quan trọng đối với an ninh quốc gia, các quan chức Mỹ nên theo đuổi các chính sách thay thế rõ ràng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trong khi giảm thiểu tối đa chi phí kinh tế.
Trên thực tế, thuế quan trên diện rộng có thể khiến Mỹ trở nên kém an toàn hơn. Nếu Washington áp dụng các biện pháp bảo hộ rộng rãi và bừa bãi, các nước khác có thể phản ứng tương tự. Một cuộc chiến thương mại như vậy sẽ gây bất ổn. Như nhiều nhà khoa học chính trị đã chỉ ra, thương mại hàng hóa và dịch vụ giúp thúc đẩy hòa bình bằng cách ràng buộc các nền kinh tế lại với nhau, đòi hỏi các quốc gia phải áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ chung, và yêu cầu các quan chức phải hợp tác với nhau. Do đó, việc cắt đứt hay làm suy yếu các mối quan hệ này sẽ làm tăng nguy cơ xung đột.
Tất cả những điều này không có nghĩa là Biden, Harris hay Trump đã sai khi lo lắng về những khó khăn của người lao động và các công ty Mỹ. Tuy nhiên, xét cho cùng thì những thách thức của Mỹ không nằm ở bản thân quá trình toàn cầu hóa mà nằm ở thực tế là lợi ích của quá trình này chảy quá nhiều vào túi những người khá giả. Thay vì rút khỏi nền kinh tế toàn cầu, Washington nên ưu tiên trang bị cho lực lượng lao động của mình những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới ngày càng kết nối. Họ nên đặc biệt chú ý đến việc đào tạo những lao động không có bằng đại học, những người thường gặp khó khăn hơn khi tìm việc.
Ví dụ, Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ – dự luật trị giá 280 tỷ USD được thông qua năm 2022 để thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất của Mỹ – đã sáng suốt mở rộng sự hỗ trợ cho các trường cao đẳng cộng đồng, chương trình dạy nghề và các viện nghiên cứu. Các chính sách như vậy là rất cần thiết để trang bị cho người lao động những công việc cho phép họ có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, các nhà tuyển dụng nên chú trọng tuyển người dựa trên kỹ năng hơn là hồ sơ cá nhân. Bằng đại học không phải con đường duy nhất để có những kỹ năng giá trị. Trên thực tế, 51% người lao động ở Mỹ đã phát triển kỹ năng thông qua các con đường khác, chẳng hạn như các chương trình đào tạo, quân đội và cao đẳng cộng đồng.
Ngược lại, chủ nghĩa bảo hộ mang tính phản ứng chỉ cứu trợ tạm thời cho các khu vực và ngành công nghiệp khó khăn. Để xây dựng một nền kinh tế bền vững, Washington nên thông qua nhiều biện pháp phát triển lực lượng lao động và kỹ năng hơn như những biện pháp trong Đạo luật CHIPS và Khoa học. Làm như vậy là cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Mỹ, thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của đất nước, và đưa Mỹ đến thành công lâu dài.
Trần Quyên