Trong khi kinh tế Mỹ bị tác động nặng nề bởi đại dịch, ngày 18/8, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ tiếp tục tăng giá với các chỉ số S&P 500 và NASDAQ đạt mức cao kỷ lục lần lượt là 3.389,78 và 11.210,84. Lý do gì thị trường Phố Wall phớt lờ thực trạng suy thoái của nền kinh tế? Có một cách lý giải là do giá trị thị trường của các công ty công nghệ Mỹ tăng cao trong bối cảnh đại dịch hoành hành, đẩy hầu hết các chỉ số chứng khoán trở về mức trước đại dịch. Hiện nay, 5 tập đoàn công nghệ khổng lồ bao gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook chiếm hơn 1/5 chỉ số S&P 500. Mức độ tập trung cao này là dễ hiểu vì các tập đoàn công nghệ này có thành tích tốt hơn trên thị trường nhờ sự tăng trưởng kinh doanh ấn tượng trong suốt thời gian đại dịch. Tuy nhiên, bức thông điệp quan trọng hơn ẩn sau kết quả tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây đó là cấu trúc kinh tế của Mỹ đang diễn ra sự chuyển đổi lớn lao trong bối cảnh đại dịch, thậm chí kinh tế thế giới có thể sẽ chứng kiến lĩnh vực công nghệ đóng vai trò to lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần.
Trong bối cảnh đang diễn ra sự chuyển đổi kinh tế sâu sắc, nỗ lực gần đây của chính quyền Trump thúc đẩy phân tách về công nghệ có những hàm ý chiến lược thậm chí sâu rộng hơn rất nhiều. Trong quá khứ, chính phủ Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các tập đoàn chế tạo khổng lồ ở trong nước bao gồm Boeing dù bị chỉ trích từ nhiều giới. Hiện nay, khi các công ty công nghệ cao trở thành động lực mới của tăng trưởng, chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ nỗ lực bảo đảm sự thống trị của các công ty Mỹ trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế toàn cầu mới. Trên tinh thần đó, việc chính quyền Tổng thống Trump trấn áp các công ty công nghệ Trung quốc có thể được xem như là một phần trong nỗ lực củng cố lợi thế cạnh tranh của các công ty công nghệ cao của Mỹ, từ đó giúp các công ty này có thể đẩy nhanh sự mở rộng trên quy mô toàn cầu và sự thống trị về công nghệ. Mỹ vừa tuyên bố tiếp tục thắt chặt sự hạn chế với tập đoàn Hoa Vi nhằm cắt bỏ nguồn cung giao dịch thương mại con chip điện tử; ra lệnh yêu cầu ứng dụng truyền thông xã hội TikTok phải bán mảng kinh doanh ở Mỹ cho doanh nghiệp Mỹ trong khung thời gian xác định. Tất cả các động thái này rõ ràng là nhằm bóp nghẹt sự phát triển của các công ty công nghệ thành công nhất của Trung Quốc.
Nếu Mỹ tiếp tục trấn áp các công ty Trung Quốc trong những tháng tới, dù kết quả cuộc bầu cử tổng thống sẽ như thế nào, các công ty công nghệ cao của Mỹ sẽ giành được những lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn, từ đó giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra thuận lợi hơn. Hơn nữa, khi các công ty Trung Quốc bị tổn hại nặng nề từ các đòn tấn công của Mỹ, khoảng cách công nghệ trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được sử dụng như công cụ gây sức ép buộc Trung Quốc phải có nhân nhượng lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ. Như vậy, việc Mỹ theo đuổi phân tách công nghệ với Trung Quốc có thể là một mưu đồ chính trị nhằm đạt được thị phần lớn hơn trong tương lai. Trong bối cảnh đó, ngoài việc đòi hỏi phái có sự đối xử công bằng hơn giữa các công ty, Trung Quốc cần đẩy mạnh sự phát triển của các công ty công nghệ của chính mình. Rốt cuộc, các công ty công nghệ Trung Quốc đứng trước yêu cầu khẩn thiết hơn bao giờ hết là phải nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ nhằm tìm cho mình lối thoát khỏi sự đối đầu công nghệ ngày càng trở nên gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)