Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), tỷ trọng thanh toán của đồng NDT trên toàn cầu trong tháng 9 tăng lên 2,19%, xếp thứ 5 thế giới, con số này tăng 0,22% so với mức 1,97% của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dữ liệu về “cơ cấu tiền tệ của dự trữ ngoại tệ chính thức (COFER)” do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cuối tháng Chín cũng cho thấy, tỷ trọng đồng NDT trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng từ mức 2,45% trong quý I lên 2,61% trong quý II/2021, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại sao thị trường lại hâm nóng chủ đề đồng NDT thách thức địa vị đồng USD? Sự tràn ngập của đồng USD dẫn đến sự lo lắng của các nước, những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với ổn định kinh tế của các nước mới nổi gây nên từ hiệu ứng tràn của chính sách tiền tệ Mỹ cũng là vấn đề mấu chốt.
Trong hơn một năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã in hơn 4.000 tỷ USD để ứng phó với dịch COVID-19. Con số này bằng 1/5 nguồn cung USD của Mỹ. Hành động in tiền không kiểm soát không chỉ trở thành chất xúc tác của lạm phát toàn cầu, mà còn làm suy yếu lòng tin của mọi người đối với đồng USD, thậm chí làm lung lay vị trí thống trị của đồng USD.
Tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn cầu Bund lần thứ 3 được tổ chức ở Thượng Hải vào cuối tháng Mười, dường như tất cả các chuyên gia kinh tế tham dự đều đồng ý rằng trong ngắn hạn không có bất cứ đồng tiền nào có thể đe dọa địa vị của đồng USD. Tuy nhiên, hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ không vĩnh viễn dựa vào sự chi phối của USD.
Trong tương lai, các loại tiền tệ bao gồm tiền mã hóa mới nổi, euro và NDT… đều có cơ hội phát huy sức ảnh hưởng, phá vỡ hiện trạng độc tôn của đồng USD, nhưng điều này cần một thời gian khá dài.
Theo Chinatimes, dưới tiền đề nghi ngờ địa vị dài hạn của đồng USD, một số chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nếu đồng NDT muốn thách thức USD, có thể bắt từ điểm yếu dư thừa thanh khoản của đồng USD, mô phỏng chế độ vàng bản vị trong quá khứ, quay lại neo đồng NDT vào vàng.
Bởi vì trên cơ sở lấy vàng làm tiêu chuẩn dự trữ để phát hành tiền tệ, có thể đảm bảo số lượng phát hành NDT không vượt quá giá trị, nhận được tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao mức độ sẵn sàng giao dịch và sử dụng của đồng NDT. Mặc dù ý tưởng này rất tốt, nhưng không phù hợp thực tế.
Một mặt, tuy chế độ vàng bản vị có thể tránh được việc phát hành tiền tệ quá mức, kiềm chế lạm phát, nhưng do việc phát hành tiền tệ phải gắn chặt với vàng nên ngân hàng trung ương cần có dự trữ vàng đầy đủ, nếu không hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ giảm đáng kể.
Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), tuy dự trữ vàng của Trung Quốc tăng dần từng năm, nhưng tổng lượng dự trữ tích trữ đến cuối tháng 9 là 1.948,3 tấn, xếp thứ 6 thế giới. Con số này không những thấp hơn Đức, Pháp, Italy, mà còn chưa bằng 1/4 so với con số 8.133,5 tấn của nước dự trữ số một toàn cầu là Mỹ. Điều này cho thấy việc áp dụng chế độ vàng bản vị không những “trói tay trói chân” chính sách tiền tệ của Trung Quốc, mà còn sẽ bị Mỹ dẫn dắt, và đây là điều Trung Quốc không muốn.
Mặt khác, những khiếm khuyết dẫn đến sự tan rã của chế độ vàng bản vị vẫn tồn tại. Điều này nghĩa là cùng với việc kinh tế toàn cầu phát triển nhanh chóng, nhu cầu tiền tệ khổng lồ cũng phát sinh tương ứng, vàng thiếu nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu. Ngay cả một nước có sức mạnh quốc gia đạt đỉnh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai như Mỹ cuối cùng cũng phải chấm dứt việc hoán đổi tự do giữa USD và vàng dưới sức ép của nhu cầu tiền tệ.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng cao, những hạn chế cố hữu của chế độ vàng bản vị sẽ càng khó phá vỡ và giải quyết hơn. Hiện nay Trung Quốc đang thúc đẩy một loạt cải cách kinh tế, cần sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt hơn, nếu để NDT neo vào vàng thì chẳng khác gì “mua dây buộc mình”.
Hệ thống tiền tệ quốc tế do đồng USD thống trị từ trước đến nay đang vấp phải sự hoài nghi và thách thức của các bên do vấn đề dư thừa thanh khoản. Chế độ vàng bản vị thoạt nhìn có thể giải quyết được điểm yếu này, nhưng mô hình vận hành đã quá lạc hậu, không những tồn tại khiếm khuyết cơ bản, mà còn không phù hợp với nhịp điệu phát triển kinh tế hiện đại.
Đồng NDT nên tiếp cận bằng cách thức khác để thách thức đồng USD, trong đó NDT kỹ thuật số là một lộ trình có cơ hội nhất trong số các lựa chọn. Đồng NDT kỹ thuật số có thể thoát khỏi khung thống trị của đồng USD hiện nay, cơ cấu lại một hệ thống tiền tệ quốc tế mới. Và điều quan trọng hơn là việc số hóa hệ thống tiền tệ toàn cầu đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược đang được nhiều nước đầu tư tích cực, trong xu hướng này, rõ ràng Trung Quốc có lợi thế dẫn đầu so với Mỹ.
Đồng tiền kỹ thuật số của hầu hết các nước vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, nhưng Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc thí điểm sử dụng ở nhiều địa phương, đồng thời đạt được những tiến triển đột phá ở góc độ người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), đã có 140 triệu ví điện tử cá nhân, 10 triệu ví điện tử doanh nghiệp NDT kỹ thuật số được mở với khối lượng giao dịch đạt hơn 62 tỷ NDT. Đồng NDT kỹ thuật số đã chuẩn bị sẵn sàng, sẽ trở thành tiên phong của thế hệ tiền tệ tiếp theo, đồng thời là vũ khí sắc bén để thách thức đồng USD.
Tuy nhiên, mặc dù đồng NDT kỹ thuật số đi đầu, nhưng phần lớn ứng dụng vẫn chủ yếu tập trung ở trong nước, do đó cần phải mở rộng ra nước ngoài để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp quốc tế tham gia và sử dụng mới có thể mở rộng thị trường quốc tế của đồng NDT kỹ thuật số. Như vậy, chưa thể gọi là quốc tế hóa, nói chi đến thách thức địa vị của đồng USD và đây rất có thể sẽ là vấn đề Trung Quốc sẽ chú ý trong thời gian tới.
Thạch Bình