Theo một văn kiện do Nhà Trắng công bố ngày 13/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp về việc kéo dài lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba thêm 1 năm. Sắc lệnh hành pháp nêu rõ quyết định này phù hợp với những “lợi ích quốc gia” của Mỹ.
Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại Cuba vào năm 1962. Năm 2015, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama đã tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao với quốc đảo Caribe này và mở lại đại sứ quán ở cả hai nước. Chính quyền Obama cũng nới lỏng cấm vận thương mại và loại bỏ một số hạn chế về du lịch, chuyển tiền và quy định về hải quân. Tuy nhiên, ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump thông báo chính quyền của ông sẽ xem xét lại những chính sách của chính quyền tiền nhiệm về vấn đề Cuba.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo sẽ sửa đổi Quy chế Kiểm soát tài sản của Cuba, bao gồm các biện pháp ngăn chặn Chính phủ đảo quốc Caribe tiếp cận ngoại tệ, vốn được Washington tuyên bố là biện pháp trừng phạt do sự ủng hộ của Cuba dành cho chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Các biện pháp mới bổ sung sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi được đăng trên Công báo Liên bang.
Theo thông báo, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp đặt giới hạn 1.000 USD với mỗi lần kiều dân Cuba gửi tiền về nước cho người thân. Ngoài ra, cơ quan này cũng cấm chuyển tiền cho người thân của các quan chức nằm trong “danh sách đen”. Các quy định mới cũng bao gồm xóa bỏ việc cho phép gửi tiền với hình thức viện trợ, nhưng tiếp tục cho phép gửi một lượng kiều hối có giới hạn cho một số cá nhân cụ thể và các tổ chức không trực thuộc chính phủ, nhằm khuyến khích sự gia tăng của khu vực lao động tư nhân không phụ thuộc vào nhà nước.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã lên tiếng phản bác các biện pháp siết chặt cấm vận mới này của Mỹ, khẳng định cấm vận sẽ không thể khuất phục được ý chí của nhân dân Cuba và càng làm tăng thêm sự phản đối toàn cầu chống lại cuộc bao vây, cấm vận đã kéo dài gần 6 thập kỷ qua./.
Nguồn: TTXVN.