Mỹ, EU, Canada và Nhật Bản đề xuất sáng kiến về minh bạch thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12)

0
95
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Ngày 27/7/2021, Inside Trade dẫn tin cho biết 4 thành viên lớn của WTO vào tuần này đã đề xuất các nghĩa vụ minh bạch mới trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là về hạn chế và cạnh tranh xuất khẩu, hỗ trợ trong nước và tiếp cận thị trường. Các cấu phần này được cho là một phần của thỏa thuận về tính minh bạch sẽ được thúc đẩy để đạt được trong Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp tới.

Theo thông tin của Inside Trade, đề xuất này được cho là “cơ sở cho một kết quả minh bạch tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12”, trong đó Mỹ cho rằng các nước thành viên nên tập trung vào một thỏa thuận minh bạch khả thi nhất cho MC12, hơn là sa lầy vào các mục tiêu tham vọng khác như các chương trình làm việc hoặc giải pháp cho các vấn đề nông nghiệp khác. Đề xuất này được cho là nhằm hợp lý hóa quy trình thông báo trong Ủy ban Nông nghiệp, cập nhật một số nghĩa vụ và bổ sung các cam kết mới, tập trung vào 05 lĩnh vực: hạn chế và cấm xuất khẩu, cạnh tranh về xuất khẩu, bông, hỗ trợ trong nước và tiếp cận thị trường.

Dự thảo sẽ thiết lập một cơ chế thông báo về cạnh tranh xuất khẩu mới và hợp lý hơn, trong đó sẽ kết hợp thông tin cạnh tranh xuất khẩu theo yêu cầu của Thỏa thuận về Nông nghiệp và Tuyên bố Bộ trưởng và Quyết định Bộ trưởng Nairobi. Cụ thể, thông báo mới sẽ bao gồm các yêu cầu báo cáo đối với 4 cấu phần nằm trong danh sách các câu hỏi về cạnh tranh và trợ cấp xuất khẩu: (i) Trợ cấp xuất khẩu; (ii) Tài trợ xuất khẩu; (iii) Viện trợ thực phẩm quốc tế; (iv) Doanh nghiệp thương mại quốc doanh về xuất khẩu nông sản. Về hỗ trợ trong nước, đề xuất sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung thông tin trong các thông báo. Đối với các thông tin mới, các nước thành viên cần nêu rõ các khoản trợ cấp và phân loại chúng theo các nhóm biện pháp hoặc chương trình.

Đề xuất cũng hướng dẫn các nước thành viên về cách tính toán và thông báo về mức hỗ trợ cụ thể, đặc biệt kêu gọi việc đưa vào thông báo giá trị sản xuất các sản phẩm riêng lẻ và có liên quan của tất cả các sản phẩm nông nghiệp nhằm minh bạch hơn trong tính toán về mức hỗ trợ tối thiểu. Theo đó, các nước phát triển được phép hỗ trợ tới 5% giá trị sản xuất, trong khi các nước đang phát triển có thể hỗ trợ tới 10%.

Về tiếp cận thị trường, đề xuất cho biết nước thành viên sẽ cần đưa vào tỷ lệ lấp đầy trong các hạn ngạch thuế quan, cũng như các mức thuế liên quan được áp dụng cho các sản phẩm cả trong và ngoài hạn ngạch. Trong các báo cáo về biện pháp phòng vệ, các nước cần đưa vào số lượng hàng hóa bị ảnh hưởng.

Theo Inside Trade, Ban thư ký WTO sẽ có nhiệm vụ tổng hợp một số loại thông tin, trong đó có cả các hỗ trợ kỹ thuật về khối lượng và giá trị xuất nhập khẩu của các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở của mỗi nước thành viên cũng như tình hình xuất khẩu các mặt hàng chính.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here