Ngày 28/5, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) đã bỏ phiếu thông qua Luật an ninh quốc gia về Hong Kong. Liên quan đến vấn đề này, gần đây một số chính khách Mỹ đã nhiều lần kêu gọi phải áp dụng các biện pháp trừng phạt, điều này khiến dư luận quốc tế quan ngại Hong Kong sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức tài chính nghiêm trọng trong thời gian tới, mở ra các cuộc tranh luận về vấn đề liệu Hong Kong có thể giữ vững vị thế trung tâm tài chính toàn cầu hay không?
Một số phương tiện truyền thông của Hong Kong dự báo Luật an ninh quốc gia về Hong Kong là xu thế tất yếu và việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt là điều không thể tránh khỏi. Hong Kong vốn là “ngôi nhà an toàn” của thị trường tài chính nhưng hiện giờ đã trở thành “chiến trường nóng bỏng”. Ngược lại, giới tài chính quốc tế và Hong Kong đều tỏ ra rất lạc quan, thậm chí có người còn cho rằng Hong Kong đã từng trải qua sóng gió nhưng vị thế tài chính vẫn không hề suy chuyển. Quan điểm chung của mọi người là Mỹ có lợi ích rất lớn tại Hong Kong, nếu ra tay thì sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, thậm chí là “tự lấy đá ghè chân mình”.
Hong Kong là “cửa sổ mở ra vốn đầu tư toàn cầu” của Trung Quốc
Ngày 27/1, Euronews đưa tin Hong Kong xếp thứ 3 về chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu, với hơn 160 ngân hàng và công ty bảo hiểm, chỉ đứng sau New York và London. Quan trọng hơn là Hong Kong được hỗ trợ bởi thị trường khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khoảng 70% thanh toán xuyên biên giới của đồng nhân dân tệ đều thông qua hệ thống thanh toán của Hong Kong. Mấy năm gần đây, sáng kiến “Vành đai và Con đường” và việc xây dựng Vùng Vịnh lớn của Trung Quốc đều hướng đến mục đích mở rộng không gian phát triển của Hong Kong.
Vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong là không thể thay thế. Tờ Financial Times của Anh cho rằng ngoài việc bảo đảm về luật pháp, Hong Kong còn có rất nhiều yếu tố quan trọng như mức thuế tương đối thấp, dòng tiền tự do luân chuyển, trao đổi tiền tệ thuận tiện, và có một lượng lớn nhân viên kiểm toán, luật sư và các dịch vụ môi giới khác.
Người đứng đầu Tập đoàn tài chính đến từ Hanover-Đức có trụ sở tại Hong Kong, Stilken cho rằng thị trường tài chính Hong Kong hoàn toàn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông rất hài lòng với cuộc sống hàng ngày tại Hong Kong, mỗi dịp cuối tuần đều cùng gia đình đi biển hoặc dã ngoại ở ngoại ô. Theo Stilken, mặc dù những tác động đối với doanh nghiệp Đức trong những năm gần đây không lớn, nhưng hình ảnh quốc tế của Hong Kong đã bị ảnh hưởng. Ông tin tưởng rằng một Hong Kong từng chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ thị trường tài chính có đủ năng lực để chống chọi áp lực, nhất định sẽ trở lại ổn định.
Theo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) do Tập đoàn Z/Yen Group công bố vào tháng 3 năm nay, Hong Kong rơi xuống vị trí thứ 6 trong số các trung tâm tài chính chủ chốt toàn cầu, New York và London lần lượt xếp vị trí thứ 1 và thứ 2, Tokyo xếp vị trí thứ 3, Thượng Hải tăng một bậc lên vị trí thứ 4, Singapore thứ 5, Bắc Kinh thứ 7 và Thâm Quyến đứng ở vị trí thứ 11. Một trang web tài chính ở Singapore đã dẫn lời một nhà đầu tư tài chính ở Hong Kong cho biết mặc dù thứ hạng của Hong Kong suy giảm, nhưng tính đặc thù của Hong Kong là điều mà các khu vực khác của Trung Quốc không thể mô phỏng được. Hong Kong vẫn là thị trường lớn nhất của Standard Chartered và thứ 4 của Citigroup. Ngoài ra, điều mà truyền thông Singapore quan tâm là hai trung tâm tài chính lớn Hong Kong và Singapore sẽ tiếp tục cạnh tranh nhau quyết liệt, trong đó các ngân hàng tư nhân toàn cầu như Credit Suisse, UBS, cũng như các công ty quản lý tài sản châu Á đều triển khai nghiệp vụ tài chính tại hai đầu mối quan trọng này.
Giảng viên cao cấp Học viện kinh doanh Olin, Đại học Washington, David Meyer đã có bài viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng vào tháng 10/2019 phân tích tại sao vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong vẫn an toàn và được bảo hiểm tuyệt đối. Meyer viết: “Mặc dù Hong Kong xảy ra bạo loạn, nhưng hãy nhớ rằng phần lớn các trung tâm tài chính quan trọng hàng đầu trên thế giới như New York, London, Paris cũng từng trải qua bạo loạn. Những thành phố lớn này không thể tránh khỏi tình trạng chênh lệch giàu nghèo: từ giới tài chính, doanh nghiệp và quản lý có thu nhập cao cho đến số lượng lớn nhân viên phục vụ thuộc tầng lớp dưới.
Có 4 nguyên nhân khiến Hong Kong trở thành cửa sổ mở ra vốn đầu tư toàn cầu của Trung Quốc và là trung tâm tài chính tài chính lớn thứ 3 an toàn và đáng tin cậy của thế giới: Một là, cho dù phải đối mặt với bất cứ thách thức nào, Trung Quốc cũng sẽ không để trật tự an ninh nội bộ của Hong Kong bị sụp đổ, ủng hộ tuyệt đối chính quyền đặc khu duy trì chính sách “một nước, hai chế độ”; hai là, Hong Kong đã thu hút được số lượng lớn doanh nghiệp, công ty tài chính trên thế giới; ba là, vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là không thể thay thế; bốn là, Bắc Kinh kiên trì ủng hộ vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong.
Hãng tin Bloomberg cũng đã so sánh một số đối thủ cạnh tranh của Hong Kong: Sydney vẫn còn khoảng cách khá xa đối với các ngân hàng toàn cầu. Seoul, Bangkok và Kuala Lumpur là những địa điểm du lịch tốt, nhưng quy mô cơ sở hạ tầng tài chính tương đối nhỏ, không thể so sánh với Hong Kong.
Học giả Lưu Vân cho rằng hệ thống tài chính Hong Kong đã ở thế lớn mạnh không thể sụp đổ. Từ khi trở về Đại lục, Hong Kong đã trải qua một số kiểm nghiệm như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, dịch SARS năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008…, kiểm chứng sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính Hong Kong. Học giả Lưu Vân cho rằng những năm 1990, các quốc gia châu Âu đã từng bước chuyển ngành sản xuất đến Hong Kong, đồng thời dòng vốn của Hong Kong cũng chảy mạnh vào Trung Quốc đại lục.
Sau khi trở về Đại lục vào năm 1997, Hong Kong đã có đủ năng lực và sức mạnh để chống lại phần lớn các rủi ro. Sở dĩ vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của Hong Kong có thể ổn định vững chắc được như vậy là do rất nhiều nguyên nhân: So với hai sàn giao dịch chứng khoán lớn của Trung Quốc đại lục, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong là một sự bổ sung quan trọng; do vị trị địa lý đặc biệt, thị trường tài chính Hong Kong có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường vốn Đông Nam Á, dòng vốn hùng hậu của Đại lục đã phát tín hiệu đến khu vực Đông Nam Á thông qua thị trường cổ phiếu Hong Kong, dòng vốn Đông Nam Á cũng hào hứng trong việc đầu tư vào thị trường Hong Kong-một thị trường thuận tiện, cởi mở và tự do nhất trong khu vực. Điều quan trọng hơn là Hong Kong dựa vào Đại lục, chỉ cần Hong Kong có nhu cầu, chính quyền trung ương sẽ đáp ứng đầy đủ, hỗ trợ ngăn chặn các nhà đầu cơ, và đây là đặc trưng mà các trung tâm tài chính khác trên toàn cầu không có được. Lưu Vân nói: “Nếu thị trường tài chính Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh xảy ra khủng hoảng lớn thì sẽ không nhận được sự hỗ trợ trợ của các lực lượng khác”.
Mỹ không có lợi khi “hòn ngọc phương Đông” suy yếu
Hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp và 85.000 người Mỹ làm ăn, sinh sống tại Hong Kong. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Am Cham) tại Hong Kong, Robert Grief phát biểu: “Nếu nền tảng trung tâm thương mại và tài chính quốc tế quan trọng của Hong Kong suy yếu thì các bên đều không có lợi”. Tờ The Diplomat tháng 5/2019 có bài viết cho rằng Hong Kong là đối tác thương mại lớn thứ 19 của Mỹ, là khu vực đóng góp lớn nhất cho thặng dư thương mại của Mỹ, và cũng là một trong những địa điểm kinh doanh chính của các doanh nghiệp Mỹ tại khu vực châu Á. Hiện Mỹ có 290 doanh nghiệp đặt trụ sở khu vực và 434 doanh nghiệp đặt văn phòng khu vực tại Hong Kong. Bài viết đã đặt ra những câu hỏi như “Lợi ích của Mỹ tại Hong Kong ở đâu?”, “Hong Kong có phải là tiền đồn chống Trung Quốc của Mỹ?”, hay “Hong Kong là cầu nối hoặc cửa sổ tài chính và kinh tế của Mỹ?”, đồng thời cảnh báo: “Có lẽ chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Hong Kong không phù hợp với lợi ích của các bên, trong đó có Mỹ. Duy trì thuộc tính Hong Kong là “hòn ngọc phương Đông”, chứ không phải là tiền đồn chống Trung Quốc của Washington, mới phù hợp với lợi ích của cả Hong Kong và Mỹ”.
Trong Đạo luật chính sách Mỹ-Hong Kong, Mỹ thừa nhận Hong Kong là khu vực thuế quan độc lập, đây cũng là quy định trong thỏa thuận có liên quan của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo CNN, nếu Hong Kong mất đi địa vị khu vực thuế quan độc lập, thuế suất ưu đãi giữa Mỹ và Hong Kong có thể sẽ bị hủy bỏ, điều này đe dọa đến 67 tỷ USD kim ngạch thương mại dịch vụ và hàng hóa song phương. Hơn nữa, Hong Kong là khu vực mang lại thặng dư thương mại hàng hóa song phương lớn nhất của Mỹ trong năm 2019 với 26,1 tỷ USD. Do là cảng trung chuyển, nên năm 2018, Hong Kong là thị trường xuất khẩu rượu lớn thứ 3, thị trường xuất khẩu thịt bò lớn thứ 4 và thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 7 của Mỹ.
Ngày 28/5, chuyên gia kinh tế Hong Kong, Viện trưởng Viện nghiên cứu Con đường Tơ lụa, Lương Hải Minh cho biết nếu Mỹ đơn phương hủy bỏ địa vị khu vực thuế quan độc lập của Hong Kong thì sẽ tác động mạnh đến thị trường kinh tế và thương mại của vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, số liệu cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hong Kong sang Mỹ hàng năm chỉ đạt 500 triệu USD, ngoại thương của Hong Kong không phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Ngược lại, thặng dư thương mại của Mỹ với Hong Kong đạt 297 tỷ USD trong 10 năm qua, riêng năm 2018 vượt 30 tỷ USD. Do đó, nếu Chính phủ Mỹ áp dụng biện pháp này thì họ chính là bên bị tổn thương nhiều nhất. Lương Hải Minh cho rằng nếu Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Hong Kong, thì không chỉ làm cho các doanh nghiệp phương Tây, trong đó có Mỹ mất đi nguồn lợi nhuận dồi dào từ thị trường này, mà thậm chí các khoản đầu tư trước đây tại Hong Kong cũng sẽ không còn. Hơn nữa, những tổ chức tài chính này cũng sẽ mất đi lợi nhuận từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai. Các doanh nghiệp Mỹ, giới kinh doanh phố Wall và những “kẻ săn mồi” tài chính sẽ không vì quyết định chính trị của Chính phủ Mỹ và tính toán bầu cử của cá nhân Tổng thống Trump mà làm tổn hại đến lợi ích kinh doanh to lớn của mình.
Học giả Lưu Vân nhấn mạnh đặc điểm lớn nhất của cơ chế tài chính Hong Kong là sự đảm bảo đầy đủ, phong phú và minh bạch về thông tin. Do tác động của dịch bệnh, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) tồn tại rủi ro rất lớn, xét trên phạm vi toàn thế giới, Hong Kong là trung tâm tài chính quốc tế ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nguồn vốn cần phải lưu thông, và Hong Kong là sự lựa chọn tốt nhất vào thời điểm này. Mặc dù Mỹ ban hành các quy định pháp lý rõ ràng hạn chế các doanh nghiệp Mỹ đầu tư hoặc kinh doanh tại Hong Kong, nhưng do tính chất sinh lời của dòng vốn, các doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ có đối sách.
Giá trị thương hiệu được các nhà đầu tư nước ngoài coi trọng
David Hagrid, hoạt động trên lĩnh vực tài chính đã đến Hong Kong vào những năm 1980, khi đó ông hiểu biết rất ít về Trung Quốc đại lục nên cho rằng cơ hội kinh doanh rất hạn chế. Đến nay, David Hagrid đã thiết kế tầng một của tòa nhà văn phòng ở London thành câu lạc bộ để quảng bá quốc tế các thương hiệu của Trung Quốc ra thế giới. Ông thường mời các đối tác Trung Quốc đến thưởng thức trà Phổ Nhĩ mà mình sưu tầm được. Về vấn đề vị thế tài chính của Hong Kong suy giảm, trong khi các thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Thâm Quyến… thăng hạng, David Hagrid cho rằng: rất nhiều thành phố của Trung Quốc có điều kiện và văn hóa để thu hút đầu tư nước ngoài, đó là lý do tại sao Trung Quốc có thể phát triển mạnh trong quá khứ. Đối với Hong Kong, rất nhiều người Anh thích mảnh đất này, bởi vì mọi người cảm thấy phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ và môi trường kinh doanh quốc tế tại đây. Rất nhiều doanh nghiệp Anh coi Hong Kong là cửa ngõ đầu tiên để bước vào thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và thương mại tại nước ngoài của Đức AHK, hiện Hong Kong có khoảng 700 công ty của Đức, triển khai nghiệp vụ kinh doanh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuần san kinh tế của Đức ngày 2/11/2019 đã đăng một bài viết với tiêu đề “Hong Kong rất có sức hút đối với các công ty của Đức”, đã phân tích lý do tại sao các doanh nghiệp của Đức lại ưa thích Hong Kong, trong đó gồm sự bảo đảm về mặt pháp luật, môi trường sáng tạo cởi mở… Florian Lupe- học giả người Đức chuyên nghiên cứu về Trung Quốc năm nào cũng đến Hong Kong – cho biết vị thế tài chính của Hong Kong là không thể lay chuyển, có lợi thế to lớn là thị trường nội địa Trung Quốc hậu thuẫn phía sau, đồng thời có dáng dấp của ngành công nghiệp tài chính của Mỹ và châu Âu. Ông cho rằng cơ chế tài chính của Hong Kong sau khi trở về Trung Quốc vẫn không thay đổi trong bối cảnh “một nước, hai chế độ”. Theo đánh giá của Milton Friedman – chuyên gia kinh tế đã giành giải Nobel, Hong Kong vẫn là hình mẫu tốt nhất của chủ nghĩa tư bản tự do.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 27/5 đã dẫn lời Simon-Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Carlton James, “Việc xây dựng Luật an ninh quốc gia về Hong Kong sẽ không thể ngăn cản đầu tư của chúng tôi vào Hong Kong. Rõ ràng, đối với các nhà đầu tư toàn cầu như Simon, rất có thể họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thông qua Hong Kong. Theo Reuters, một chuyên viên cao cấp làm việc cho một ngân hàng tư nhân ở châu Âu quản lý khối tài sản hơn 200 tỷ USD cho biết mặc dù đã có một số khách hàng đã triển khai “kế hoạch B” khi Hong Kong xảy ra làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ vào năm ngoái, nhưng họ không rút toàn bộ tài sản ra khỏi thị trường Hong Kong.
Tờ Washington Post dẫn lời của Jeff Moon, cựu quan chức ngoại giao chuyên về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, gần đây mặc dù có doanh nghiệp đã chuyển trụ sở ở khu vực châu Á khỏi Hong Kong, nhưng các doanh nghiệp lớn toàn cầu sẽ không thể rời bỏ Hong Kong một cách nhanh chóng, bởi vì từ bỏ Trung Quốc hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn, họ vẫn có ý ở lại Hong Kong để phục vụ cho thị trường lớn nhất thế giới trên các lĩnh vực như ô tô, điện ảnh và máy tính… Theo chỉ số tự do kinh tế toàn cầu do tạp chí Phố Wall và Quỹ di sản Mỹ (Heritage Foundation) công bố, giai đoạn 1995-2019, Hong Kong luôn duy trì vị trí là nền kinh tế tự do nhất thế giới.
Andron, một người Thụy Sĩ đã sống ở Trung Quốc 25 năm, trong đó có 3 năm làm việc tại Hong Kong chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, tư vấn và mua bán sáp nhập (M&A) cho biết việc ban hành Luật an ninh quốc gia về Hong Kong sẽ không ảnh hưởng đến vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong, công ty của ông cũng không chịu bất cứ tác động nào của bộ luật này. Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc nhất quán thực hiện cam kết về bảo hộ nguồn vốn và đầu tư, đây chính là nguyên nhân tại sao chúng ta có thể thấy dòng vốn không ngừng được đổ trực tiếp vào Đại lục hoặc thông qua kênh Hong Kong để vào Đại lục. Các công ty và giới đầu tư nước ngoài không muốn xã hội Hong Kong bất ổn, không muốn rời khỏi Hong Kong, suy cho cùng họ chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của Hong Kong và cùng xây dựng vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong”.
Theo tờ Tín báo của Hong Kong ngày 28/5, khi cộng đồng quốc tế quan ngại liệu Hong Kong có giữ được vị thế trung tâm tài chính quốc tế hay không thì ngày 25/5 sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong công bố thông tin đã ký thỏa thuận với Công ty chỉ số quốc tế Morgan Stanley Capital International (MSCI), được quyền đưa ra chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chỉ số thị trường mới nổi, cũng như sản phẩm tương lai và quyền chọn ở Hong Kong trong 10 năm tới. Một bình luận liên quan cho rằng đây rõ ràng là một cơn mưa giải hạn, chứng tỏ địa vị trung tâm tài chính của Hong Kong không thể thay thế, vẫn là thị trường lý tưởng để thu hút dòng vốn quốc tế, các bên nên quý trọng và bảo vệ giá trị thương hiệu không dễ gì có được này.
Bài viết trên tờ Minh báo cũng nhận định: “Mỹ và Trung Quốc có những chiêu trò thực giả lẫn lộn, nhưng Hong Kong không thể vác đá ghè chân mình”, việc Hong Kong có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế hay không được quyết định bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài khác nhau, vừa có các điều kiện khách quan như việc cải cách mở cửa thị trường nội địa, vừa liên quan đến các yếu tố chủ quan như lòng tin… Mỹ hiện sử dụng lá bài Hong Kong để kiềm chế Trung Quốc, có các hoạt động mang tính tâm lý chiến, vậy nên Hong Kong cần có sự chuẩn bị để ứng phó với các đợt sóng gió sắp diễn ra.
Trần Quyên