Ngày 15/7/2020, sau khi Quốc hội Mỹ cho phép thực thi Đạo luật trừng phạt (CAATSA), chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra cảnh báo các công ty tham gia các dự án đường ống dẫn khí gas Nga – Đức (Dòng chảy Phương Bắc 2 – Nord Stream 2) và Nga – Thổ Nhĩ Kỳ (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ -TurkStream) sẽ bị Mỹ trừng phạt nếu họ không dừng hoạt động.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt các điều khoản trước kia cho phép cho các công ty tham gia xây dựng các đường ống dẫn khí này mà không bị phạt theo Đạo luật trừng phạt, đạo luật năm 2017 đặc biệt nhằm trừng phạt Nga vì đã can thiệp vào bầu cử Mỹ và các vấn đề khác. Các hoạt động trợ giúp và tiếp tay cho các dự án của Nga sẽ không được dung thứ. “Đây là lời cảnh bảo rõ ràng tới các công ty. Hãy rút khỏi ngay bây giờ hoặc đối mặt với hậu quả” ông Pompeo cho biết. Ông Pompeo gọi những đường ống dẫn khí này là công cụ chủ yếu của Kremlin để mở rộng sự phụ thuộc năng lượng của Châu Âu vào Nga, làm suy yếu an ninh xuyên Đại Tây Dương.
Động thái này cho phép các lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính sẽ được áp đặt lên bất kỳ công ty Châu Âu hoặc công ty nước ngoài nào tham gia vào các dự án Nord Stream 2 và TurkStream, bao gồm cả những công ty đã và đang tham gia xây dựng các đường ống trước khi có Đạo luật trừng phạt và các công ty trước kia không bị trừng phạt.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, dưới thời Trump, Mỹ đã chủ động tăng sản xuất năng lượng và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu năng lượng của Châu Âu. Mỹ đã bắt đầu xuất khẩu ga, than đá đến các nước Trung và Đông Âu như Belarus, Ba Lan và Ucraina.
Phản ứng trước lệnh trừng phạt này của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà M. Zakharova cho rằng lệnh trừng phạt này chỉ là gây áp lực chính trị. Đây là cách che dấu sự cạnh tranh không cân bằng. Nó chứng tỏ sự yếu kém của hệ thống Mỹ. Ngoài các biện pháp ép buộc, họ chẳng có phương pháp nào hiệu quả. Nga cho biết sẽ xem xét các biện pháp trả đũa.
Chính quyền Trump đã vận động Châu Âu, đặc biệt là Đức, cấm các đường ống được cho là sẽ tăng ảnh hưởng của Nga, khiến Châu Âu lệ thuộc vào Nga một cách nguy hiểm. Chính phủ Đức lấy làm tiếc về đe dọa cấm vận của Mỹ và lo ngại lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến trong nước. Tuy nhiên, tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ không xem xét trả đũa lệnh trừng phạt. Đường ống Nord Stream 2 do tập đoàn Gazprom của Nga làm chủ và một số công ty Châu Âu đầu tư, dài 1200 km vận chuyển khí ga từ Nga đến Đức dưới biển Ban Tích.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết tuần tới ông sẽ nêu vấn đề này trong chuyến thăm ngắn tới Anh và Đan Mạch. Năm ngoái Đan Mạch đã dỡ bỏ cảnh báo về môi trường đối với một phần trong dự án đường ống Nord Stream 2, cho phép các công ty hoàn thiện đường ống. Trước đó vào ngày 13/7, ông Pompeo đã nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Lavrov và ngày 14/7, Tổng thống Mỹ D. Trump đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhưng không có dấu hiệu thảo luận về các đường ống dẫn khí này.
TurkStream được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin khánh thành ngày 08/01 vừa qua gồm hai đường ống ngoài khơi dài 930 km chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen và hai đường ống trên đất liền khác dài 142 km và 70 km. Việc cung cấp khí ga thương mại qua đường ống dẫn khí bắt đầu từ 01/01 năm nay.
Dự án này có tổng công suất hàng năm là 31,5 tỷ m3. Đường ống đầu tiên có công suất 15,75 tỷ m3 dùng để cung cấp khí ga cho Thổ Nhĩ Kỳ, còn đường ống thứ hai, với 15,75 tỷ m3 đưa khí ga của Nga đến các nước Châu Âu qua Bulgari. Trong Quý I/2020, đã có khoảng 1,32 tỷ m3 khí ga của Nga được vận chuyển đến Châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua tuyến đường ống này. Đe dọa trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến đường ống thứ hai của TurkStream.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ)