Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/9 cảnh báo sẵn sàng áp thuế quan bổ sung lên gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Ông nói sẽ sớm áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc như đã định từ trước, đồng thời sẽ đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa nữa.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã nhận được gần 6.000 ý kiến của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về kế hoạch này. Trong đó, hầu hết ý kiến từ các công ty đều nhằm xin miễn sản phẩm của họ khỏi danh sách áp thuế. Có rất ít ý kiến ủng hộ kế hoạch.
Phản ứng thị trường chứng khoán: Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu Dow Jones giảm 0,31%, S&P 500 mất 0,22%, Nasdaq hạ 0,25%. Cổ phiếu Apple giảm 0,8% do ảnh hưởng của thông tin lo ngại một số sản phẩm của hãng có thể bị áp thuế.
Trong một lá thư chung gửi USTR của hơn 150 Hiệp hội kinh doanh Mỹ, đại diện cho các nhà sản xuất, nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, nhà bán lẻ, công ty công nghệ, công ty dầu khí, nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và các bên liên quan chuỗi cung ứng khác nhau đã phản đối mức thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cho rằng việc đánh thuế này sẽ i) gây hại cho các bên liên quan của Hoa Kỳ, ii) kéo theo trả đũa của Trung Quốc, iii) “gây gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng hàng hóa.” và iv) không dẫn đến một giải pháp thương lượng.
Theo các hiệp hội này, Chính phủ Hoa Kỳ đã nhầm lẫn khi tin rằng các công ty có thể dễ dàng chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc hoặc nông dân và ngư dân Mỹ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác”. Lý do là “Chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu phát triển theo thời gian và thay đổi đáng kể về độ phức tạp, quy mô và tính linh hoạt trong các danh mục sản phẩm.
Trong khi đó, các nhà kinh tế cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện, với thuế quan đối với tất cả hàng hóa giữa hai nước, sẽ dẫn đến việc tăng giá đáng kể cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Một cuộc chiến thương mại lớn như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Khi xem xét tác động của cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc, các nhà kinh tế đã xem xét tỉ lệ hợp tác thương mại với Trung Quốc của từng bang trong năm 2017. Theo đó, bang Tennessee sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất vì thương mại với Trung Quốc của bang này chiếm 7,6% tổng GDP. Theo sau là 04 bang khác, nơi có thương mại với Trung Quốc chiếm trên 5% GDP là Washington (6.43%), California (6,39%), Nam Carolina (5.87%) và Kentucky (5,39%). Số liệu cũng cho thấy 17 trong số 24 bang mà Trump chiến thắng bầu cử 2016 có thương mại với Trung quốc đạt trên 2% GDP hàng năm của mỗi bang.
Về pháp lý, trong các ý kiến được đệ trình lên USTR tuần trước, Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng cho rằng chính quyền không có thẩm quyền áp đặt mức thuế mới – ngoài hai danh mục thuế quan đã có hiệu lực – mà không bắt đầu một cuộc điều tra mới. Hiệp hội cũng cho rằng Điều khoản 307 của Luật thương mại năm 1974 không cho phép chính quyền sửa đổi các biện pháp khắc phục vô thời hạn. Hội đồng Ngoại thương Quốc gia cũng đưa ra lý lẽ tương tự khi đệ trình lên USTR. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin gọi mối đe dọa 267 tỷ USD là “vô trách nhiệm và có thể là bất hợp pháp”.
Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, bất chấp việc áp dụng thuế quan mới, trong tháng 7/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên 50,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với tháng trước. Nhập khẩu tăng 0,9% , đạt mức kỷ lục 261,2 tỷ USD, do nhu cầu nội địa của Mỹ vẫn rất mạnh. xuất khẩu giảm 1%.
Đáng chú ý là thâm hụt thương mại hàng hóa với cả Trung Quốc và EU đạt mức cao kỷ lục trong tháng 7/2018: Thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc tăng lên 36,8 tỷ USD khi nhập khẩu tăng 5,6% và xuất khẩu giảm 7,7%. Tương tự, thâm hụt với EU đạt 17,6 tỷ USD khi nhập khẩu tăng 2,5% và xuất khẩu giảm 14,7%. Thâm hụt thương mại với Canada tăng lên 3,2 tỷ USD, tăng 58% so với tháng trước và mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Tin từ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Hoa Kỳ – Inside Trade, 7/9