Nam Hải
Thương mại luôn được coi là một trong những động lực của phát triển kinh tế. Xu hướng mở cửa, tự do hoá thương mại được hầu hết các nước trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, một số động thái gần đây của kinh tế thế giới như việc Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), xu hướng bảo hộ của chính quyền mới của Mỹ… tạo tâm lý hoài nghi về vai trò của thương mại và thương mại tự do. Hãy cùng nhìn lại toàn cảnh thương mại toàn cầu thời gian qua để thấy được những xu hướng chính và chiều hướng phát triển của thương mại toàn cầu.
- THƯƠNG MẠI VÀ TĂNG TRƯỞNG
- Tăng trưởng thương mại
Trong thế kỷ XX, thương mại thế giới tăng trưởng với tốc độ chưa từng có. Từ năm 1960 đến trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, thương mại toàn cầu về hàng hoá và dịch vụ tăng trưởng thực ở mức trung bình khoảng 6% hàng năm, khoảng 2 lần tốc độ tăng của GDP thực tế. Nguyên nhân là do giảm quan trọng của chi phí thương mại nhờ các thay đổi chính sách (như thuế quan) và công nghệ (vận tải và thông tin). Giảm chi phí thương mại cũng thúc đẩy mở rộng các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Chính các chuỗi GVC này đã trở thành động lực mạnh mẽ của năng suất và xuất khẩu hàng chế tạo từ những năm đầu thập niên 1990. Mức sống của người nhân được cải thiện trong quá trình mở cửa thương mại đã hình thành ủng hộ rộng rãi quan điểm thương mại là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Trong khi hội nhập thương mại đã mang lại thịnh vượng cho thế giới, mức độ hội nhập thương mại tác động đến tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào đặc điểm của từng nước và các chính sách. Mở cửa thương mại tác động ở các mức độ khác nhau ở các nước phản ánh cơ cấu kinh tế, nhất là về mức độ chuyên môn hoá xuất khẩu, đa dạng hoá sản xuất và chất lượng thể chế. Các bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa độ mở thương mại lớn hơn với thu nhập bình quân đầu người cao hơn và cải cách thương mại (như giảm thuế quan) với năng suất lao động cao hơn và tăng thu nhập, giảm đói nghèo, cho thấy quan hệ nhân quả từ cải cách thương mại và thương mại đối với tăng thu nhập.
Thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh trong những năm gần đây là một biểu hiện và cũng là nguyên nhân dẫn của tăng trưởng thấp. Sau suy giảm mạnh trong khủng hoảng tài chính toàn cầu và hồi phục ngắn ngay sau đó, thương mại và sản xuất tăng chậm trở lại so với thời gian trước, đặc biệt là tăng trưởng. Nguyên nhân bao gồm các hoạt động kinh tế gần đây ít đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều đầu vào nhập khẩu, sự phát triển chậm lại của các GVC và tự do hoá thương mại, xu hướng nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Trong khi tỷ lệ đầu tư và tăng trưởng kinh tế tác động đến thương mại, thương mại toàn cầu gần đây tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, ở mức khoảng 1-2%/ năm. Năm 2016 là năm thứ năm liên tiếp thương mại toàn cầu tăng trưởng dưới 3% và lần đầu tiên trong lịch sử thấp hơn tốc độ tăng GDP (3,1%)[1].
- Cơ cấu thương mại toàn cầu
Từ những năm đầu thập kỷ 90, hội nhập thương mại chứng kiến những thay đổi quan trọng trong cơ cấu thương mại toàn cầu. Tỷ trọng của thương mại hàng hoá giữa các nền kinh tế phát triển trong tổng thương mại thế giới đã giảm từ 70% trong đầu thập kỷ 80 xuống dưới 40 % trong những năm 2010 do thương mại giữa các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng lên nhanh chóng. Giá hàng hoá tăng và các yếu tố khác đã góp phần củng cố tiến triển này.
Về cơ cấu mặt hàng, xuất khẩu hàng chế tạo tăng lên ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong khi ở các nền kinh tế phát triển, tỷ trọng lĩnh vực chế tạo giảm tương đối và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng nhanh hơn. Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, ngành chế tạo tăng trưởng nhanh nhất ở các nước tham gia sâu vào GVC như Trung Quốc, các quốc gia Châu Á khác và các nền kinh tế đang phát triển mới nổi Đông Âu.
Các mô hình kinh doanh mới trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin truyền thông đã góp phần mở rộng thương mại dịch vụ. Tăng trưởng thương mại dịch vụ xuất hiện mặc dù thực tế vẫn vấp phải nhiều rào cản (gần một nửa thương mại toàn cầu được tính trên cơ sở giá trị gia tăng)[2]. Bên cạnh đó, các tiến bộ của công nghệ thông tin và các dịch vụ khác đã góp phần định hình lại thương mại và thúc đẩy sự phát triển của các GVC.
- CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI
- Chi phí thương mại
Liên quan đến thương mại, thế giới không “phẳng”, chi phí thương mại hàng hoá dự kiến tương đương 50-400% giá trị ban đầu của hàng hoá, bao gồm các yếu tố như khoảng cách, môi trường đầu tư, ngôn ngữ, hậu cần, vận chuyển và chính sách thương mại. Các chi phí của thương mại hàng hoá có xu hướng cao hơn ở các nước mới nổi và đang phát triển (thường gấp đôi ở các nước tiên tiến) và đối với hàng nông sản. Trong 20 năm qua, các chi phí này giảm rất ít ở các nước phát triển hơn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Hiệp định Thuận lợi hoá thương mại (TFA) có hiệu lực vào tháng 2/2017 được mong đợi sẽ đóng góp lớn vào việc giảm hơn nữa một số loại chi phí thương mại.
Chi phí thương mại dịch vụ chịu ảnh hưởng của các yếu tố: mức độ số hoá dịch vụ, chính sách kiểm soát dòng đầu tư và thành lập các nhà cung cấp dịch vụ, vận chuyển dịch vụ xuyên biên giới và di chuyển nghề nghiệp.
- Thuế quan và các biện pháp phi thuế quan
Từ những năm 1980 đến đầu năm 2000, thuế quan đã được giảm mạnh theo các cải cách đơn phương, khu vực và đa phương. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giảm thuế quan đáng kể xuống mức bình quân dưới 15%, trong khi các nền kinh tế phát triển cắt giảm thuế từ khoảng 6% xuống dưới 3%. Các mức thuế suất cao nhất (chiếm trên 15%) có mức cao 31% (chiếm trên 11%) trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước đang phát triển G20. Thuế có xu hướng cao đối với các nông sản chế biến được bảo hộ, trung bình 9% cao hơn các sản phẩm nông sản thô ở các nước phát triển.
Các biện pháp phi thuế quan khá phổ biến thể hiện kiểm soát trong nước đối với sản phẩm nhập khẩu để bảo đảm các mục tiêu: bảo vệ sức khoẻ, an toàn nơi làm việc, môi trường và người tiêu dùng. Trong khi các biện pháp phi thuế quan nói chung không phân biệt sản phẩm trong nước và nước ngoài, thực tế các biện pháp này đã góp phần giảm chi phí và thuận lợi hoá thương mại. Mức độ áp dụng các biện pháp phi thuế quan là khác nhau ở các lĩnh vực và quốc gia. Theo khảo sát của WTO năm 2015, các biện pháp phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu được áp dụng phổ biến hơn ở các nước phát triển so với các nước mới nổi và đang phát triển. Kiểm soát giá và chất lượng phổ biến hơn ở các nước thu nhập thấp, áp dụng phổ biến hơn trong thương mại nông sản hơn là các ngành khác, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp.
- Thương mại dịch vụ
Mặc dù vai trò quan trọng nói chung của dịch vụ trong nền kinh tế, thương mại dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng của các rào cản chính sách. Theo WB, các hạn chế về gia nhập thị trường, sở hữu và hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được áp dụng khá phổ biến, bên cạnh đó là việc cấp phép thiếu công khai và minh bạch. Mức độ hạn chế thương mại dịch vụ khác nhau khá lớn giữa các khu vực và ngành kinh tế. Theo báo cáo của OECD năm 2014[3], dịch vụ vận chuyển và di chuyển nghề nghiệp là các ngành được bảo hộ nhiều nhất ở các
nước phát triển cũng như đang phát triển. Từ năm 2014, một số ít các nước đã tiến hành cải cách nhằm giảm hạn chế thương mại dịch vụ như nâng mức hạn chế cổ phần sở hữu nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia), tự do hoá lĩnh vực truyền thông (Mexico), giảm các yêu cầu về lập trụ sở công ty (Nhật Bản)… Các nước áp dụng hạn chế chặt chẽ hơn về di chuyển thể nhân tạm thời để cung cấp dịch vụ thông qua hạn mức (quota) chặt chẽ và các kiểm tra thị trường lao động, rút ngắn thời gian cư trú… Một số nước còn áp dụng các kiểm soát mới về chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới.
- Các Hiệp định thương mại
Các hiệp định thương mại khu vực và song phương đã lan rộng mạnh cả về phạm vi và số lượng. Số lượng các hiệp định báo cáo lên WTO đã tăng từ khoảng 50 vào năm 1990 lên 280 vào năm 2015. Trong khi đó, phạm vi – độ “sâu” của các hiệp định cũng tăng lên, bao trùm không chỉ là lĩnh vực tự do thuế quan. Có mối quan hệ chặt chẽ giữa hiệp định thương mại và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là các hiệp định “sâu”. Hơn một nửa các hiệp định thương mại bao gồm các điều khoản “sâu” của lĩnh vực chính sách cả trong khuôn khổ và vượt ngoài xứ mệnh hiện nay của WTO. Các điều khoản “WTO cộng” bao gồm kiểm soát hải quan, thuế xuất khẩu, các biện pháp trả đũa và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, điển hình là Hiệp định TPP với tiêu chuẩn cao và phạm vi rộng lớn.
Tóm lại, thời gian gần đây, sự mở rộng nhanh chóng của thương mại giai đoạn từ 1980 đến đầu những năm 2000 đã bị chậm lại đáng kể. Ở một số khu vực, các rào cản thương mại vẫn còn phổ biến và tiếp tục tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thuế quan đã được giảm đáng kể nhưng gần đây ít tiến triển, tuy nhiên vẫn còn cao đối với một số sản phẩm ở một số nước. Các biện pháp phi thuế quan vẫn còn phổ biến trong thương mại hàng hoá và nghiêm trọng hơn trong thương mại dịch vụ. Các hiệp định thương mại khu vực đã tăng mạnh về số lượng và phạm vi, đôi khi vượt cả khuôn khổ WTO. Những xu hướng này của thương mại thế giới được phản ảnh khá rõ trong thương mại của Việt Nam. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, thành công trong đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Tuy nhiên, Việt Nam cần chuẩn bị, nâng cao năng lực trong nước để hiệu quả ứng phó với những tác động tiêu cực từ các diễn biến của thương mại quốc tế./.
[1] Theo Báo cáo thương mại thế giới năm 2015 và triển vọng năm 2016 của WTO.
[2] Theo WTO, nhập khẩu dịch vụ thương mại toàn cầu tăng khoảng 5% hàng năm giai đoạn 2010-2015 so với tốc độc 1% của thương mại hàng hoá.