Cục Thống kê Liên bang Đức mới đây công bố, GDP của Đức trong Quý 3/2018 đã giảm 0,2% so với quý trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu rơi vào tình trạng sụt giảm như vậy. Lần sụt giảm đầu tiên là trong Quý 1/2015, GDP đã giảm 0,1%. Các nhà kinh tế dự báo rằng, bất chấp sự sụt giảm của Quý 3, nền kinh tế Đức vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Đánh giá về nguyên nhân của sự sụt giảm này, Cục Thống kê Liên bang Đức cho rằng xung đột thương mại đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Đức. Xuất khẩu đã tăng trưởng chậm lại. Theo tính toán sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu trong Quý 3/2018 đã giảm đi trong khi đó nhập khẩu lại tăng hơn so với Quý 2. Quốc gia xuất khẩu này đang phải đối mặt với những xung đột thương mại do Mỹ khởi phát. Bên cạnh đó, từ tháng 7 đến tháng 9, ngành công nghiệp ô tô của Đức cũng gặp khó khăn do việc áp dụng tiêu chuẩn kiểm tra khí thải WLTP mới, bởi không phải tất cả các mẫu xe đều có thế kịp thời đáp ứng được tiêu chuẩn này. Do đó, các nhà sản xuất phải điều tiết lại kế hoạch sản xuất. Báo cáo hàng tháng mới nhất của các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Liên bang cho thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm hơn so với quý trước cũng là nguyên nhân gây ra sụt giảm tăng trưởng. Ngoài ra, chi tiêu nhiều hơn của Chính phủ cũng là một nguyên nhân cần được xem xét. Theo báo cáo hiện có, trong Quý 3, tiêu dùng của chính phủ cho các lợi ích xã hội và tiền lương của nhân viên cũng tăng nhẹ. Nguyên nhân cuối cùng là việc các công ty cũng đầu tư nhiều hơn vào việc mua sắm thiết bị, xây dựng so với quý 2. Chính phủ liên bang dự báo, trong năm 2018, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,8% giảm đi 0,4% so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của năm 2017.
Tuy nhiên, trong video podcast hàng tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức đang “có vị thế tốt” về mặt kinh tế với tốc độ tăng trưởng 1,8% trong năm tài chính tới, đồng thời cũng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của Đức sẽ “cần phải thận trọng để đảm bảo thập kỷ phát triển kinh tế của đất nước tiếp tục” khi đối mặt với một nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Bà Merkel cho biết tăng trưởng kinh tế của Đức phụ thuộc xuất khẩu, hoạt động của các công ty có quy mô trung bình và các quyết định chính sách làm gia tăng chi tiêu dùng nội địa. Bà Thủ tướng cũng công bố tỷ lệ thất nghiệp năm nay của Đức là 4,9% – mức thấp nhất kể từ năm 1980.
Nhìn về tương lai, bà Merkel cảnh báo rằng “thế giới không phải đang ngủ”, đồng thời lưu ý số hóa (digitalization) và một Châu Á năng động trong lĩnh vực kỹ thuật số rõ ràng là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế liên tục của đất nước. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề ra một chiến lược kỹ thuật số mới cũng như lộ trình công tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (“artificial intelligence”).
Cuối cùng, Thủ tướng khẳng định chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Đức, đặc biệt là các công ty có quy mô trung bình; và các biện pháp do Liên minh Dân chủ Thiên chúa Giáo tiến hành sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đổi mới. Trong đó, Bà Merkel đã đề cập cụ thể về kế hoạch đưa ra các ưu đãi thuế cho các công ty quy mô trung bình đầu tư vào nghiên cứu trong các lĩnh vực kỹ thuật số hóa và trí tuệ nhân tạo.
Đầu tháng 10/2018, một Hội đồng tư vấn đặc biệt được thiết lập để đưa ra đánh giá về triển vọng kinh tế của Đức cho năm tài chính sắp tới. Các cơ quan chính phủ và một số nhà nghiên cứu chính sách cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ được tiếp tục, mặc dù tốc độ chậm hơn so với dự kiến trước đây. Những chuyên gia này chỉ ra tình hình kinh tế ảm đạm toàn diện là nguyên cớ làm chậm xuất khẩu của Đức./.