Một số thông tin về các chính sách kinh tế gần đây của Rumani

0
92
(Nguồn internet)
Ngày 25/9/2024, Chính phủ Rumani đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch 2025 – 2035 bao gồm hàng loạt giải pháp để biến Rumani thành một điểm đến du lịch “nổi tiếng” và “chất lượng cao”.
Ngày 25/9/2024, tại cuộc họp của Liên minh Điện gió ngoài khơi Toàn cầu (GOWA) ở New York, Bộ trưởng Năng lượng Sebastian Burduja đã tuyên bố Rumani sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tại Biển Đen sản xuất năng lượng gió ngoài khơi, với mục tiêu đến năm 2032, người dân Rumani sẽ được hưởng lợi từ nguồn năng lượng được sản xuất tại Biển Đen, với công suất lắp đặt ít nhất là 3GW.
Ngày 9/10/2024, Chính phủ Rumani đã thông qua hai gói hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán trị giá 2 tỷ RON, bao gồm việc bồi thường tài chính (1.000 RON/ha) và hoãn trả nợ các khoản vay và nợ chưa thanh toán đến tháng 8/2025. Quyết định được đưa ra khi hơn 230.000 người, 30% diện tích đất nông nghiệp Rumani đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán từ tháng 9/2023 tới tháng 8/2024.
Trong chương trình tranh cử Tổng thống của mình công bố ngày 20/10/2024, Thủ tướng Marcel Ciolacu chủ trương dành 155 tỉ Euros cho đầu tư công trong 5 năm tới với các nội dung chủ yếu sau:
– Rumani có tên trong top 45 nước hàng đầu thế giới về chỉ số phát triển con người và top 30 về chất lượng cuộc sống;
– Giảm thuế, đặc biệt là đối với các gia đình đông con, tăng lương tối thiểu lên 1.300 Euro/tháng vào năm 2029,
– “Tái Công nghiệp hóa” đất nước, trên cơ sở phát huy chủ nghĩa yêu nước và tăng năng suất lao động, với đầu tư công chiếm 6-8% GDP/năm. Tập trung phát triển 9 mũi nhọn mang tính cạnh tranh cao (2 ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ô tô, hóa chất, năng lượng, dược, vật liệu xây dựng, thực phẩm và luyện kim);
– Đầu tư vào các cơ sở y tế, tăng cường dịch vụ y tế công cộng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân và một loạt các biện pháp nhằm kìm hãm tình trạng dân số giảm;
– Biến Rumani trở thành một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực Đông Nam Âu trong vòng 10 năm tới;
– Hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và hiện đại hóa các cơ sở năng lượng hiện có nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của EU;
– Cải cách tài chính và hành chính để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và khởi nghiệp.
– Xây dựng và cải thiện mạng lưới giao thông, tăng cường kết nối hơn với các nước EU.
Tại Diễn đàn Giao thông Bền vững và dễ tiếp cận do Hiệp hội các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô Rumani (ACAROM) tổ chức ngày 17/10/2024, Thủ tướng Marcel Ciolacu đã khẳng định Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp tự động hóa và ô tô. Ông cũng cho biết kế hoạch “Tái công nghiệp hóa nền kinh tế” sắp được triển khai sẽ hỗ trợ trực tiếp cho ngành công nghiệp chiến lược này, vốn đóng góp 14% vào GDP đất nước và chiếm 26% xuất khẩu của Rumani. Chính phủ đặt mục tiêu tăng cường thu hút đầu vào lĩnh vực ô tô, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực xe diện và xe tự hành.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here