Một số giải pháp tăng khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

0
33
Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% năm 2025. (Nguồn: VnEconomy)

1. Tổng quan về huy động vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, có nhiều tiêu chí để phân loại doanh nghiệp, dưới góc độ quy mô vốn có thể chia thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp và nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ lệ cao, với hơn 97% tổng số doanh nghiệp của cả nước, có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Sau đây là một số nội dung có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

– Khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo quy định tại Điều 4, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017,

“1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:

  1. a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
  2. b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
  3. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ”.

Tại Điều 5, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về tiêu chí đánh giá DNNVV như sau:

“1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

  1. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

  1. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này”(1).

– Khái niệm vốn và huy động vốn.

Để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, một doanh nghiệp cần có nhiều yếu tố, như: vốn, khoa học công nghệ, nhân lực, nhà xưởng, ý tưởng kinh doanh, đối tác, thị trường… Một trong yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động, mở rộng thị trường đó là vốn. Nếu doanh nghiệp thiếu vốn, hoặc không có vốn, thì mọi hoạt động khác sẽ đình trệ, kể cả khi doanh nghiệp đang hoạt động tốt nếu không có vốn sẽ khó mở rộng thị trường, mở rộng quy mô. Sau đây là một số nội dung liên quan đến cách thức tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Khái niệm huy động vốn: có nhiều cách hiểu khác nhau về huy động vốn, theo cách hiểu đơn giản của người viết, huy động vốn là cách thức tạo vốn cho doanh nghiệp thông qua tiếp nhận tài sản từ các chủ sở hữu khác nhau để tạo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dưới các hình thức, như: vay vốn, chào bán chứng khoán, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước, nhận góp vốn…

Các hình thức huy động vốn phổ biến hiện nay của doanh nghiệp:

Vốn hình thành từ ban đầu, hay gọi là vốn pháp định. Vốn pháp định là phần vốn góp ban đầu để thành lập doanh nghiệp khi đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phần vốn này được hình thành đầu tiên. Chủ sở hữu sẽ quyết định tính chất và hình thức tạo vốn của bản thân doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nhà nuớc, vốn góp ban đầu chính là vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, vốn góp ban đầu là vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký, Công ty TNHH và công ty hợp danh. Phần vốn góp ban đầu là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty, công ty cổ phần, vốn góp ban đầu là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Vốn hình thành từ kết quả kinh doanh. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó là lợi nhuận, phần này được doanh nghiệp sử dụng để trả cho chủ sở hữu, dành cho các quỹ hoặc tái đầu tư, trong trường hợp dùng cho tái đầu tư thì sẽ là khoản vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Khi doanh nghiệp dành nhiều kết quả cho tái đầu tư, cơ hội tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp sẽ tăng cao.

Vốn từ phát hành chứng khoán. Cổ phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Đây là hình thức tăng vốn phổ biến được các công ty cổ phần áp dụng hiện nay. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; Chứng khoán phái sinh; Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định. Hiện nay, ở Việt Nam phổ biến là cổ phiếu và trái phiếu. Doanh nghiệp muốn tăng vốn theo hình thức này cần thông qua kế hoạch tăng vốn được đại hội cổ đông nhất trí, tiếp đó đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được khi đó doanh nghiệp mới đủ điều kiện tiến hành các thủ tục tăng vốn thông qua phát hành chứng khoán.

Vốn hình thành bằng vay tín dụng ngân hàng. Tín dụng ngân hàng là giao dịch tài sản giữa ngân hàng với bên đi vay (là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nền kinh tế), trong đó ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán. Tín dụng ngân hàng có nhiều hình thức thể hiện, như: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn mức tín dụng, thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn,…

Vốn hình thành bằng tín dụng thương mại. Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất – kinh doanh với nhau dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa. Có 3 loại tín dụng thương mại: Tín dụng thương mại cấp cho nhà nhập khẩu (gọi là tín dụng xuất khẩu) là loại tín dụng do người xuất khẩu cấp cho người nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tín dụng thương mại cấp cho người xuất khẩu (gọi là tín dụng nhập khẩu) là loại tín dụng do người nhập khẩu cấp cho người xuất khẩu để nhập hàng thuận lợi. Tín dụng nhà môi giới cấp cho người xuất khẩu và nhập khẩu, các ngân hàng thương nghiệp cỡ lớn thường không cấp tín dụng trực tiếp cho các nhà xuất nhập khẩu mà thông qua nhà môi giới.

2. Thực trạng về hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

2.1. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa với nền kinh tế.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp của quốc gia (97%) đóng góp trên 40% GDP, 33% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 36% tổng lao động, thu hút 32% tổng nguồn vốn và tạo ra 26% tổng doanh thu thuần trong khối doanh nghiệp. Lĩnh vực kinh doanh của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là thương mại và dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông lâm thủy sản(2)

– Giữ vai trò ổn định nền kinh tế: ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong góp phần ổn định kinh tế, do tính linh hoạt trong hoạt động và dễ chuyển đổi mô hình hoạt động cũng như cách thức kinh doanh. Với một tập đoàn hoặc tổng công ty, việc thay đổi mô hình hoạt động và cách thức kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với doanh nghiệp nhỏ và vừa lại là ưu thế trong trường hợp này. Ngoài ra, với quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp này dễ dàng tham gia vào cung cấp hàng hóa dịch vụ ở nhiều ngành nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo sự đa dạng phong phú của sản phẩm, hàng hóa cung cấp ra thị trường, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của người mua hàng.

– Tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng: doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

– Là trụ cột của kinh tế địa phương: nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có ở khắp các địa phương và là khối doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, vào sản lượng và tạo công ăn việc làm ở các địa phương.

2.2. Đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa

– Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một lượng lớn trong tổng số các doanh nghiệp trong một quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới, tại Việt Nam chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tận dụng nhân công tại địa phương để sử dụng, nhờ đó giải quyết rất nhiều bài toán nhân lực cho cơ quan nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết hơn 36% tổng lao động trong xã hội.

– Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô vốn nhỏ và thường gặp khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn lớn từ các ngân hàng đầu tư. Điều này gây ra hạn chế trong đổi mới trang thiết bị và xúc tiến phát triển công việc cho các doanh nghiệp này.

– Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn so với các tổng công ty, tập đoàn trong nước và quốc tế.

– Việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn so với các doanh nghiệp lớn.

– Chi phí đầu tư cho phát triển, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển là ít hơn so với các doanh nghiệp lớn.

– Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại chứ không tập trung vào sản xuất và chế biến. Chủ yếu là các ngành nghề liên quan đến mua bán sản xuất đồ dùng các loại dịch vụ và phân bố hàng tiêu dùng

2.3. Thực trạng về việc huy động vốn tại ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo thống kê của Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các ngành kinh tế, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%).

Các ngân hàng thương mại nhà nước đang đi đầu trong cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 48,05% tổng dư nợ. Khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%. Khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%(3).

Với các số liệu trên cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên vì là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Theo Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm 25%. Còn lại, đến 75% doanh nghiệp vẫn phải huy động từ bạn bè, vay mượn phi chính thống.

2.4. Một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong huy động vốn

– Mặc dù đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng Nghị định, và nhiều thông tư, Quyết định của các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, đặc điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên cả nước đặc biệt những nơi ở vùng sâu, vùng xa và ở các ngành khác nhau. Do vậy, một số ngành lĩnh vực vẫn chưa có cơ chế, quy định đặc thù để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tiến hành các thủ tục vay vốn sẽ khó khăn.

– Do là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên quy mô vốn, năng lực tài chính còn hạn chế, khi nộp hồ sơ vay vốn khó khăn trong việc cung cấp tài sản đảm bảo. Ngoài ra, do là doanh nghiệp nhỏ, nên năng lực, kiến thức chuyên môn về kế toán, tài chính cũng có hạn, dẫn đến đôi khi số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán dẫn đến khó khăn trong tiếp cận vốn.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có kỹ năng trong việc xây dựng và lập kế hoạch kinh doanh, chưa có các phương án kinh doanh đủ sức hấp dẫn để các nhà đầu tư đổ tiền, đổ vốn vào tham gia cùng.

– Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng gặp phải sức cạnh tranh gay gắt cho nên phải đặt ra và tự tuân thủ quy định quốc tế về tín dụng điều đó đặt ra các tiêu chí cao khi đi vay vốn, đây là khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cuối cùng, bản thân các doanh nghiệp chưa có kỹ năng huy động vốn, chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng kêu gọn vốn, hiểu về vốn chưa sâu sắc: vốn ở đây được hiểu cả hữu hình và vô hình, cả bằng tiền bằng khoa học công nghệ, về bí quyết kinh doanh, kinh nghiệp quản lý, tài sản đất đai,…

3. Một số giải pháp tăng cường khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

3.1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Các bộ, ngành ở Trung ương theo chức năng, lĩnh vực được giao quản lý cần cụ thể hóa, đẩy mạnh thực thi Luật Hỗ trợ và Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với từng ngành cần có những cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể như:

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay đã ban hành Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

– Ngành Ngân hàng đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với các ngành, các lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều cơ chế, ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù, như: Chính sách Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính sách Hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách Cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế đặc thù cho vay với các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp ở khu vực miền núi, hải đảo…

– Đối với Bộ Tài chính cần có các chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động khai báo hải quan, kê khai thuế, ưu đãi về thuế. Ngoài ra, cần có quy định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

– Đối với Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đưa sản phẩm của mình có mặt tại các siêu thị trên cả nước, cũng như có các giải pháp hỗ trợ xúc tiến đưa sản phẩm của Việt Nam vươn tầm khu vực và trên thế giới.

– Đối với các địa phương, cần ban hành và triển khai các ưu đãi về thuê mặt bằng làm nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức cạnh tranh trên thị trường.

3.2. Với doanh nghiệp

Như phân tích ở trên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Có nhiều cách thức để giúp các doanh nghiệp phát triển, trong đó có yếu tố về vốn. Để nâng cao khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, không chỉ phụ thuộc vào chính sách, các ưu đãi của Nhà nước đối với loại hình này, mà hơn ai hết, bản thân các doanh nghiệp cần tự hoàn thiện thông qua các biện pháp không ngừng nâng cao sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

– Một doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng muốn tồn tại và phát triển, dễ dàng kêu gọi đầu tư thì cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng, minh chứng cụ thể của điều đó thể hiện thông qua các kết quả kinh doanh thuyết phục bằng các số liệu cụ thể như doanh thu, chi phí, lợi nhuận, phần trăm thị phần, chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt, giá cả có sức cạnh tranh, môi trường làm việc thân thiện cho người lao động. Đây là các yếu tố cơ bản cho một nhà đầu tư tài chính mong muốn đóng góp đồng vốn vào doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu các cách thức phương thức huy động vốn cụ thể cho doanh nghiệp, có thể là huy động vốn từ cán bộ công nhân viên, thành viên của công ty, từ cổ đông, từ đối tác, từ ngân hàng, hay các quỹ hỗ trợ của nhà nước.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đa dạng hóa cách tiếp cận và quan niệm về vốn, vốn ở đây có thể hiểu theo hướng là nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp, do vậy ngoài vốn dưới dạng tiền có thể nhìn nhận vốn dưới dạng ý tưởng sáng tạo, bí quyết kinh doanh, hay tài sản, bất động sản nhất định. Xin ví dụ với doanh nghiệp sữa, có thể mở rộng quy mô thông qua liên kết các hộ dân có bò sữa để thu mua sữa, hay doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể liên kết các cá nhân kinh doanh tự do thông qua hợp đồng và app điện tử đặt xe để tăng số lượng xe cung cấp của doanh nghiệp, từ đó tăng lợi nhuận của công ty.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thua kém về quy mô vốn, về khả năng đầu tư vào lĩnh vực nhất định nhưng việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào sản xuất, kinh doanh là ngang bằng với doanh nghiệp lớn. Khi doanh nghiệp biết vận dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Với các cơ quan truyền thông.

Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nêu gương các doanh nghiệp có cách làm hay, ý tưởng sáng tạo để cho các doanh nghiệp khác học tập

4. Kết luận

Một vườn hoa không thể chỉ đẹp nếu có một loài hoa, cũng như vậy môi trường kinh doanh sẽ không thể toàn diện nếu chỉ có các doanh nghiệp lớn, mà cần có đa dạng các loại hình, các quy mô của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một đối tượng chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, để các đối tượng doanh nghiệp này tồn tại và phát triển, cần có sự đồng thuận của cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh thực thi các cơ chế chính sách nhằm tạo ra sự thuận tiện hơn, ưu tiên hơn cho đối tượng doanh nghiệp này. Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tự hoàn thiện mình, nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu các kiến thức về tài chính, vốn, để thuận tiện hơn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đoàn Quang Đông (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) – Đỗ Minh Hải (Trường THPT Archimedes Đông Anh)

Tài liệu trích dẫn:

(1). Luật Hỗ trợ và Doanh nghiệp vừa nhỏ năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(2). https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-diem-nghen-tiep-can-von-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-156058-156058.html

(3). https://vneconomy.vn/vi-sao-doanh-nghiep-nho-va-vua-kho-tiep-can-von-ngan-hang-832937.htm

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ và Doanh nghiệp vừa nhỏ năm 2017.
  2. Chính phủ (2021). Nghị định số 80/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  3. Chính phủ (2015). Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
  4. Chính phủ (2022). Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
  5. Đoàn Phương Thảo (2024), “Thể chế cho huy động vốn vừa và nhỏ ở Việt Nam”. Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here