Trong hai thập kỷ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á (KHTCCA), chính phủ Philippines đã tiến hành những điều chỉnh trong chính sách kinh tế đối ngoại nhằm giải quyết các hạn chế nội tại của nền kinh tế cũng như để thích ứng và cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Bài viết này tập trung làm rõ một số nội dung chính: (i) Các yếu kém, bất cập trong chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines trước KHTCCA; (ii) Cải cách, điều chỉnh chủ yếu trong chính sách này và (iii) Đánh giá thành công và hạn chế.
- Các nhân tố thúc đẩy điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines sau KHTCCA
1.1. Sự yếu kém, bất cập trong chính sách kinh tế đối ngoại trước KHTCCA
Ở giai đoạn trước cuộc KHTCCA, yếu kém và bất cập trong chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines được biểu hiện qua một số khía cạnh:
Thứ nhất, sự bất hợp lý trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa: Trong giai đoạn 1970- 1980, Philippines chỉ tập trung xuất khẩu vào một số mặt hàng chính như các hàng hóa nhiên liệu (dầu dừa, cọ..), khoáng sản thô và các sản phẩm sơ chế (chiếm tới 96% tổng xuất khẩu của nền kinh tế trong những năm 1970-80). Lợi nhuận từ xuất khẩu thu được rất thấp do giá trị gia tăng của những ngành này hầu như là không có. Từ những năm 1980, cơ cấu xuất khẩu của Philippines đã có sự thay đổi lớn với việc chính phủ tập trung thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo. Kết quả là, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm này chiếm tới gần 80% cơ cấu xuất khẩu giai đoạn 1993-1996, trong khi xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp truyền thống đã bị giảm xuống một cách nhanh chóng (chỉ còn 4,66% trong cùng giai đoạn). Điều này cho thấy cơ cấu thương mại của Philippines vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một vài mặt hàng xuất khẩu. Hơn thế nữa, sự chuyển hướng tập trung xuất khẩu vào các sản phẩm chế tạo đã làm mất đi lợi thế cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Phỉlippỉnes.
Thứ hai, giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu thấp: Philippines phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu đầu vào từ thị trường nước ngoài để tiến hành công đoạn gia công là chủ yếu, mà không kết nối được với các ngành dịch vụ phụ trợ ở trong nước để thu được lợi ích cao hơn. Ví dụ, hầu hết nguồn nguyên liệu đầu vào trong ngành thiết bị máy móc vận tải phải được nhập khẩu (nhập khẩu của ngành này đã tăng nhanh từ mức 23% năm 1980 lên tới hơn 32% vào năm 1995 trong tổng cơ cấu nhập khẩu). Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế tạo đã giảm từ 38,79% năm 1980 xuống 33,8% năm 2002. So với các quốc gia trong khu vực, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này cũng thấp nhất (-0,2%), kém xa so với Thái Lan (9,7%), Malaysia (7,2%), Indonesia (5,8%) và Singapore (5,1%) trong giai đoạn 1980-1990. Điều này làm cho tổng giá trị xuất khẩu đã giảm từ 23% GDP năm 1990 xuống chỉ còn 18% GDP năm 1994, trong khi tổng giá trị nhập khẩu lại tăng mạnh từ 28% GDP lên 35% GDP cùng giai đoạn này.
Thứ ba, mức độ bảo hộ thương mại của Philippines vẫn còn cao: Khi cuộc KHTC- CA xảy ra, Philippines đang thực hiện Chương trình Cải cách thuế quan giai đoạn 3 (TRP III). Tính tới thời điểm đó, mức thuế quan danh nghĩa trung bình của Philippines đã giảm xuống từ 42% năm 1980 xuống còn 15,87% năm 1995(4). Một số ngành như: viễn thông, vận tải và chế biến dầu đã ít được bảo hộ như trong giai đoạn trước. Tỷ lệ bảo hộ hiệu quả cũng đã giảm từ 49% năm 1985 xuống 36% năm 1988, sau đó tiếp tục giảm xuống còn 15% năm 1998. Tuy nhiên, đó chỉ là mức bảo hộ hiệu quả trung bình tính trên tất cả các ngành. Có một số ngành có mức độ bảo hộ cao hơn nhiều so với các ngành khác, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Điều này làm cho giá cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hoá liên quan ở trong nước đã tăng lên, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa của Philippines trên thị trường thế giới và tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, mức độ bảo hộ cao còn tác động xấu tới lĩnh vực du lịch vì giá cả tiêu dùng ở Philippines cao, không hấp dẫn khách du lịch.
Thứ tư, chính sách tỷ giá thiếu hợp lý, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế đối ngoại: Để hỗ trợ hoạt động kinh tế đối ngoại, chính sách tỷ giá hối đoái cũng cần thiết phải vận hành hợp lý và ổn định. Tuy nhiên, ở giai đoạn trước KHTCCA, chính sách tỷ giá của Philippines đã định giá quá cao đồng Peso và dẫn tới việc thu hẹp trong lĩnh vực xuất khẩu (ngoại trừ hai ngành phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu đầu vào như thiết bị máy móc vận tải và ngành điện tử).
Thứ năm, khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn viện trợ phát triển yếu kém và vấn đề nợ nước ngoài: Sự yếu kém này được lý giải bởi ba yếu tố chính bao gồm: các rào cản chính sách, cơ sở hạ tầng kém phát triển và môi trường chính trị bất ổn, tham nhũng. Xét về mặt chính sách, chính phủ hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên trước năm 1986, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thiếu rõ ràng nên kết quả thu được rất hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách thu hút FDI cũng có sự mất cân đối lớn. Trong khi ngành chế tạo được đầu tư và phát triển rất sâu để có thể đa dạng hóa sản phẩm thì các lĩnh vực khác như sản xuất nông nghiệp, thực phẩm chế biến,… lại không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư do những bất cập về chính sách đất đai cũng như cơ chế hỗ trợ của chính phủ cho ngành này hầu như không có hiệu quả… Mặt khác, nợ nước ngoài ở Philippines rất cao so với các nước trong khu vực.
1.2. Bối cảnh khu vực và thế giới
Ngoài những yếu kém nội tại của nền kinh tế, sự điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines cũng chịu tác động của bối cảnh kinh tế và chính trị ở khu vực và thế giới lúc đó.
Một là lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Philippines cũng chịu ảnh hưởng từ cuộc KHTCCA. Trước hết, cuộc khủng hoảng đã làm đồng Peso bị mất giá mạnh và bị rơi vào khủng hoảng. Ở thời điểm đó, chính phủ Philippines đã đối phó bằng cách dùng dự trữ ngoại tệ để mua đồng Peso và nâng lãi suất qua đêm lên liên tục tới mức kỷ lục. Tuy nhiên, do không đủ ngoại tệ và việc duy trì mức lãi suất cho vay quá cao khiến cho nền kinh tế bị đình trệ sản xuất. Ngày 11/7/1997, chính phủ Philippines phải bỏ cuộc và thả nổi đồng Peso và ngay lập tức, nó bị phá giá tới gần 30% và đầu tháng 8 sau đó (30,5-33,9 Peso/USD). Rõ ràng, những sự bất ổn này làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở Mỹ Latinh và Đông Âu lại đang tăng trưởng rất tích cực. Điều này khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch vốn sang các thị trường này và gây tác động tiêu cực tới hoạt động đối ngoại của Philippines.
Hai là sự chuyển đổi chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines được đặt trong bối cảnh quá trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ. Bối cảnh này có tác động hai chiều: Theo chiều tích cực, việc hội nhập vào kinh tế thế giới sẽ tạo điều kiện cho Philippines tiếp cận được các thị trường lớn hơn, đa dạng hơn và gắn kết chặt chẽ vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, chính phủ cần phải đẩy mạnh các chính sách theo hướng tự do hóa và mở cửa nền kinh tế thông qua những hình thức khác nhau, từ đơn phương đến song phương, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Ở chiều ngược lại, quá trình hội nhập cũng tạo ra sức ép không nhỏ tới thể chế, các doanh nghiệp của Philippines. Cho tới nay, ASEAN vẫn được coi là một bước hội nhập quan trọng và có ý nghĩa nhất của Philippines. Thực tế là yếu tố cạnh tranh từ các nước thành viên trong khu vực là rất lớn do quá trình đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối thông qua việc loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Điều này sẽ dẫn tới việc hàng hóa các nước ASEAN sẽ xâm nhập dễ dàng vào thị trường của Philippines và các doanh nghiệp nội địa sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp đến từ các nước thành viên cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, sự tương đồng về cơ cấu xuất khẩu của các nước ASEAN càng làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu phải cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường khu vực. Trong cạnh tranh khu vực, yếu tố Trung Quốc cũng nổi lên như là một nhân tố chính trong điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines. Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 11/2001 đã có ảnh hưởng lớn tới cấu trúc kinh tế thế giới. Điều này không những làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn ảnh hưởng tới dòng vốn FDI chảy vào Philippines – điều mà Trung Quốc có lợi thế bởi nguồn lao động dồi dào, chi phí giá nhân công rẻ, dẫn tới chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường của Mỹ và Nhật – là những thị trường chính của Philippines. Cùng lúc đó, sự phát triển năng động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng hơn. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu quan trọng đối với các nền kinh tế. Điều này sẽ buộc Philippines cần phải có một chính sách kinh tế đối ngoại thực chất, hiệu quả và năng động hơn để có thể hội nhập tốt vào khu vực.
Ba là những biến động khó lường của chính trị, kinh tế thế giới cũng tác động tới chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines. Sự xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh chấp tài nguyên và lãnh thổ, nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia gia tăng cùng với những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên… buộc Philippines phải có các điều chỉnh để ứng phó và giảm thiểu các tác động đối với nền kỉnh tế.
2. Một số điều chỉnh chủ yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại của Philippines từ sau KHTCCA
2.1. Các điều chỉnh nhằm cải thiện cơ cấu thương mại
Từ sau KHTCCA, Philippines đã thúc đẩy mạnh chiến lược hướng về xuất khẩu dựa trên hai hướng chính là chiến lược sản phẩm và chiến lược thị trường. Về chiến lược sản phẩm, mục tiêu chính mà chính phủ Philippines nhắm tới là tìm cách nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm nhằm thu được giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ Philippines tiếp tục thúc đẩy các ngành chế tạo, đặc biệt là ngành thiết bị điện tử, may mặc và các ngành dịch vụ công nghệ thông tin (IT- BPO) vì đây là các ngành xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, chiến lược này cũng nhấn mạnh vào việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là khôi phục lại các sản phẩm xuất khẩu truyền thống ở giai đoạn trước cũng như là các sản phẩm tự nhiên, hữu cơ. Theo Kế hoạch Phát triển Xuất khẩu của Philippines giai đoạn 2011-2013, lĩnh vực “xuất khẩu xanh” sẽ là một chiến lược sản phẩm mới. Nó sẽ cho phép các ngành này liên kết với các ngành, lĩnh vực khác như du lịch, từ đó mở rộng thành các chuỗi sản phẩm và dịch vụ. Về chiến lược thị trường, khác với giai đoạn trước khủng hoảng, Philippiness đã có các chiến lược khá cụ thể cho việc tìm kiếm và phát triển các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường mới nổi trong khu vực. Theo đó, bên cạnh phát triển các thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản, Philippines đã theo đuổi chính sách đa dạng hóa quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường này nhằm khai thác thị trường nội địa lớn ở các thị trường mới nổi. Ngoài ra, nó còn bị tác động bởi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do mà quan trọng nhất là các Hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Việc Trung Quốc tham gia vào WTO đã làm thay đổi to lớn cấu trúc mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, biến khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng. Điều này khiến Philippines phải điều chỉnh chiến lược thị trường của mình hướng vào khu vực này, chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Có thể cho rằng chính phủ Philippines có những chiến lược tương đối cụ thể về thị trường kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới nay. Nó được thể hiện ở trong các Kế hoạch Phát triển Xuất khẩu (PEDP 2008-2010 và 2010-2013). Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của Philippines còn chú ý tới các thị trường dựa trên yếu tố văn hóa (Culture – Based Markets), bao gồm Halal, Kosher và cộng đồng người Philippines ở nước ngoài. Đây là những thị trường có tính đặc thù cao, tiềm năng và khá ổn định về nhu cầu. Vì thế, chính phủ Philippines xác định nó là một trong những chiến lược xuất khẩu trong giai đoạn tới.
2.2. Các điều chỉnh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Một trong những cải cách quan trọng mà chính phủ thực hiện đó là tạo ra môi trường tự do kinh doanh nhằm thu hút tốt hơn các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính sách của Philippines đã tiếp tục tiến hành các cải cách định hướng theo thị trường từ những năm 1990. Năm 2000, chính phủ đã ban hành Luật Ngân hàng chung (hay RA 8791); cho phép các ngân hàng nước ngoài được sở hữu 100% cổ phần trong các ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng tiết kiệm. Cùng thời điểm đó, chính phủ đã ban hành Đạo luật 8762 (RA 8762) về tự do hóa ngành bán lẻ, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập vào ngành kinh doanh bán lẻ và sở hữu 100% cổ phần, tuy nhiên với yêu cầu vốn tài sản tối thiểu khá chặt chẽ là 7,5 triệu USD. Kể từ năm 2010, chính phủ Philippines đưa ra các Kế hoạch Ưu tiên đầu tư (IPP) hàng năm để thúc đẩy đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và tạo ra công ăn việc làm cho nền kinh tế. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt chính sách, chính phủ Philippines cũng phải đổi mới cơ cấu quản lý của mình. Một loạt các cơ quan chuyên trách được chuyển đổi, tái cơ cấu theo chức năng nhiệm vụ mới hoặc được thành lập mới. Chính phủ đã thành lập mạng lưới các Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Philippines (IPA). Cùng với đổi mới cơ chế quản lý, Philippines cũng tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ. Năm 2006, chính phủ Philippines đã đưa ra một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng bằng cách nhóm các khu vực của quốc gia vào thành các “Super region”. Bằng cách này, chính phủ có thể thực hiện các kế hoạch đầu tư ưu tiên vào từng khu vực cụ thể và tối đa hóa được tiềm năng lợi thế từ nguồn tàỉ nguyên, địa lý và nguồn nhân lực cửa nó. Chính phủ cũng mở rộng được quy mô của nền kinh tế qua sự kết nối giữa các khu vực.
2.3. Các điều chỉnh hướng tới việc hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp thông qua các ưu đãi tài chính, thuế cũng như tư vấn thông tin
Bên cạnh các ưu đãi thuế, tài chính cho doanh nghiệp, chính phủ cũng tiến hành đổi mới về cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu. Theo đó, vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu ở khu vực tư nhân đã được chính phủ coi trọng hơn so với giai đoạn trước. Điều này được thể hiện trong Đạo luật số 7844 (RA 7844) hay còn gọi là Đạo luật về phát triển xuất khẩu: “chính phủ phải coi xuất khẩu là một chiến lược trọng tâm cho phát triển bền vững… khu vực tư nhân sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy xuất khẩu… chính phủ và khu vực tư nhân cùng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi Philippines thành một quốc gia xuất khẩu.xuất khẩu không chỉ là một ngành riêng biệt mà nó là nhân tố quan trọng đối với sự sống còn của quốc gia …”. Theo RA 7844, cơ chế quản lý và thực hiện của các chiến lược xuất khẩu phải có sự tham gia của khu vực tư nhân, điều mà trước đây chủ yếu là sự độc chiếm của các doanh nghiệp nhà nước. Theo cơ chế này, Bộ Công Thương (DTI) đại diện là Nhóm Thương mại quốc tế (ITG) có vai trò là cơ quan đầu mối của các hoạt động liên quan tới xuất khẩu. Trong khi đó, cơ quan điều phối hoạt động của DTI với các bộ ban ngành khác và khu vực tư nhân là ủy ban Phát triển Xuất khẩu (EDC). Về cơ cấu, chủ tịch của EDC là Thư ký của DTI trong khi Phó Chủ tịch thì được chọn từ các thành viên của khu vực tư nhân. Cơ chế này dám bảo sự cộng bằng giữa khu vực công và tư trọng việc xây dựng và quản lý kế hoạch.
2.4. Các điều chỉnh nhằm tham gia có hiệu quả vào các thể chế hội nhập
Các chính sách của Philippines được điều chỉnh theo hướng tập trung vào các thể chế như ASEAN, ASEAN +1, APEC,… Xét về chiến lược, giai đoạn sau KHTCCA, Philippines chủ yếu tập trung vào các hiệp định đa phương. Trong các thể chế mà Philippines tham gia, hợp tác trong khu vực ASEAN được coi là ưu tiên số một của Philippines. Hiện nay, hầu hết các biện pháp cắt giảm thuế quan được thực hiện theo lịch trình và cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Bên cạnh đó, Philippines cũng tham gia vào các thể chế hội nhập ASEAN +1, +3 và +6. Trong khuôn khổ ASEAN +1, Philippines đã tiến hành tự do thương mại hàng hóa theo khuôn khổ của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quôc (ACTIGA) và ASEAN – Hàn Quốc (AKTIGA). Theo đó, ACTIGA được chính phủ phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 19/07/2005 và AKTIGA được phê chuẩn vào ngày 17/07/2007 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2008. Tiếp đó, Philippines phê chuẩn Hiệp định thiết lập FTA giữa ASEAN – Úc và New Zealand vào ngày 21/10/2009 và thực hiện các cam kết thương mại hàng hóa với hai nước này vào ngày 01/01/2010. Philippines cũng đã tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản vào ngày 24/12/2008 và đi vào thực hiện từ ngày 01/07/2010. Điểm đáng chú ý là, Philippines đã tiến hành ký kết hiệp định thương mại song phương đầu tiên với Nhật Bản – Hiệp định Đối tác kinh tế Philippines – Nhật Bản (PJEPA) vào ngày 08/10/2008. Chính phủ cũng phê chuẩn Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ vào ngày 27/04/2010 và có hiệu lực từ tháng 7/2011. Gần đây nhất, vào ngày 28/4/2016, Philippines đã ký kết hiệp định thương mại tự do với các quốc gia thành viên của Hiệp hội Mậu dịch Tự do Châu Âu (EFTA).
- Đánh giá những điều chỉnh trong chính sách kỉnh tế đối ngoại từ KHTCCA tới nay
3.1. Một số kết quả đạt được
Trước hết, những nỗ lực điều chỉnh trong chính sách kinh tế đối ngoại thời gian qua đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Tính đến năm 2016, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Philippines là 57,4 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với giá trị xuất khẩu năm 1997 (25,2 tỷ USD/19). Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu của Philippines cũng được mở rộng, không còn phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường lớn như giai đoạn trước. Đặc biệt, Mỹ và Nhật Bản đã không còn là các đối tác thương mại lớn nhất của Philippines trong những năm gần đây. Thay vào đó, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Philippines với tỷ trọng kim ngạch thương mại giữa hai bên là 30,7 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng giá trị thương mại, Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ ở vị trí thứ hai (15,5%), tiếp đó là Nhật Bản (15,2%), Mỹ (11,2%), EU (9,7%), Singapore (6,6%), Hong Kong (6,4%)…
Các điều chỉnh trong chính sách kinh tế đối ngoại cũng đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện vỉệc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, dòng vốn đầu tư FDI vào Philippines đã tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2010-2016. Cụ thể, nếu như năm 2010, dòng FDI chỉ ở mức trên 1000 nghìn tỷ USD thì con số này đã tăng lên gần 8000 nghìn tỷ USD năm 2016. Tổng các dự án đầu tư được phê duyệt tăng đều trong suốt giai đoạn qua. Các dự án đầu tư trong những năm gần đây tập trung vào các ngành cung cấp điện, khí gas, công nghiệp chế tạo, điện tử, bất động sản, vận tải và thương mại bán buôn và bán lẻ. Mỹ và Nhật Bản vẫn là các quốc gia hàng đầu đầu tư vào Philippines. Đáng chú ý là, gần đây, các dự án FDI của Hà Lan, Austraulia, Anh và Hàn Quốc cũng có xu hướng tăng lên. Một điểm đáng chú ý khác, các dự án đầu tư vào Khu vực Kinh tế chủ quyền Philippines (PEZA) hầu hết là vào ngành điện tử và chất bán dẫn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của Philippines trong giai đoạn này cũng đã được cải thiện rất nhiều.
Các điều chỉnh trong chính sách kỉnh tế đối ngoại đã tạo điều kiện cho nền kinh tế tham gia sâu và hiệu quả hơn vào khu vực. Hiện nay, theo đánh giá của ERIA về tình hình hội nhập AEC của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi thương mại, Philippines đã đạt mức khá cao là 88% trong hội nhập và hiện đại hóa các thủ tục hải quan. Liên quan tới Chương trình Cửa sổ Quốc gia Duy nhất (NSW), Philippines cũng đạt dược tỷ lệ cao, ở mức 82%. Giai đoạn 1 của NSW đã được hoàn thành. Theo dự kiến, Philippines sẽ tiếp tục hội nhập vào Chương trình Cửa sổ ASEAN Duy nhất (ASW). Về tiêu chuẩn sản phẩm, chính phủ Philippines cũng đã thiết lập Cục Tiêu chuẩn Sản phẩm (BPS) và Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA). Nhìn chung, Philippines đã thực hiện khá tốt trong lĩnh vực này. Các yêu cầu và tiêu chuẩn của một số sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế như: đồ gia dụng, thiết bị điện tử và điện. Đối với việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Khung ASEAN trong lĩnh vực dịch vụ (AFAS), Philippines cũng đã ký kết 7 Thỏa thuận Công nhận lẫn nhau (MRA) trong các ngành dịch vụ sau: Dịch vụ kỹ thuật (tháng 9/2005), dịch vụ y tá (tháng 12/2006), kiến trúc (tháng 11/2007), khảo sát đất đai (tháng 11/2007), hành nghề y (tháng 2/2009), thực hành nha khoa (tháng 2/2009) và kế toán (tháng 2/2009).
Sự tham gia sâu rộng và hiệu quả hơn giúp cho Philippines thu được nhiều lợi ích, điển hình là trong trường hợp với Nhật Bản – quốc gia duy nhất mà Philippines ký kết thỏa thuận kinh tế song phương cho tới nay, Philippines sẽ có thể đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư trong giai đoạn tới. Kể từ khi ký kết hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản, thương mại của Philippines đã tăng 60-80% (tổng giá trị thương mại với Nhật Bản đạt 16,35 tỷ USD vào năm 2012) và Nhật Bản tiếp tục là một trong số nhà đầu tư lớn nhất đối với Philippines cho tới nay.
3.2. Hạn chế, tồn tại
Thứ nhất, tình trạng nhập siêu có xu hướng ngày càng cao kể từ năm 2008. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn kém hơn so với tăng trưởng nhập khẩu và không ổn định. Tình hình nhập siêu của Philippines tưởng chừng như đã được cải thiện khi cán cân thương mại tương đối cân bằng ngay sau khủng hoảng tài chính châu Á với tổng giá trị xuất khẩu đã tăng lên ngang bằng với tổng giá trị nhập khẩu (ở mức gần 30 triệu USD năm 1998). Tuy nhiên, tình hình này đã ngày càng trở nên xấu đi ở giai đoạn sau đó, đặc biệt Philippines đã rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại lớn kỷ lục ở mức 26,7 tỷ USD năm 2016.
Thứ hai, cơ cấu xuất khẩu của Philippines vẫn kém đa dạng và phụ thuộc lớn vào các ngành chế tao với ba nhóm ngành chính: đồ điện tử, may mặc và thiết bị máy móc. Cụ thể, tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm điện tử vào lĩnh vực xuất khẩu vẫn chiếm trên 50% trong những năm qua. Trong khi đó, sự tăng trưởng của ngành này lại không ổn định kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bên cạnh đó, các sản phẩm điện tử của Philippines cũng bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc và Việt Nam trong những năm qua. Điều này làm cho tăng trưởng của ngành điện tử trong giai đoạn 2000-2011 là 3,9%, mức tăng gần như thấp nhất so với các ngành khác (chỉ tăng cao hơn so với ngành nông nghiệp). Điều quan trọng là giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu vẫn không được cải thiện nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng, đặc biệt giá trị gia tăng của ngành chế tạo còn giảm xuống 23,2% trong giai đoạn 2001-2011 so với mức 24,3% giai đoạn 1991-2000. Cơ cấu xuất khẩu của Philippines vẫn chỉ tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp do những mặt hàng này phụ thuộc lớn vào các nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu và có mối liên kết khá yếu với các phần còn lại của ngành chế tạo. Đây cũng là một trong những yếu tố chính làm cho Philippines dễ bị tác động khi có các biến động kinh tế diễn ra, ví dụ như ngành điện tử đã chịu ảnh hưởng rất lớn khi cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 xảy ra.
Thứ ba, mặc dù có nhiều cải thiện, song các hạn chế, rào cản trong chính sách thu hút FDI vẫn còn. Các rào cản trong FDI chủ yếu dồn vào các lĩnh vực dịch vụ bao gồm các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; vận tải và kho chứa; dịch vụ bất động sản; quản trị công và quốc phòng; bảo hiểm xã hội và giáo dục. Danh sách Hạn chế Đầu tư nước ngoài năm 2010 không có nhiều sự khác biệt so với Danh sách năm 2006. Nhìn chung, đây sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với Philippines để có thể cải thiện năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực trong thời gian tới.
Kết luận
Như vậy, kể từ sau cuộc KHTCCA, Philippines đã có những điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách kinh tế đối ngoại của mình,để không những khắc phục các yếu kém bên trong nền kinh tế từ trước đó mà còn để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế khu vực và thế giới. Các điều chỉnh chính sách của Philippines tập trung vào việc đổi mới cơ cấu thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của nền kinh tế và tham gia sâu hơn vào các thể chế khu vực. Những điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại đã bước đầu mang lại cho Philippines một số kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, một số hạn chế vẫn chưa được giải quyết như: cơ cấu thương mại vẫn chỉ tập trung vào một số ngành hàng như thiết bị điện tử, may mặc…, tình trạng nhập siêu đang có xu hướng ngày càng tăng, khả năng thu hút các nguồn lực bên ngoài vẫn còn yếu do chất lượng cơ sở hạ tầng nghèo nàn và rào cản thủ tục pháp lý còn cao và lợi ích thu được từ việc tham gia các thể chế khu vực vẫn còn thấp./.
(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 01/2018)